Ảnh minh họa.
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo là cơ hội để đáp ứng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu quốc tế đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra hàng triệu việc làm và cải thiện phúc lợi cho con người trước năm 2050, theo báo cáo triển vọng năng lượng tái tạo toàn cầu đầu tiên của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) công bố mới đây.
Mặc dù con đường dẫn đến quá trình phi các-bon (quá trình giảm thiểu lượng các-bon, thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu ít gây hại cho môi trường) sâu hơn đòi hỏi tổng vốn đầu tư năng lượng lên tới 130.000 tỷ USD, lợi ích kinh tế xã hội của khoản đầu tư này sẽ rất lớn.
Chuyển đổi hệ thống năng lượng có thể làm tăng mức tăng trưởng GDP tích lũy toàn cầu cao hơn mức thông thường là 98.000 tỷ USD từ nay đến năm 2050. Sự chuyển đổi này sẽ làm tăng gấp 4 lần số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo lên mức 42 triệu, làm tăng việc làm trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng lên 21 triệu và bổ sung 15 triệu việc làm trong lĩnh vực hệ thống điện linh hoạt.
Báo cáo triển vọng năng lượng tái tạo toàn cầu xem xét các cấu thành của một hệ thống năng lượng cùng với các chiến lược đầu tư và khung chính sách cần thiết để quản lý quá trình chuyển đổi.
Báo cáo chỉ ra rằng việc xây dựng trên năm trụ cột công nghệ, đặc biệt là hydro xanh và điện khí hóa lĩnh vực sử dụng cuối cùng, có thể giúp thay thế nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải trong ngành công nghiệp nặng và các ngành khó phi các-bon hoá. Đầu tư vào khu vực các-bon thấp sẽ mang lại lợi ích đáng kể, giúp tiết kiệm gấp 8 lần so với chi phí khi tính đến các yếu tố ngoại cảnh về sức khỏe và môi trường.
Một con đường an toàn về khí hậu sẽ đòi hỏi đầu tư năng lượng tích lũy là 110.000 tỷ USD trước năm 2050 nhưng để đạt được tính trung lập về các-bon đầy đủ sẽ cần thêm 20.000 tỷ USD.
Mặc dù có nhiều con đường khác nhau nhưng tất cả khu vực trên thế giới dự kiến sẽ có tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo cao hơn, với Đông Nam Á, Mỹ Latinh, Liên minh châu Âu và khu vực cận Sahara châu Phi dự kiến sẽ đạt tỷ lệ 70 – 80% trong cơ cấu năng lượng của họ trước năm 2050.
Tương tự như vậy, điện khí hóa các lĩnh vực sử dụng cuối cùng như nhiệt và vận tải sẽ tăng lên ở mọi nơi, vượt quá 50% ở Đông Á, Bắc Mỹ và phần lớn châu Âu.
Tất cả các khu vực cũng sẽ được hưởng thêm nhiều lợi ích và chứng kiến mức tăng ròng về việc làm trong lĩnh vực năng lượng bất chấp những tổn thất trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, những lợi ích thu được trong vấn đề việc làm ở quy mô khu vực và cả nền kinh tế được phân phối không đồng đều, báo cáo lưu ý.
Nâng cao tham vọng cấp khu vực và quốc gia có tầm quan trọng rất lớn trong việc đáp ứng các mục tiêu tương hỗ về năng lượng và khí hậu và giành được các lợi ích về kinh tế xã hội. Sự kết hợp mạnh mẽ hơn ở cấp quốc tế, khu vực và trong nước cũng là yếu tố rất quan trọng, với sự hỗ trợ tài chính được hướng đến những nơi cần thiết bao gồm các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.
Tổng giám đốc IRENA, Francesco La Camera, nhận định chính phủ các nước đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là kiểm soát tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đồng thời đưa ra các biện pháp kích thích và phục hồi chính.
Báo cáo triển vọng của IRENA cho thấy các cách để xây dựng các nền kinh tế bền vững, công bằng và kiên cường hơn bằng cách gắn kết các nỗ lực phục hồi ngắn hạn với các mục tiêu trung và dài hạn của Thỏa thuận Paris và Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
“Bằng cách tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo và biến quá trình chuyển đổi năng lượng thành một phần không thể thiếu của sự phục hồi rộng hơn, các chính phủ có thể đạt được nhiều mục tiêu kinh tế và xã hội trong việc theo đuổi một tương lai với khả năng phục hồi mạnh mẽ mà không khiến ai bị bỏ lại phía sau”, bà nhấn mạnh.