Lãnh đạo TKV cho rằng không có chuyện thiếu than ở Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh. Ảnh: ĐỖ HOÀNG
“Chúng tôi đảm bảo cung cấp than theo hợp đồng đã ký, thậm chí còn vượt kế hoạch ký trước đó” - ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng Giám đốc TKV, khẳng định như trên tại cuộc họp báo do Vinacomin tổ chức chiều 28-11.
Do phát điện tăng cao
Trước đó Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh thông tin Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh có thể sẽ dừng sản xuất vì tình trạng khan hiếm than qua bài báo “Nhiều nhà máy nhiệt điện đóng cửa vì lo thiếu than” (ngày 24-11). Theo đó, từ ngày 17-11, nhiệt điện Quảng Ninh đã phải dừng hai tổ máy số 1 và số 2 để đảm bảo đủ than duy trì hai tổ máy còn lại. Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và Thái Bình cũng trong tình trạng cạn kiệt nguồn than. Các nhà máy này đều thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đáp lại thông tin trên, ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết tập đoàn đã cung cấp đủ 2,6 triệu tấn than cho nhiệt điện Quảng Ninh theo hợp đồng đã ký năm 2018, thậm chí vượt kế hoạch trong hợp đồng. Riêng phần tăng thêm, TKV và EVN đã bàn bạc thống nhất và sẽ cấp thêm cho nhà máy này khoảng 30.000 tấn than trong vài ngày cuối tháng 11 và 200.000 tấn than trong tháng 12 tới.
Ông Trung cũng khẳng định không có chuyện nhiệt điện Quảng Ninh dừng hoạt động vì thiếu than. Thực tế, nhà máy giảm phát các tổ máy tùy theo tình hình huy động điện.
Ông Trung cho biết TKV đặt ra kế hoạch năm 2018 với sản lượng tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng cao. Nguyên nhân chính xuất phát từ các nhà máy nhiệt điện than phát hết công suất, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm.
Không ký hợp đồng dài hạn
Một điểm đáng chú ý được ông Trung chỉ ra là một số nhà máy nhiệt điện than, trong đó có nhiệt điện Quảng Ninh bị thiếu than bởi không ký hợp đồng dài hạn với các đơn vị của TKV. Từ đó TKV chưa có cơ sở để cân đối nhu cầu của nhà máy trong dài hạn để chủ động điều hành sản xuất đảm bảo tăng sản lượng theo yêu cầu. “Thời gian tới hai bên cần phải thống nhất ký hợp đồng cung cấp than dài hạn để chủ động về nguồn cung cho nhà máy cũng như chủ động việc bố trí sản xuất, đầu tư của TKV” - ông Trung nói.
Về tình hình cung ứng than cho năm 2019, lãnh đạo TKV cho biết nhu cầu tiêu thụ than trong nước năm 2019 đối với nguồn than do TKV cung cấp sẽ tiếp tục tăng cao. TKV tính toán sản lượng khai thác và nhập khẩu sẽ đáp ứng cung cấp cho các hộ tiêu thụ.
Tuy vậy, lãnh đạo TKV cũng lo ngại các nhà máy nhiệt điện có thể thay đổi sản lượng tiêu thụ than. Vị này cho rằng nhu cầu than cho sản xuất điện thời gian qua biến động rất lớn và phụ thuộc rất nhiều vào việc huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than.
Nhiều người ví von các dự án nhiệt điện ở cạnh mỏ than vẫn thiếu than? Ông Trung chia sẻ các đơn vị này ở cạnh nguồn than nên việc vận chuyển than rất thuận tiện và họ thường chỉ ký hợp đồng với mỏ gần đó và nghĩ rằng đủ cung cấp cho nhà máy. Tuy nhiên, khi nhu cầu phát điện tăng cao, họ khó huy động được nguồn từ nơi khác. Thêm vào đó, công nghệ của các nhà máy nhiệt điện tại đây chỉ phù hợp với loại than ở Quảng Ninh, khi nhu cầu tăng sẽ dẫn đến bị động nguồn cung.
Dứt khoát không để thiếu điện do cung ứng than
Ngày 28-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp với các bộ, ngành, EVN, TKV để nghe báo cáo về tình hình cung cấp than cho nhiệt điện.
Theo đó, từ đầu năm các nhà máy nhiệt điện than của EVN đã ký hợp đồng mua bán than với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc với tổng khối lượng là 23 triệu tấn. Đến thời điểm hiện tại, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã cung cấp được tổng cộng 20,46 triệu tấn, bằng 89% khối lượng theo hợp đồng. Trong hai tháng qua, tình hình cấp than cho các nhà máy điện của EVN không đảm bảo nhu cầu vận hành.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng trên cơ sở hợp đồng đã ký kết, dứt khoát không để thiếu điện vì lý do cung ứng than. Qua đó, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN và TKV thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện ổn định trong những tháng cuối năm 2018. Đây là thời gian huy động nguồn điện than ở mức cao và chuẩn bị các tình huống năm 2019.
- Ngày 23-11, TKV đã có công văn gửi EVN về việc điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện. Theo đó, từ ngày 5-12-2018, giá bán than cho điện tăng khoảng 2,3%-5,8%.
- Bộ Công Thương cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, yêu cầu hai đơn vị này điều hành sản xuất và cung cấp than linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và nhu cầu của các hộ tiêu thụ; đa dạng hóa phương thức sàng tuyển, chế biến, pha trộn than nhằm sản xuất các loại than phù hợp với nhu cầu sử dụng của các đơn vị, nhất là than cho sản xuất điện.
EVN đề xuất Chính phủ cho phép EVN chủ động mua 4 triệu tấn than antraxit từ các nguồn than hợp pháp trong nước và nhập khẩu thông qua tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế. Đồng thời cho phép EVN hạch toán chi phí mua điện từ các nhà máy có sử dụng than nhập khẩu vào giá thành sản xuất và mua điện của EVN để điều chỉnh giá điện năm 2019 và các năm tiếp theo.