Quản lý, vận hành lưới điện truyền tải - Bài 2: ... đến quá trình vận hành

Thứ bảy, 20/3/2021 | 18:41 GMT+7
Ông Nguyễn Phúc An, Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 1 (PTC1) nhận xét, Truyền tải điện Đông Bắc 3 có khối lượng quản lý vận hành đường dây lớn nhất trong các truyền tải điện của đơn vị và đứng thứ 3 trong khu vực về quản lý các trạm biến áp (TBA).
 

Ảnh minh họa.
 
Mặc dù vậy, đặc thù của đơn vị là một số TBA đã đưa vào vận hành lâu năm, thiết bị cũ, sơ đồ đã cải tạo, mở rộng nhiều lần như trạm 220kV Thái Nguyên, trạm 220kV Bắc Giang, trạm 220kV Sóc Sơn… Bên cạnh đó, việc vận hành hai lưới điện không đồng bộ Trung Quốc và Việt Nam cũng gây khó khăn cho đơn vị trong quản lý vận hành, đặc biệt là khi cắt điện thi công, xử lý các khiếm khuyết, thí nghiệm định kỳ. Nhân lực tại các TBA đã rút đi rất nhiều nhưng khối lượng quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật, sửa chữa khiếm khuyết thiết bị, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên vẫn không thay đổi, thậm chí tăng lên do yêu cầu ngày càng cao trong việc đảm bảo chất lượng điện năng. 
 
Tổ Thao tác lưu động Bảo Lâm quản lý TBA 220kV Bảo Lâm nằm trên địa bàn thôn Nà Mạt, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Đây là TBA gom tất cả công suất các thủy điện khu vực Bảo Lâm đẩy lên lưới điện Quốc gia với tổng công suất 140 MW, cung cấp điện cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên. 
Tổ trưởng Tổ Thao tác lưu động Bảo Lâm Nông Đức Luân cho biết, với địa bàn ở vùng sâu, vùng xa có đường xá đi lại hết sức khó khăn ngoài quản lý vận hành, đơn vị còn phải thực hiện rất nhiều công việc khác như: Vệ sinh thiết bị, xử lý các khiếm khuyết nhỏ trong vận hành, xử lý ngăn ngừa phát nhiệt, tháo lắp đầu cốt phục vụ thí nghiệm định kỳ, giám sát các đội công tác thi công trong trạm vào giai đoạn thi công công trình mở rộng trạm ... 
 
Theo anh Nông Đức Luân, là một trong những trạm đầu tiên thuộc PTC1 được đưa vào thao tác xa và vận hành ở chế độ bán người trực với biên chế 5 người; trong đó có 1 tổ trưởng và 4 trưởng kíp quản lý vận hành để thực hiện các công việc như vậy là hết sức khó khăn và phải rất nhiều cố gắng mới hoàn thành công việc được giao. Chưa kể khi có công tác thí nghiệm định kỳ nhị thứ, sửa chữa hệ thống máy tính điều khiển, SCADA, thi công mở rộng trạm… sẽ cần tái lập ca trực, không đảm bảo đi ca theo quy định.
 
“CBCNV Tổ thao tác lưu động Bảo Lâm đều xa nhà (người gần nhất cách trạm 160 km, xa nhất cách 350 km). Các tuyến xe đi về từ trạm rất ít và bất tiện về thời gian khiến việc về thăm gia đình của CBCNV gặp khó khăn”, anh Luân chia sẻ.
 
Đội trưởng Đội Truyền tải điện Bảo Lạc Hoàng Văn Thức cũng chia sẻ, cái khó của đơn vị là đội chỉ có 10 CBCNV (kể cả lái xe) lại quản lý địa hình tuyến khó khăn như vậy nên để đảm bảo nhân lực cho công tác xử lý sự cố cần tăng định mức lao động đối với các đội truyền tải điện vùng sâu, vùng xa như Bảo Lạc, Bảo Lâm. 
 
Theo quy trình vận hành TBA không người trực trong Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) ngày 28/8/2017, đối với Tổ Thao tác lưu động quản lý 1 TBA như Tổ Thao tác lưu động Bảo Lâm luôn phải bố trí một người sẵn sàng huy động khi cần thao tác hoặc xử lý sự cố, đảm bảo thời gian có mặt tại TBA không quá  1 giờ. Do vậy Tổ Thao tác lưu động Bảo Lâm đề nghị EVNNPT có chế độ tiền lương cho lao động trong thời gian trực dự phòng theo quy trình vận hành TBA không người trực bởi công thức lương mới áp dụng chung cho Tổng công ty không có chế độ này.
 
Một khó khăn nữa làm ảnh hưởng đến quá trình quản lý và vận hành lưới điện truyền tải trong địa bàn của đơn vị là hiện nay dọc hành lang đường dây 220kV Tuyên Quang - Thái Nguyên, Hà Giang - Thái Nguyên 1 (cung đoạn đi qua thành phố Thái Nguyên và huyện Đại Từ) rất nhiều hộ dân gây cản trở không cho đơn vị quản lý vận hành chặt cây cao vi phạm hành lang do tồn tại vấn đề khiếu nại kéo dài về đền bù đất khi xây dựng đường dây. 
 
Tại đây nhiều hộ dân cố tình trồng các loại cây phát triển nhanh như keo, bạch đàn, tre... trong hành lang đường dây và đòi đền bù giá cao. Một số vị trí cột nằm trong vườn của các hộ gia đình, các hộ này đã gây cản trở đường ra vào kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng đường dây và đã xây tường bao, cổng sắt thường xuyên khóa chặt, ví dụ như: Vị trí 143 xã Tiên Hội thuộc huyện Đại Từ; vị trí 186 xã Phúc Xuân, vị trí 188 xã Phúc Trìu thuộc thành phố Thái Nguyên....
 
Do việc cản trở chặt cây vi phạm hành lang đường dây nên trong những năm qua, Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã phải làm việc với chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công nhiều lần. Việc phải cưỡng chế hoặc bảo vệ thi công sẽ vẫn tiếp tục diễn ra do hiện nay còn nhiều hộ gia đình có cây trong hành lang không cho đơn vị quản lý vận hành chặt. Truyền tải điện Đông Bắc 3 đang tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ thực hiện các thủ tục để tiến hành cưỡng chế chặt cây đối với một số điểm như tại khoảng cột 109 - 110, 117-118, 180 - 181 đường dây 220kV Tuyên Quang - Thái Nguyên. 
 
Phong trào chơi thả diều của người dân đang gia tăng tại nhiều địa phương một phần do đợt dịch COVID-19 có một lượng lớn học sinh, sinh viên nghỉ học, công nhân các khu công nghiệp, các xưởng sản xuất không có việc làm nghỉ tại nhà, nhiều thời gian rảnh rỗi nên tập chung chơi thả diều. Đáng chú ý, tại nhiều địa phương trước đây chưa có người dân chơi thả diều thì đến nay đã xuất hiện.
 
Ông Vũ Tất Thành, Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3 cho biết, người dân chơi thả diều hầu hết không hợp tác gây khó khăn cho đơn vị quản lý vận hành, thả diều cả vào ban ngày và đêm. Đặc biệt vào ban đêm người dân buộc dây trên mái nhà tầng hoặc các vị trí trong khuôn viên gia đình có quây tường rào bảo vệ nên rất khó kiểm tra phát hiện. Khi phát hiện cũng khó hạ diều do vào ban đêm gia đình đã đi ngủ hoặc cố tình tắt đèn, đóng cổng khi lực lượng tuần tra đến.
 
Trên thực tế, công tác phối hợp tuần tra với lực lượng Công an huyện, Công an xã và chính quyền địa phương cũng gặp khó khăn do lực lượng này còn nhiều công tác khác nên không thể phối hợp tuần tra thường xuyên. Khi không có mặt lực lượng chức năng địa phương mà lực lượng quản lý vận hành đề nghị hạ diều người dân không thực hiện thậm chí còn dùng lời lẽ đe dọa lại.
 
Khó khăn lớn nhất theo chia sẻ của lãnh đạo các Truyền tải điện là chế tài xử phạt về diều chưa thực sự rõ ràng và mức độ xử phạt nhẹ không đủ sức răn đe. Theo điều 15 mục C của Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì phạt tiền từ 1 đến 5 triệu đồng nếu thả diều gây sự cố lưới điện. Theo điều 4 Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện nghiêm cấm “Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện”, người dân vin vào sự chưa rõ ràng này để yêu cầu đơn vị quản lý vận hành và lực lượng chức năng chứng minh vi phạm như “cấm thả diều gần đường dây là cách bao nhiêu mét”, “nếu diều bay vào đường dây gây sự cố thì tôi sẽ chịu trách nhiệm”…. 
 
“Do chế tài xử phạt chưa rõ ràng nên hiện nay lực lượng chức năng không thể thực hiện thu diều mà chỉ vận động và yêu cầu hạ diều. Một số người dân sau khi hạ diều xong chờ cho lực lượng công an và đơn vị quản lý vận hành di chuyển đi nơi khác lại tiếp tục thả diều trở lại”, ông Thành nói. 
 
Quản lý địa bàn có phong trào chơi thả diều phát triển mạnh, đội Truyền tải điện Sóc Sơn đang phải tập trung hầu hết lực lượng cho việc kiểm soát diều 24/24h trong toàn bộ các ngày trong tuần từ tháng 2/2020 đến nay nên đã ảnh hưởng ít nhiều đến nhiệm vụ chính trị của đội. Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã phải điều động các đội truyền tải điện khác hàng tháng đến hỗ trợ công tác kiểm tra định kỳ.
 
Với sản lượng truyền tải điện liên tục tăng hàng năm, đến năm 2020 sản lượng truyền tải trên lưới 220kV của Truyền tải điện Đông Bắc 3 là 17,3 tỷ kWh, tăng 31% so với năm 2015 (tăng bình quân 6%/năm), trên lưới 500kV là 14,6 tỷ kWh, tăng 1.042% so với năm 2015 (tăng bình quân 208%/năm). Trước sức ép tăng trưởng của phụ tải lớn, nhiều đường dây, máy biến áp thường xuyên vận hành đầy tải, cộng với việc đưa vào vận hành hàng loạt các nhà máy thủy điện khu vực các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang trong khi phụ tải tại các khu vực này rất thấp dẫn đến phải truyền tải công suất xa trên lưới 220kV. Do đó tổn thất điện năng cũng tăng dần theo xu hướng tăng trưởng của nhà máy thủy điện khu vực. Cụ thể đến năm 2020 tổn thất trên lưới 220kV tăng lên 1,51% (tăng 0,41% so với năm 2015), trên lưới 500kV là 0,44% (tăng 0,23% so với năm 2015).

Bài 3: Mục tiêu hàng đầu vẫn là an toàn 
Mai Phương