Thời gian qua, nhiều nhà dầu tư trong và ngoài nước ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh: Nguyễn Thanh
Tuy nhiên, với nhiều thách thức, khó khăn đặt ra, thúc đẩy năng lượng tái tạo không phải chuyện dễ dàng.
“Làn sóng” đầu tư
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu các bon tại Việt Nam, diễn ra sáng ngày 12/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho hay: Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ấn tượng từ 6-7%. Tuy nhiên, ở một mặt khác, nhu cầu điện năng đã tăng trên 13% cho giai đoạn 2000-2010 và trên 11% cho giai đoạn 2011-2016 (năm 2018 vừa qua là trên 10%).
Nhìn về tương lai, các dự báo chỉ ra rằng từ nay cho đến năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao từ 6,5 - 7,5%/năm. Như vậy, ưu tiên cao phải được dành cho đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước một cách bền vững.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030 so với 47.000 MWW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000 MWW nguồn điện mới sẽ cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030, cùng với đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối.
“Trong bối cảnh đó, một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các nước trong khu vực”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.
Trên thực tế, Việt Nam đang chứng kiến một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đến cuối năm 2018, Việt Nam đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW.
Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.
Không ít thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức như: Chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp; cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời); các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên... Trong thời gian tới, sẽ cần có một chương trình để giải quyết lần lượt các bất cập này.
Liên quan tới phát triển năng lượng tái tạo, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay: Hiện nay, EVN gặp phải không ít khó khăn để thúc đẩy phát triển, điển hình như điện mặt trời. Cụ thể, EVN chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện cho khách hàng.
Bên cạnh đó, giá thành lắp đặt 1 kWp điện mặt trời còn cao (khoảng 1.000 USD/kWp), chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay đối với các dự án điện mặt trời và các chương trình hỗ trợ chi phí lắp đặt cho khách hàng.
Ngoài ra, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều DN cung cấp và lắp đặt với hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau dẫn đến tâm lý e ngại, không dám lắp đặt sử dụng điện mặt trời; chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các thiết bị liên quan như tấm pin, khung đỡ, invester để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
“Cùng với đó là một loạt khó khăn như việc quy định cấp phép hoạt động điện lực gây khó khăn cho bên thứ ba tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho các khu vực mái có tiềm năng tốt và bán điện lại cho khách hàng, chưa có quy định về giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà”, vị đại diện này nói.
Xung quanh câu chuyện năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Minh Duệ - Chủ tịch Hội đồng khoa học (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) cho hay: Để các dự án điện năng lượng tái tạo trở thành khả thi, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề nghị cần xúc tiến một số nội dung quan trọng, trong đó có phần phân tích, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư điện năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió, điện mặt trời) có tính đến yếu tố rủi ro.
Ông Duệ phân tích: Đối với bất kỳ dự án đầu tư nào, bên cạnh lợi ích đạt được cũng gặp phải những rủi ro, đặc biệt, dự án điện năng lượng tái tạo mới mẻ và phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên nên rủi ro càng lớn. Nhà đầu tư cần nhận dạng và quản lý rủi ro.
“Ngoài ra, các công trình năng lượng tái tạo lớn, vốn vay thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư. Nguồn vốn vay, lãi suất vay lớn sẽ làm tăng giá trị hệ số chiết khấu tài chính ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư nên cần phải xem xét đánh giá”, ông Duệ nhấn mạnh.