Cung ứng điện kịp thời cho trung tâm huyện lỵ mới Tây Giang
Nhu cầu phụ tải tăng
Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam, để đáp ứng nhu cầu điện năng và mở rộng phụ tải cho các vùng nông thôn cũng như các khu kinh tế trọng điểm, ngành điện đã chủ động xây dựng dự án đầu tư theo dự báo từ những năm trước. Theo đó, giai đoạn (2006-2012), ngành điện đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng tập trung phát triển lưới điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng ở địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 trạm biến áp (TBA) 110kV đã được đầu tư và đi vào vận hành, bảo đảm dự nguồn phụ tải trong những năm đến. Đặc biệt, những năm gần đây, ngành điện đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới 15kV chuyển sang lưới 22kV, 35kV để từng bước nâng cao chất lượng điện. Hiện lưới điện 35kV giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp điện trên địa bàn tỉnh, vừa là lưới truyền tải cấp điện cho các trạm trung gian, vừa là lưới phân phối trực tiếp cho các TBA tiêu thụ, các trạm chuyên dùng... Đến nay, toàn tỉnh có 17 TBA 35kV; lưới điện trung, hạ áp có 5.200km và 2.446 TBA phụ tải. Riêng hai TP.Tam Kỳ và Hội An được đầu tư hơn 300 tỷ đồng nâng cấp toàn bộ hệ thống điện theo tiêu chuẩn hiện đại. Do được chú trọng đầu tư, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, dòng điện đã liên tục vươn xa đến các vùng núi cao, vùng sâu vùng xa của tỉnh. Nhờ đó, có thêm 15 xã miền núi có điện, nâng tổng số xã có điện toàn tỉnh hiện nay đạt 95,8% với 97,6% số hộ được sử dụng điện.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020 vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, trong những năm đến, ngành điện sẽ ưu tiên đầu tư lưới điện 110kV - 220kV và được thiết kế mạch kép, bảo đảm dự phòng cho những năm tiếp theo và hệ thống truyền tải trung thế về cấp điện lâu dài phải đầu tư cấp điện lưới 35kV, 22kV, phù hợp với mật độ phủ điện của tỉnh và định hướng chuẩn hóa lưới phân phối điện. Theo đó, từ nay đến năm 2015 sẽ đầu tư xây dựng mới 3 TBA 220kV và nâng cấp 9 TBA với tổng dung lượng 275MVA… Ngoài ra, còn đầu tư xây dựng mới 328 TBA phân phối và 441km đường dây hạ áp. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn từ nay đến năm 2015 ước tính là 2.687 tỷ đồng.
Tổng sản lượng điện thương phẩm trong 5 năm (2007-2012) trên địa bàn tỉnh đạt 2.532 triệu kWh (tăng gấp 2 lần giai đoạn 2001-2006), tăng bình quân hằng năm đạt 16,5%. Trong đó, cơ cấu sử dụng điện chuyển biến theo hướng tích cực. Điện cung ứng cho công nghiệp tăng nhanh, từ 26,8% năm 2006 lên 42% vào năm 2012 với sản lượng điện ngành công nghiệp tiêu thụ 259 triệu kWh, tỷ trọng điện ánh sáng sinh hoạt, giảm xuống còn 51%. Có thể thấy, ngành điện thực sự đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp của tỉnh đạt 18% trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhu cầu phát triển phụ tải nhanh dẫn đến một số tuyến đường dây 35kV đang nằm trong tình trạng quá tải, gây tổn thất điện rất lớn và khả năng xảy ra sự cố tăng. Đặc biệt, hầu hết TBA 110kV đang nằm trong tình trạng quá tải nếu như không có sự đầu tư sẽ không đáp ứng được nhu cầu tăng phụ tải trong những năm tới.
Đi trước một bước
Theo ông Hoàng Hữu Thận - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển điện Việt Nam, đối với Quảng Nam, để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trở thành tỉnh công nghiệp ở giai đoạn 2015-2020 thì vấn đề quy hoạch phát triển điện lực phải đi trước một bước. Theo dự báo, từ nay đến năm 2015, sản lượng điện tiêu thụ mỗi năm trên địa bàn tỉnh sẽ đạt khoảng 12,4%. Tổng sản lượng điện thương phẩm đến năm 2015 sẽ đạt 1.402 triệu kWh, tăng gấp 2 lần so với năm 2011 và đến năm 2020, tổng sản lượng điện lên đến 2.400 triệu kWh. Ông Thận phân tích thêm, trên cơ sở quy hoạch phân loại 3 vùng phụ tải cho thấy, trong những năm đến, Quảng Nam cần phải đầu tư nguồn và lưới điện với qui mô lớn. Trong đó, ưu tiên đầu tư cung ứng điện cho các địa phương Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Đại Lộc, Núi Thành, Duy Xuyên, Quế Sơn... dự báo có tốc độ phát triển công nghiệp rất nhanh, với sự có mặt các khu công nghiệp cùng nhiều khu đô thị và khách sạn nên đòi hỏi phải sớm quy hoạch đầu tư các hệ thống trạm và lưới dự nguồn, đặc biệt mở rộng các TBA 110kV, 35kV.
Theo ông Vinh, ngoài vấn đề huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện theo đề án quy hoạch phê duyệt, khó khăn hiện nay trong quá trình triển khai thi công xây dựng các công trình điện là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Những năm trước, nhiều công trình điện triển khai thi công luôn gặp ách tắc, trở ngại do vướng công tác này. Do vậy, để tạo thuận lợi cho ngành điện trong việc triển khai hàng loạt công trình trong thời gian tới, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh và chính quyền các huyện, thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời tích cực phối hợp với ngành điện tháo gỡ những khó khăn trong công tác bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng để các dự án của ngành triển khai nhanh chóng và hiệu quả.