Tin thế giới

Hệ thống điện mặt trời nổi hứa hẹn giúp Hàn Quốc thoát khỏi nhiệt điện than

Thứ hai, 7/3/2022 | 10:08 GMT+7
Với quỹ đất có thể sử dụng được cho các dự án năng lượng tái tạo bị hạn chế, Hàn Quốc đang tận dụng các bề mặt hồ chứa nước để xây dựng một số nhà máy điện mặt trời nổi khổng lồ. 
Nhà máy điện mặt trời nổi ở đập Hapcheon có thể sản xuất 41 MW điện/năm, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho 20.000 hộ gia đình. Ảnh: Bloomberg
 
Các chuyên gia xem đây là giải pháp để giúp Hàn Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, vốn đang chiếm tỷ trọng 40% trong tổng cơ cấu sản lượng điện của nước này.
 
Điện mặt trời nổi, giải pháp để đạt mục tiêu trung hòa carbon
 
Nhà máy điện mặt trời nổi trên đập chứa nước Hapcheon dài 19 km ở huyện Hapcheon, tỉnh Nam Gyeongsang, phía nam Hàn Quốc vừa mới đi vào hoạt động vào cuối năm ngoái. Nhà máy có 17 hệ thống tấm quang năng, với mỗi hệ thống bao gồm 92.000 tấm quang năng kết theo hình bông hoa mận khổng lồ, có thể sản xuất 41 MW điện/năm, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho 20.000 hộ gia đình, theo Hanwha Solutions, công ty xây dựng nhà máy này.
 
Đây là một trong những nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất trên thế giới và nằm ở một quốc gia chậm triển khai năng lượng tái tạo, mặc dù nền kinh tế công nghiệp hóa của Hàn Quốc vận hành chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
 
Kim Jiseok, chuyên gia khí hậu và năng lượng tại tổ chức Greenpeace Hàn Quốc, cho biết: “Hàn Quốc cần một sản lượng lớn năng lượng tái tạo để đáp ứng các mục tiêu khí hậu, và các trang trại điện mặt trời nổi có thể là một phần của giải pháp vì chúng không sử dụng đất và ít bị người dân địa phương phản đối”.
 
Tại buổi lễ khánh thành nhà máy trên vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Moon-Jae in cho biết năng lượng mặt trời nổi có thể giúp Hàn Quốc đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 với tiềm năng bổ sung 9,4 GW vào lưới điện mỗi năm, tương đương với công suất sản xuất điện của chín lò phản ứng hạt nhân.
 
Ali Izadi-Najafabadi, nhà phân tích của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg, nói: “Năng lượng mặt trời nổi ngày càng trở thành sự lựa chọn phổ biến ở các nước như Hàn Quốc, nơi giá cả và quy định quản lý đất đai cũng như như sự phản đối của người dân địa phương gây khó khăn cho việc triển khai các dự án sản xuất năng lượng quy mô lớn. Đối với các chủ sở hữu hồ chứa nước, năng lượng mặt trời nổi hấp dẫn gấp đôi vì nó bổ sung thêm một nguồn doanh thu mới, đồng thời giúp hạn chế nước bốc hơi”.
 
Các dự án điện mặt trời nổi thường được hưởng lợi từ việc kết nối dễ dàng hơn với lưới điện, thông qua các hệ thống đường dây truyền tải điện có sẵn từ nhà máy thủy điện gần đó hoặc vì hồ chứa nước nơi các dự án này tọa lạc gần với khu vực đô thị. Các tấm quang năng cũng có thể giúp hạn chế tảo nở hoa. Trong khi đó, nước giúp giữ cho các tấm quang năng này mát mẻ trong điều kiện khí hậu nóng, làm tăng hiệu quả của chúng.
 
Tuy nhiên, chi phí triển khai các dự án như vậy tốn kém hơn so với các trang trại điện mặt trời trên mặt đất . Theo Ngân hàng Thế giới, do nhu cầu về phao nổi, dây neo và các linh kiện điện có độ bền cao hơn, các hệ thống điện mặt trời nổi trên nước đắt hơn khoảng 18% so với các hệ thống trên cạn.
 
Người dân địa phương được trao cơ hội đầu tư
 
Đập Hapcheon được xây dựng vào cuối những năm 1980 dưới chế độ độc tài quân sự của Tổng thống Chun Doo-hwan. Thời đó, người dân làng bị cưỡng chế di dời khỏi nơi cư trú để xây dựng con đập này, phục vụ nhu cầu thủy điện và thủy lợi. Cho Jaesung, 64 tuổi, một người dân ở huyện Hapcheon nhớ lại, khi còn nhỏ, ông đã bắt cá và bơi trên sông ở làng ông trước khi thung lũng và ngôi làng chìm ngập trong nước.
 
Con đập này hiện được quản lý bởi Tập đoàn Tài nguyên nước Hàn Quốc. Và khi dự án nhà máy điện mặt trời nổi được đề xuất, Cho Jaesung và những người dân khác đã được trao cơ hội đầu tư. Một số người dân địa phương cũng được giới thiệu việc làm trong quá trình xây dựng dự án.
 
Cho Jaesung nói: “Chúng tôi thực sự không có sự lựa chọn khi đập Hapcheon được xây dựng cách đây hơn 30 năm, nhưng thật tuyệt khi lần này, ngay từ đầu, chúng tôi được trở thành một phần của quá trình chuyển đổi mang tầm quốc gia”.
 
Khoảng 1.400 người dân trong khu vực đã đầu tư 3,1 tỉ won (2,6 triệu đô la), tương đương khoảng 4% tổng chi phí đầu tư của dự án nhà máy điện mặt trời nổi này, với hy vọng nhận được lợi nhuận hàng năm 10% trong vòng 20 năm. Chính họ đã yêu cầu lắp ghép các tấm quang năng theo hình bông hoa mận để làm cho trang trại điện mặt trời nổi trở nên đẹp hơn về mặt hình ảnh.
 
Hệ thống điện mặt trời nổi này ở đây dụng công nghệ mới nhất của Công ty dịch vụ giải pháp năng lượng Hanwha Solutions, có khả năng chống ẩm và nhiệt cao hơn. Hanwha, nhà sản xuất tấm quang năng lớn nhất của Hàn Quốc, hiện đang cung cấp vật tư và công nghệ cho một nhà máy điện mặt trời nổi khác có công suất 63 MW/năm trên hồ Goheung ở phía nam Hàn Quốc. Sau khi đưa vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất quốc gia.
 
“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn trên thị trường năng lượng mặt trời nổi toàn cầu khi ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng công nghệ này”, Shin Hyungseob, Tổng giám đốc tại Hanwha Solutions, công ty sản xuất tấm quang năng thương hiệu Q Cells, nói.
 
Phù hợp với các nước có quỹ đất hạn chế
 
Các dự án năng lượng mặt trời nổi đang thu hút sự chú ý, đặc biệt là ở châu Á, từ các nước như Hàn Quốc và Singapore, nơi có quỹ đất hạn chế vì hầu hết diện tích đất đai đã được sử dụng cho hoạt động nông nghiệp và phục vụ đô thị hóa.
 
Thái Lan đã xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời nổi kết hợp thủy điện lớn nhất thế giới ở đập chứa nước Sirindhorn vào năm ngoái và Singapore đã khởi động một nhà máy điện mặt trời công suất 60 MW trên hồ chứa nước Tengeh. Ấn Độ có kế hoạch hoàn thành xây dựng trang trại điện mặt trời nổi khổng lồ với công suất 600 MW phía trên đập Omkareshwar vào năm 2023.
 
Hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự báo tỷ trọng điện mặt trời trong tổng công suất phát điện sẽ tăng lên khi các nước chạy đua đáp ứng các mục tiêu về giảm phát thải carbon và các tấm quang năng nổi sẽ được hưởng lợi.
 
Theo Viện Năng lượng xanh (Hàn Quốc), trong khi năng lượng mặt trời là nguồn cung năng lượng tái tạo hàng đầu của Hàn Quốc, với tổng công suất 21 GW, quốc gia này sẽ cần ít nhất 375 GW công suất năng lượng tái tạo mỗi năm để đạt mục tiêu trung hòa carbon.
 
Kim Jiseok, chuyên gia của Greenpeace Hàn Quốc, nói: “Ngay cả với sự trợ giúp của các nhà máy điện mặt trời nổi, Hàn Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước và còn rất ít thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Nếu chúng ta không đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo ngay bây giờ, chúng ta sẽ bỏ lỡ thời hạn cuối”.
 
Theo: The Saigon Times