Diễn đàn năng lượng

Phương pháp tính “rợ”

Thứ sáu, 25/1/2008 | 10:19 GMT+7

Sau khi đã nắm được khái niệm “Thời giờ là tiền bạc”, chúng ta hãy thử xem khái niệm này được áp dụng như thế nào trong việc quyết định lời lỗ của các phương án đầu tư.

Giả thử bạn bỏ ra một khoản tiền ban đầu là 40 triệu đồng đầu tư vào việc mua máy photocopy và các chi phí khác để làm dịch vụ sao chụp cho khách hàng trong khu phố. Cũng giả thử 10 năm tới bạn tính toán và dự báo số tiền thu được từ dịch vụ này sau khi trừ mọi chi phí là 7,5 triệu đồng mỗi năm, còn năm thứ 10 bạn định thanh lý chiếc máy được 9,5 triệu nữa.

Vấn đề bạn phải quyết định là so giữa khoản tiền đầu tư ban đầu và các khoản tiền thu được như thế, dự án dịch vụ photocopy này có đáng làm không? (Đây là một giả định đơn giản hoá vì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách tính toán làm sao để biết khoản chi phí ban đầu, khoản tiền thu được hàng năm, gọi tắt là dòng tiền ở các bài sau).

Thông thường, người ta dùng cách tính thời gian thu hồi vốn (payback period) bằng cách lấy tổng đầu tư chia cho dòng tiền hàng năm. Trong dự án nói trên, thời gian thu hồi vốn đầu tư là 5 năm 4 tháng. Người ta cũng thường đánh giá dự án có nên thực hiện hay không bằng cách so sánh thời gian thu hồi vốn vừa tính toán với thời gian thu hồi vốn đã định trước. Giả thử ở dự án photocopy, bạn dự tính thu hồi vốn trong vòng 5 năm, nay tính toán thấy mất hơn 5 năm một chút, có lẽ bạn sẽ quyết định không làm.

Phương pháp “tính rợ” này không giúp ích gì nhiều cho bạn vì rõ ràng nó không đếm xỉa gì đến “giá trị thời gian” của dòng tiền mà chúng ta đã biết đến ở Bài 1. Số năm định trước trong đầu dùng để đối chiếu so sánh cũng là một con số chủ quan. Loại phương pháp này chỉ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về khả năng lời lỗ của dự án.

Từ quen thuộc trên bản cáo bạch: NPV

Áp dụng công thức đã nêu ở Bài 1, người ta sẽ tính giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai (7,5 triệu đồng/năm trong 9 năm và 17 triệu đồng năm thứ 10), xem thử vào thời điểm bây giờ chúng đáng giá bao nhiêu nếu lãi suất dùng để chiết khấu là 10%.

Giá trị hiện tại = (7,5 x 5,759) + 17 x 0,386) = 49,75 triệu đồng.

(Nếu bạn quên vì sao có các con số ở phép tính nói trên, xin nhắc lại 5,759 là giá trị hiện tại của 1 đồng mỗi năm, nhận suốt trong 9 năm, chiết khấu cho mức lãi suất 10%/năm; còn 0,386 là giá trị hiện tại của 1 đồng nhận ở năm thứ 10, dùng lãi suất chiết khấu tương tự).

Nếu lấy 49,75 triệu trừ cho 40 triệu, chúng ta sẽ có con số 9,75 triệu đồng – là giá trị hiện tại thuần (net present value) mà dân tài chính thường gọi tắt là NPV. Như vậy NPV là giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai của một dự án trừ đi chi phí đầu tư ban đầu. Thông thường người ta nói NPV bằng 0 hay lớn hơn thì dự án ấy chấp nhận được; còn nếu NPV là số âm thì thôi, đừng tơ tưởng gì đến nó nữa.

Chúng ta thấy yếu tố quan trọng ở đây là mức lãi suất chiết khấu. Giả thử thay vì bỏ 40 triệu đồng đầu tư vào dịch vụ photocopy, chúng ta gởi quách vào ngân hàng cho khoẻ, lãi suất hàng năm là 8%. Còn đã ra làm ăn, mức lãi phải cao hơn, ở đây là 10% chẳng hạn. Như vậy, mức lãi suất chiết khấu được chọn làm sao để phản ánh chi phí sử dụng đồng vốn, dù nó là của mình (cơ hội bỏ qua khi đem tiền đó làm chuyện khác) hay đi vay của người khác (ắt phải cao hơn mức lãi suất đi vay).

Nhưng IRR dễ hình dung hơn

Vì thế, để dễ hình dung, người ta dùng một phương pháp khác nữa, gọi là tỷ suất thu nhập nội bộ (internal rate of return) mà sách vở thích gọi tắt là IRR để tính hiệu quả dự án. IRR chính là mức lãi suất chiết khấu nói ở trên, được chọn làm sao để NPV bằng 0. Trong dự án photocopy giả định từ đầu đến giờ, nếu dùng lãi suất chiết khấu 10% thì NPV là 9,75 triệu. Cứ tăng IRR lên dần, đến 14,99% (cứ cho là 15% đi) thì NPV bằng 0. Tiêu chuẩn để chọn làm hay không làm một dự án là so sánh IRR của nó với lãi suất sử dụng đồng vốn, cao hơn thì chấp thuận, thấp hơn thì từ chối, còn bằng nhau thì làm chả đáng bõ công.

Con số IRR được giới quản lý khoái nhất vì dễ hình dung. Giả thử trình bày trước các thành viên trong công ty, bạn nói dự án này có NPV là 20 triệu (trong khi số vốn đầu tư lên đến tiền tỷ) chắc chẳng ai có ấn tượng gì. Trong khi đó nếu nói IRR của dự án là 25,6%, chà, sẽ có tiếng xuýt xoa bên dưới, dự án này được đấy.

Còn một phương pháp nữa gọi là chỉ số lợi nhuận (profitability index), gọi tắt là PI (có sách gọi là tỷ suất lợi nhuận trên chi phí - benefit-cost ratio- BCR). Để tính PI, chỉ cần lấy giá trị hiện tại của dòng tiền thu được trong tương lai chia cho số vốn đầu tư ban đầu. Nếu bằng hay lớn hơn 1, dự án có thể chấp nhận, còn PI nhỏ hơn 1 thì thôi vậy, nên tìm dự án khác làm ăn. Trong dự án photocopy của chúng ta, PI bằng 1,24.

Trước đây khi chưa có máy tính, việc nhẩm ra IRR khá phức tạp nhưng nay bạn chỉ cần đưa vào bảng tính Excel, máy sẽ tính ngay trong chốc lát.

Chú ý: Khi dùng Excel, nên chú ý lệnh tính IRR yêu cầu chúng ta đoán trước một mức lãi suất nào đó, ở đây, lấy tạm lãi suất 12% để máy tính cho nhanh. Thứ hai, lệnh NPV tính lùi một năm trước khi dòng tiền thứ nhất diễn ra. Vì thế, trong bảng tính trên, nếu viết =NPV (C5,B3:L3), máy sẽ tính NPV ở thời điểm năm thứ 1. Nếu muốn tính NPV ở năm 0, các bạn tính như công thức trên, tức là tính dòng tiền từ năm 1 đến 10, sau đó cộng dòng tiền năm 0 (tức là số tiền đầu tư) mới chính xác.

Theo: TBKTSG