Trong ảnh (tư liệu): Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Saint-Avold, miền đông Pháp ngày 31/10/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN
Phát thải khí CO2 từ ngành năng lượng toàn cầu đã tăng 6% trong năm 2021 lên 36,3 tỷ tấn, mức cao nhất từ trước tới nay, khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi mạnh mẽ khỏi các tác động của đại dịch COVID-19 và nhu cầu sử dụng than đá tăng cao.
Trong báo cáo công bố mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết than đá chiếm hơn 40% tổng lượng phát thải CO2 tăng thêm trong năm vừa qua, tương đương 15,3 tỷ tấn.
Trong khi đó, phát thải từ khí đốt tự nhiên cũng tăng trở lại và đạt 7,5 tỷ tấn, cao hơn mức năm 2019.
Nhu cầu năng lượng tăng trở lại trong năm 2021 do thời tiết bất thường khiến nhu cầu tiêu dùng điện gia tăng, cộng với giá khí đốt leo thang thúc đẩy việc sử dụng than đá bất chấp ngành năng lượng tái tạo đạt mức tăng trưởng kỷ lục.
Theo IEA, Trung Quốc là nền kinh tế tác động lớn nhất tới sự gia tăng phát thải CO2 năm 2021, chiếm 33% tổng lượng toàn cầu với hơn 11,9 tỷ tấn. Ấn Độ cũng ghi nhận sự gia tăng khí thải CO2 so với mức năm 2019, chủ yếu do nhu cầu sử dụng than đá để sản xuất điện tăng cao.
Năm ngoái, sản lượng điện than của quốc gia Nam Á tăng 13% so với năm 2020 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, giá khí đốt tăng cao ở châu Âu và Mỹ cũng góp phần vào sự gia tăng phát thải CO2 trên toàn cầu, là yếu tố thúc đẩy việc sử dụng than đá trong sản xuất điện nhằm kiếm lợi nhuận cao hơn.
IEA nhận định việc chuyển đổi từ khí đốt sang than đá đã khiến lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực sản xuất điện trên thế giới tăng hơn 100 triệu tấn, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, nơi chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt nhất giữa các nhà máy điện khí và điện than.
Các dữ liệu của IEA cho thấy sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 không phải là sự phục hồi bền vững mà Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol, đã kêu gọi trong giai đoạn đầu của đại dịch vào năm 2020.
Trước tình hình này, IEA hối thúc các nước trên thế giới hành động để đảm bảo rằng tình trạng tăng phát thải CO2 trên toàn cầu trong năm vừa qua sẽ không lặp lại và nỗ lực chuyển đổi năng lượng sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu và giá năng lượng thấp hơn cho người tiêu dùng.