\
Nhà máy Điện mặt trời LIG- Quảng Trị đã hòa lưới điện quốc gia
Qua việc thu hút đầu tư này sẽ tạo nguồn thu ổn định và đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính, thời gian qua tỉnh đã và đang ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào làm điện gió, điện mặt trời, điện khí và nhiệt điện. Cụ thể, điện gió ở vùng miền núi phía Tây có tổng công suất khoảng 3.200 MW.
Điện mặt trời ở vùng ven biển có tổng công suất khoảng 1.500 MW. Điện khí hiện có các doanh nghiệp đang xúc túc đầu tư, xây dựng nhà máy ở Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, với tổng công suất khoảng 2.000 MW. Về nhiệt điện, đã có một nhà máy khởi công xây dựng vào cuối năm 2019, với công suất 1.320 MW.
Đến tháng 2/2020, tỉnh Quảng Trị đã có 7 dự án điện gió đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động, với tổng công suất 218 MW; 28 dự án điện gió khác với tổng công suất trên 1.441 MW đã được cấp chủ trương đầu tư.
Tỉnh cũng có 6 dự án điện mặt trời, với tổng công suất trên 354 MW, đã đi vào vận hành và đang triển khai xây dựng. Ngoài ra, vào cuối tháng 11/2019, Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị có công suất 1.320 MW, do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan đầu tư, đã được khởi công xây dựng tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, với tổng vốn trên 55.000 tỷ đồng.
Đây là dự án có tổng mức vốn đầu tư lớn nhất thực hiện ở Quảng Trị từ trước đến nay. Trong khi đó, Công ty Gazprom của Nga đang triển khai đầu tư nhà máy điện khí với công suất 340 MW. Tập đoàn T&T Group đang nghiên cứu thực hiện dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, tổng công suất dự kiến giai đoạn 1 là 1.200 - 1.500 MW, giai đoạn 2 từ 2.400 - 3.000 MW.
Khó khăn nhất hiện nay là vấn đề truyền tải giải tỏa công suất điện gió ở vùng miền phía Tây của Quảng Trị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính cho biết, hiện nay đường dây 110 kV Đông Hà – Lao Bảo truyền tải được 500 MW điện gió. Giai đoạn từ năm 2019 – 2021, đường dây 220 kV Lao Bảo – Đông Hà được xây dựng, giúp truyền tải thêm khoảng 1.000 MW điện gió.
Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh cần phải xây dựng thêm Trạm biến áp 500 kV để truyền tải thêm khoảng gần 2.000 MW điện gió. Các nhà máy điện mặt trời, nhiệt điện, điện khí được xây dựng ở vùng ven biển, đồng bằng nên việc truyền tải giải tỏa công suất đều thuận lợi.
link gốc:
theo Bnews.vn