Tin thế giới

Pin mặt trời - "quân bài" mới của Trung Quốc

Thứ tư, 28/6/2023 | 10:39 GMT+7
Với việc sản xuất 80% tổng số tấm pin mặt trời trên toàn cầu, Trung Quốc đang nắm trong tay lợi thế rất lớn ở mảng năng lượng tái tạo.


Công nhân công ty GCL Poly Energy - một trong những nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất thế giới - đang kiểm tra pin tại nhà máy ở Giang Tô. Ảnh: AFP

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), số tiền chi cho sản xuất năng lượng mặt trời đạt 380 tỷ USD trong năm nay. Đây cũng là lần đầu trong lịch sử, lĩnh vực này vượt qua việc chi tiêu cho khai thác dầu mỏ (370 tỷ USD).

Theo giới chuyên gia, thế giới đang chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, nhiều nhất là năng lượng mặt trời. Trong khi đó, hầu hết pin quang điện hiện là từ Trung Quốc. IEA thống kê nước này chiếm 80% tổng số tấm pin mặt trời được sản xuất trên toàn cầu. Nếu xét trên chuỗi cung ứng, sức ảnh hưởng của đất nước tỷ dân còn rõ rệt hơn: sản xuất 85% thành phần pin quang điện, 88% polysilicon - tấm chuyển quang năng thành điện năng và tới 97% tấm mỏng bảo vệ lõi pin mặt trời.

Sự thống trị về năng lượng mặt trời của Trung Quốc diễn ra khá nhanh. Năm 2005, châu Âu dẫn đầu cuộc đua, riêng Đức đã chiếm một phần năm sản lượng pin mặt trời toàn cầu. Chỉ 5 năm sau, khu vực này vẫn lắp nhiều điện mặt trời nhưng sản xuất ít hơn. Năm nay, cứ 10 tấm pin mặt trời bán ra thị trường, có 8 tấm pin được sản xuất tại Trung Quốc.

Sự phát triển nhanh chóng của điện mặt trời tại Trung Quốc chủ yếu nhờ chính sách thúc đẩy của nước này, như vốn và chi phí thấp, dự án phê duyệt nhanh, các công ty trong nước được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh nước ngoài, chi phí nhân công thấp, mạng lưới chuỗi cung ứng rộng khắp và nhu cầu trong nước cao. Đây cũng là những yếu tố giúp Trung Quốc thành công xưởng sản xuất khó bị lật đổ của thế giới.

"Ý nghĩa địa chính trị của việc năng lượng mặt trời sẽ trở thành nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ rất lớn", Graham Allison, giáo sư tại Đại học Harvard, nhận định trên FT. "Tại sao Trung Đông lại trở thành trung tâm của đấu trường trong thập kỷ qua, vì các nước ở đó là những nhà cung cấp dầu và khí đốt chính - nguồn năng lượng cho nền kinh tế thế kỷ XX. Nếu trong thập kỷ tới, khi điện mặt trời thay thế một phần đáng kể dầu mỏ, ai sẽ thiệt hại nhất và ai sẽ chiến thắng?".

Mỹ và châu Âu cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Tháng 9 năm ngoái, Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, nhấn mạnh công nghệ xanh là một trong ba yếu tố đặc biệt quan trọng bên cạnh chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo - hai lĩnh vực Mỹ đang hạn chế Trung Quốc bằng các lệnh cấm. Dù vậy, giới quan sát đánh giá lĩnh vực pin mặt trời sẽ rất khác.

Theo Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act) đã được Tổng thống Joe Biden ký tháng 8 năm ngoái, Mỹ sẽ tài trợ 369 tỷ cho năng lượng xanh trong 10 năm tới, trong đó cung cấp khoản trợ cấp 100 tỷ USD cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời và thêm 100 tỷ USD khác cho ưu đãi thuế. Châu Âu cũng đang có xu thế nhiều tiền hơn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, phần lớn trong đó là cho điện mặt trời.

Tuy vậy, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời châu Âu hiện bị phụ thuộc do nhập khẩu hầu hết sản phẩm từ Trung Quốc. Theo bà Alicia Garcia-Herrero nói với Bloomberg, một thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel tại Brussels, châu Âu cần bắt tay Mỹ để tạo nên "một khu vực xanh tối ưu". Nếu không, chuyện gì sẽ xảy ra? Châu Âu vẫn tiếp tục nhập mọi thứ từ Trung Quốc từ pin lưu trữ đến tấm năng lượng mặt trời, còn Mỹ sẽ tự tạo hệ sinh thái của riêng mình.

Dù vậy, theo Allison, "Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc đều sống trên cùng một hành tinh. Việc phát thải sẽ không tác động ở từng quốc gia mà ảnh hưởng trên toàn cầu, đến mức không thể ai sống được trong tương lai. Để đảm bảo sự sống còn của chính công dân mình, lãnh đạo của những quốc gia này sẽ phải tìm cách hợp tác song song bên cạnh việc cạnh tranh".

Link gốc

Theo: VnExpress