Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc tại UBND tỉnh Bình Dương.
Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quý I-2024. Trong lĩnh vực Điện lực, UBND tỉnh có hai kiến nghị gửi đến Chính phủ để mong sớm nhận được sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Về triển khai thực hiện di dời lưới điện trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn xin ý kiến về trách nhiệm thực hiện di dời lưới điện tồn tại trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phục vụ thi công các dự án đầu tư công. Đến nay, UBND tỉnh đã nhận được văn bản trả lời của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, nội dung trả lời của các Bộ ngành liên quan vẫn chưa được cụ thể, rõ ràng theo điều kiện thực tế của địa phương, khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Vấn đề này, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép UBND tỉnh Bình Dương được sử dụng vốn ngân sách trong tổng mức đầu tư dự án giải phóng mặt bằng để thực hiện di dời hệ thống lưới điện dọc trên tuyến đường giao thông được tạo lập trước và sau khi Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ có hiệu lực thi hành nhằm phục vụ việc thi công dự án đảm bảo tiến độ đề ra.
Về triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Qua rà soát, tỉnh Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp (KCN), 09 cụm công nghiệp (CCN) đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động với hệ số lấp đầy đạt trên 80%. Theo Quy hoạch phát triển KCN và CCN của tỉnh Bình Dương, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tăng lên 43 KCN và 30 CCN. Tổng diện tích đất của KCN và CCN tại Bình Dương là rất lớn (15.000 ha), có tiềm năng phát triển điện mặt trời trên mái nhà xưởng, mặt đất có thể phát triển tới hơn 3.000 MW đến năm 2030 và hơn 5.000 MW vào năm 2050 thực hiện theo hình thức tự sản, tự tiêu, nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước, thực hiện chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không nào năm 2050.
Vấn đề này, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Bình Dương được bổ sung vào Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII hoặc được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với công suất điện mặt trời tự sản, tự tiêu đến năm 2030 lắp đặt khoảng 3000MW và hơn 5.000 MW đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ.
Trước kiến nghị của tỉnh Bình Dương về nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời tự sản, tự tiêu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sử dụng năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon tham gia vào quá trình sản xuất là cần thiết, nhất là từ năm 2025 thì đây chính là “hộ chiếu” để các loại hàng hóa có thể xuất khẩu tại thị trường các nước.
“Việc phát triển năng lượng sạch tham gia vào sản xuất thì Bình Dương được nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI tìm đến không chỉ còn là nguồn lao động giá rẻ mà chính là một nơi có nguồn năng lượng sạch có thể đáp ứng yêu cầu cho doanh nghiệp. Khi đó Bình Dương sẽ là địa phương tiên phong trong phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thu hút được các nhà đầu tư”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thêm, để tạo thuận lợi cho phát triển nguồn năng lượng sạch này, Chính phủ sẽ cụ thể hóa thể chế liên quan vấn đề điện năng lượng mặt trời, để tới đây không chỉ Bình Dương có thể áp dụng mà còn lan tỏa ra mọi địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc phát triển điện năng lượng mặt trời cần đặc biệt lưu ý cần phải có những yêu cầu, biện pháp kỹ thuật để bảo đảm an toàn điện, an toàn cho hệ thống điện.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành sau buổi làm việc cần có những văn bản trả lời, hướng dẫn cụ thể các kiến nghị của tỉnh Bình Dương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.