REE rót nghìn tỷ vào điện mặt trời áp mái

Thứ sáu, 20/11/2020 | 10:12 GMT+7
REE dự kiến cán mốc 100 MW công suất điện mặt trời áp mái trong năm 2020 và tiếp tục duy trì đà phát triển này trong những năm tới với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp tham gia xu hướng phát triển năng lượng tái tạo. 
 
Sau thủy điện, nhiệt điện, REE tiếp tục đầu tư mạnh tay vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với mục tiêu trở thành nhà phát triển các dự án điện mặt trời áp mái thuộc nhóm đầu ở Việt Nam.
 
Chia sẻ với báo chí ngày 19/11, Tổng giám đốc REE Huỳnh Thanh Hải cho biết công suất phát triển điện mặt trời áp mái của doanh nghiệp trong năm nay khoảng 100 MW. Trong đó, công suất được cấp chứng nhận vận hành thương mại khoảng 80 MW. Tổng vốn đầu tư tương ứng hơn 1.000 tỷ đồng. Sản lượng điện tạo ra sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bên cho thuê mái nhà.
 
Để hiện thực hóa mục tiêu này, REE vừa vay vốn dài hạn 660 tỷ đồng từ ngân hàng HSBC Việt Nam. Trước đó, HSBC cũng tài trợ thương mại 150 tỷ cho một công ty con của REE nhằm hỗ trợ việc nhập khẩu thiết bị lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà và các nhu cầu vốn lưu động khác. Đây cũng là khoản tín dụng xanh đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà HSBC thu xếp tại Việt Nam.
 
REE dự kiến tiếp tục đầu tư mới 100 MW công suất điện mặt trời áp mái mỗi năm trong điều kiện các chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo thuận lợi. Ông Hải nhấn mạnh tiềm năng của điện mặt trời áp mái tại Việt Nam còn rất lớn từ các khu công nghiệp, nhà xưởng, cơ sở thương mại.
 
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 6, có khoảng 37.300 hệ thống điện mặt trời trên mái nhà được lắp đặt trên cả nước. Tổng công suất ước tính đạt khoảng 782 MW.
 
Hiện tại, các doanh nghiệp, nhà xưởng có sẵn mái nhà đang phát triển điện mặt trời áp mái theo 3 xu hướng chính.
 
Những doanh nghiệp không có sẵn vốn và không có nhu cầu đầu tư sẽ cho thuê mái để đơn vị chuyên phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặp hệ thống và mua lại điện từ chính đơn vị này để sử dụng. Với giá thấp hơn giá bán điện của EVN, doanh nghiệp vừa có thêm nguồn thu từ cho thuê mái nhà và mua điện giá rẻ hơn. Phần công suất dôi dư sẽ được đơn vị sở hữu hệ thống điện mặt trời bán cho EVN.
 
Thứ hai, những doanh nghiệp có sẵn mái nhà, vốn nhưng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ hợp tác với đơn vị chuyên kinh doanh điện mặt trời áp mái theo hình thức góp vốn thành lập công ty liên doanh. Lợi nhuận từ bán điện sẽ được chia sẻ theo tỷ lệ góp vốn.
 
Cuối cùng, những doanh nghiệp trường vốn, sẵn sàng đầu tư sẽ thuê đơn vị có kinh nghiệm thi công, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Sau đó, doanh nghiệp tự quản lý, sử dụng nguồn điện và trực tiếp bán điện lại cho EVN nếu không dùng hết công suất phát điện.
 
Song song đó, CEO REE chia sẻ một thị trường giàu tiềm năng khác với điện mặt trời áp mái là các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi. Khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà, những cơ sở này sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng khi giá mua điện thấp hơn giá của EVN.
 
Ông Hải cho biết tỷ suất hoàn vốn hiện tại cho việc đầu tư các hệ thống điện mặt trời áp mái tại các cơ sở kinh doanh thương mại trung bình 4-5 năm. Trong khi đó, thời gian hoàn vốn khi đầu tư tại nhà xưởng rơi vào khoảng 7-8 năm.
 
Với những hộ gia đình sử dụng nhiều điện năng và phải trả tiền điện đến giá bậc 4, bậc 5, việc sử dụng điện mặt trời áp mái cũng giúp tiết giảm nhiều chi phí điện năng. Đây cũng là một trong những phân khúc khách hàng quan trọng của các doanh nghiệp kinh doanh điện mặt trời.
 
Ông Hải cho biết nhờ chính sách ưu tiên năng lượng tái tạo của Chính phủ, các dự án điện mặt trời áp mái đều được giải tỏa toàn bộ công suất khi phát điện lên lưới. Các cơ quan quản lý sẽ có sự tính toán hợp lý để tránh lặp lại tình trạng quá tải đối với lưới truyền tải cho các dự án điện mặt trời mặt đất như trước đây.

Theo: Zing news