Tin trong nước

Quảng Nam đánh giá thủy điện giúp cắt giảm lũ cho hạ du

Thứ sáu, 17/11/2017 | 09:21 GMT+7
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam khẳng định, vừa qua thủy điện đã cắt giảm lũ cho hạ du, nếu không sẽ vượt lũ năm 1999.
 
Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ. Ảnh: Đắc Thành.
 
Sáng 16/11, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm phòng chống lũ lụt, khắc phục thiên tai do ảnh hưởng của bão số 12 Damrey.
 
Ông Trương Xuân Tý, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, trong đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, bốn thủy điện trên địa bàn là Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, A Vương và Sông Bung 4 đã góp phần rất lớn trong việc cắt giảm lũ.
 
"Các thủy điện này đã sử dụng tối đa dung tích phòng lũ tại các hồ chứa để vận hành giảm lũ cho hạ du", ông Tý nói.
 
Theo ông Tý, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phối hợp với Đài khí tượng thủy văn tỉnh tính toán, dự báo để ban hành lệnh vận hành đưa mực nước các hồ chứa về mực nước đón lũ.
 
“Cách làm này tạo được dung tích phòng, chống lũ tối đa tại hồ chứa. Ngoài ra, các hồ chứa được vận hành với lưu lượng tăng dần đều, kéo dài thời gian điều tiết nên áp lực nước về hạ du không đột ngột, mực nước tăng dần đều", ông Tý nói.
 
Vị này thông tin thêm, từ ngày 3 đến 8/11, tổng lượng nước đổ về bốn hồ chứa trên 2 tỷ mét khối, các nhà máy chỉ xả xuống hạ du hơn 1,5 tỷ mét khối, còn nửa tỷ mét khối nước giữ lại trong hồ.
 
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch Quảng Nam đánh giá, thủy điện nắm bắt thông tin nước về hồ và truyền tin về tỉnh khá đầy đủ. Hai bên đã thực tốt quy trình vận hành liên hồ chưa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo quyết định của Chính phủ.
 
“Thủy điện Sông Tranh 2 có thời điểm nước về hồ 6.000 mét khối, nhưng chỉ vận hành 4.000 mét khối”, ông Thanh dẫn chứng và cho rằng các thủy điện bậc thang khi điều tiết có hồ tăng, có hồ giảm nên đã cắt giảm lũ.
 
Đồng quan điểm, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu nhìn nhận, thời gian qua mưa lớn trên diện rộng, hạ du ngập sâu, miền núi sạt lở nghiêm trọng.
 
"Trong đợt lũ vừa qua, thủy điện giảm lũ cho hạ du theo quy trình rất tốt. Nếu không vận hành tốt thì mực nước sẽ trên lũ năm 1999", ông Thu nói và thông tin thủy điện đã đưa nước về kịp thời khi hạ du ở báo động 1; hạ du lên báo động 3 thì thủy điện giảm lượng xả.
 
Từ ngày 3 đến 8/11, Quảng Nam đã xảy ra mưa to diện rộng, với lượng mưa trung bình 574 mm. Tại một số nơi lượng như Trà My 1.400 mm; Tiên Phước 785 mm; Phước Sơn 816 mm.
 
Đợt mưa lũ khiến địa phương này có 36 người chết, một người mất tích và 34 người bị thương, hầu hết do bị sạt lở núi gây ra. Cơ sở hạ tầng, cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.
 
Trước đó, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đánh giá đợt mưa vừa qua đổ xuống miền Trung lượng nước quá lớn, bình quân mưa 500-700 mm, có nơi trên 1.000 mm. Mưa khiến lũ các sông đều vượt báo động 3, chỉ thấp hơn lũ lịch sử 1999 khoảng 4-10 cm.
 
“So với năm 1999, lượng mưa đợt này không kém hơn, nhưng lũ thấp hơn nhờ các hồ chứa được điều hành tốt, cắt được đỉnh lũ", ông Cường nói.
Theo: VnExpress