Hệ thống điện mặt trời được lắp đặt ở UBND quận 4. Ảnh: Trung Sơn.
Đầu năm 2017, trụ sở mới HĐND và UBND quận Phú Nhuận được xây dựng tại số 159 Nguyễn Văn Trỗi, thay cho tòa nhà cũ xuống cấp. Trong tổng vốn gần 137 tỷ đồng đầu tư trụ sở, quận dành một khoản kinh phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên phần mái tòa nhà. Đến nay hệ thống này đạt công suất 90 kWp, bình quân mỗi ngày tạo ra 350-370 kWh, mỗi tháng xấp xỉ 11.000 kWh điện.
"Sản lượng điện này đáp ứng khoảng 35-40% lượng điện cho toàn trụ sở UBND quận", ông Lê Minh, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND quận Phú Nhuận nói và cho biết với đồng hồ điện hai chiều, nếu lượng điện mặt trời không đủ sẽ được bù bằng hệ thống điện lưới. Vào những ngày nghỉ không dùng hết, nguồn điện mặt trời ở UBND quận được công ty điện lực mua lại.
Theo ông Minh, giá thành đầu tư điện mặt trời ngày càng rẻ, công suất lại tăng nên việc đầu tư đem lại hiệu quả. Trước đây, để lắp điện mặt trời phải đầu tư các tấm pin và hệ thống ắc quy trữ điện khiến chi phí khá cao. Hiện, điện mặt trời được nối lưới hai chiều, không cần qua hệ thống ắc quy (3-5 năm sử dụng phải thay mới, gây ô nhiễm) để trữ điện. Công nghệ mới cho phép người dùng kiểm soát trên app (ứng dụng) lượng điện sản xuất trong ngày, hệ thống pin hư hỏng để sửa chữa, thay thế.
Tại quận 4, bà Nguyễn Thị Hồng Oanh, Chánh văn phòng UBND quận cho biết, hệ thống điện mặt trời tại trung tâm hành chính quận này hoàn thành giữa năm 2018 với chi phí gần một tỷ đồng. Hệ thống có 138 tấm pin, rộng chừng 350 m2, lắp ở mái tầng 2 và mái nhà để xe, cho công suất hơn 34 kWp, đáp ứng 10% điện năng tiêu thụ trong ngày của trung tâm hành chính quận.
"Trước đây trung bình mỗi tháng, trung tâm dùng hết khoảng 90 triệu đồng tiền điện, sau khi có hệ thống điện mặt trời chi phí này còn 83 triệu đồng, tiết kiệm khoảng 7 triệu đồng", bà Oanh nói và cho biết ước tính mỗi năm hệ thống điện mặt trời cung cấp khoảng 40.000 kwh, tương đương 78 triệu đồng.
Cách đây 4 năm, UBND quận 12 lắp 80 tấm pin năng lượng mặt trời trên mái trụ sở với công suất 20 kWp. Đầu năm 2019, đơn vị này lắp thêm 188 tấm pin năng lượng với công suất 60 kWp. Cả 2 hệ thống này mỗi năm sản xuất hơn 100.000 kWh điện. Với giá điện hơn 1.900 đồng một kWh, UBND quận 12 tiết kiệm hơn 192 triệu đồng tiền điện mỗi năm.
Tương tự, hai hệ thống điện mặt trời công suất 10 kWp (được Sở Khoa học - Công nghệ thành phố hỗ trợ) và 25,6 kWp (đầu tư khoảng 700 triệu đồng) giúp UBND quận 10 mỗi tháng tiết kiệm 4 triệu đồng, chiếm chừng 7,5% tổng chi phí tiền điện đơn vị này.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM cho biết, lắp điện mặt trời trên mái trụ sở công tương tự nhà dân. Thay vì ngân sách chi trả tiền điện, các cơ quan sẽ tiết kiệm một phần tiền điện, lúc trụ sở không sử dụng hết sẽ phát ngược lên lưới bán cho ngành điện. Ngân sách bỏ ra một lần nhưng thu về trong 20 năm, thời gian hoàn vốn khoảng 5-7 năm.
"Các trụ sở đang xây dựng nên kết hợp lắp luôn điện mặt trời trên mái nhà, những trụ sở còn lại cần đăng ký kế hoạch sử dụng vốn để lắp vào các năm sau", ông Kiên nói.
TP HCM được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời. Hiện, thành phố có hơn 11.000 hệ thống điện mặt trời với tổng công suất hơn 177 MWp. Tính toán của Tổng công ty Điện lực thành phố, để lắp đặt điện mặt trời ở toàn bộ trụ sở bệnh viện, trường học, UBND quận, huyện ở TP HCM cần khoảng 3.000 tỷ đồng. "Với mức đầu tư này, sau khi hết thời gian hoàn vốn, mỗi năm thành phố tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng", ông Kiên nói.
Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực thành phố cho biết, tại cuộc họp mới đây liên quan chủ trương lắp điện mặt trời ở trụ sở công, các sở ngành tham mưu UBND thành phố hướng dùng vốn ngân sách. Việc đầu tư sẽ chia ra nhiều đợt chứ không làm một lần để thành phố dễ cân đối nguồn vốn. "Kinh phí đầu tư hệ thống điện mặt trời có mức giá khác nhau theo từng thời điểm, hiện trung bình khoảng 15 triệu đồng một kWp", ông Kiên nói.
Trả lời VnExpress, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM Nguyễn Phương Đông cho hay, thời gian qua một số trụ sở hành chính công lắp hệ thống điện mặt trời giúp tiết kiệm chi phí điện hàng tháng. Tuy nhiên, việc này do các quận tự làm chứ thành phố chưa tổ chức thí điểm nên vừa qua Sở tham mưu cho thành phố để có hướng nhân rộng.
"UBND thành phố mới có chủ trương chung, Sở Công thương và các đơn vị liên quan còn phải báo cáo phương án cụ thể mới có thể triển khai", ông Đông nói.