Hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy nhận định, với công suất bổ sung ngày càng tăng nhanh, năng lượng tái tạo gồm mặt trời sẽ dần thay thế nhiệt điện than trong những năm tới. Ảnh: The Hustle
Báo cáo của Rystad Energy, công bố hôm 4-12, ước tính các nhà máy nhiệt điện than trên thế giới sản xuất khoảng 10.373 TWh điện trong năm nay, sau đó giảm xuống còn 10.332 TWh trong năm tới. Dù mức suy giảm sản lượng điện than không lớn nhưng sự thay đổi này đánh dấu một kỷ nguyên mới. Các mô hình dự báo của Rystad Energy chỉ ra rằng hoạt động đốt than để sản xuất điện sẽ bước vào đà suy giảm trong dài hạn kể từ năm 2024 khi sản lượng điện gió và mặt trời ngày càng tăng.
Theo Rystad Energy, nguồn cung điện từ các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến vượt mức tăng trưởng sản lượng tổng thể của ngành điện, khiến nhiệt điện than bắt đầu bị thay thế vào năm sau và sự thay thế này tăng tốc trong những năm tiếp theo.
Khi tỷ trọng của điện than giảm, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) liên quan cũng giảm theo. Với vai trò chủ đạo của than trong việc cung cấp năng lượng cho thế giới, ngành điện là nguyên nhân lớn nhất gây ra ô nhiễm, chiếm khoảng 40% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu hàng năm.
Đầu tư vào công suất điện than và tổng mức sử dụng điện than đã giảm ở châu Âu và Bắc Mỹ trong những năm gần đây nhờ sự kết hợp của các chính sách hạn chế phát thải nghiêm ngặt và nguồn cung khí đốt tự nhiên dồi dào với giá cả phải chăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng điện than vẫn mạnh mẽ ở châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, khiến mức tiêu thụ than toàn cầu tăng cao. Dù vậy, than sẽ dần bị thay thế bởi sự phát triển nhanh chóng của các nguồn năng lượng carbon thấp, mở ra một hệ thống điện sạch hơn, tinh gọn hơn ngay cả khi hoạt động đầu tư vào công suất điện than ở châu Á tiếp tục trong vài năm tới.
“Việc sử dụng than trong ngành điện đang đạt đỉnh. Sự sụt giảm tổng sản lượng điện than vào năm 2024 trên giấy tờ có thể chỉ ở mức nhỏ, nhưng báo hiệu sự khởi đầu của kỷ nguyên năng lượng tái tạo trên thị trường điện”, Carlos Torres Diaz, Phó chủ tịch cấp cao về năng lượng tái tạo của Rystad Energy, bình luận.
Tuy nhiên, Diaz lưu ý còn những thách thức cần vượt qua trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm cả các vấn đề sản lượng không liên tục do phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết. Vì lý do đó, ông cho rằng nhà máy điện than và điện khí sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp phụ tải nền và tính linh hoạt cho lưới điện toàn cầu.
Sản lượng điện than toàn cầu tăng từ 4.400 TWh năm 1990 lên 10.200 TWh vào năm 2022. Trung Quốc là động lực chủ yếu thúc đẩy sự tăng trưởng đó, nhưng Ấn Độ và các nước châu Á khác cũng đóng góp đáng kể. Châu Á hiện chiếm hơn 3/4 sản lượng điện than của thế giới. Công suất sản xuất điện than tiếp tục tăng trong khu vực, nhưng tốc độ triển khai các dự án mới đang chậm lại do những lo ngại về môi trường. Các nước trên thế giới phụ thuộc nhiều vào điện than như Trung Quốc, Đức và Mỹ đang phát triển năng lượng tái tạo đủ nhanh và có điều kiện kinh tế thuận lợi để dễ dàng thay thế điện than.
Châu Âu và Bắc Mỹ đang thay thế điện than một cách có hệ thống bằng các nguồn năng lượng sạch hơn như khí tự nhiên và năng lượng tái tạo, dẫn đến công suất điện than giảm tổng cộng hơn 200 GW kể từ năm 1990. Sự suy giảm điện than ở châu Âu chủ yếu là do các chính sách hạn chế phát thải nghiêm ngặt, trong khi Bắc Mỹ chủ yếu thay thế điện than bằng khí đốt.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng điện than ở châu Á đã làm lu mờ những nỗ lực giảm nguồn năng lượng ô nhiễm này ở châu Âu và Bắc Mỹ. Và khi giá khí đốt tăng vọt vào nửa cuối năm 2022, nhiều nước tăng cường sản xuất điện than để đáp ứng nhu cầu năng lượng, dẫn đến lượng khí thải trong ngành điện tăng lên. Để so sánh, một nhà máy điện than trung bình thải ra khoảng 1 tấn CO2 cho mỗi MWh điện, trong khi các nhà máy điện khí thải ra gần 0,5 tấn cho mỗi MWh điện. Điều này có nghĩa là lượng khí thải trên mỗi MWh điện sẽ giảm một nửa nếu các nước sử dụng điện khí trở lại khi giá cả ổn định hơn.
Ngay cả khi số lượng nhà máy điện than tiệc tục tăng lên ở châu Á, công suất bổ sung hàng năm của chúng vẫn thấp hơn nhiều so với công suất năng lượng tái tạo mới. Năng lượng tái tạo đã tăng trưởng theo cấp số nhân kể từ năm 2010 nhờ chi phí sản xuất giảm và các mục tiêu giảm khí thải đầy tham vọng. Chi phí năng lượng quy dẫn (LCOE) trung bình toàn cầu của điện mặt trời và điện gió trên bờ là khoảng 50 đô la Mỹ/MWh. Con số này thấp hơn so với với 84 đô la/MWh đối với than và 144 đô la/MWh đối với điện khí ở châu Á, tính dựa theo giá than 122 đô la/tấn và giá khí đốt là 17 đô la/MMBtu (1 triệu đơn vị nhiệt Anh). Do đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo là lựa chọn kinh tế hơn ở hầu hết các nước, dẫn đến việc lắp đặt công suất điện gió và mặt trời lập kỷ lục mới hàng năm.
Theo Rystad Energy, gần 300 GW công suất điện mặt trời và 140 GW công suất điện sẽ được lắp đặt trên toàn cầu vào năm 2024. Hơn trong số đó sẽ được bổ sung ở châu Á, nơi có nhu cầu cấp thiết hơn để bắt đầu thay thế điện than. Điều này sẽ dẫn đến chi phí đầu tư vốn năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên toàn cầu tăng hơn 600 tỉ đô la năm tới.
Câu hỏi đặt ra là liệu nguồn cung năng lượng sạch có thể tăng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu hay không. Rystad Energy dự báo, nhu cầu điện toàn cầu đạt khoảng 25.400 TWh vào năm tới, cao hơn 3% so với năm 2023. Một lần nữa, phần lớn mức tăng trưởng này sẽ đến từ châu Á, nơi hoạt động kinh tế tiếp tục mở rộng.
Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện dự kiến duy trì ổn định trong thập niên này và sau đó sẽ tăng tốc do quá trình điện hóa nhanh chóng các ngành vận tải và công nghiệp trong thập niên 2030. Sản xuất điện các nguồn không có carbon, bao gồm mặt trời, gió và các nguồn khác (như hạt nhân, thủy điện và năng lượng sinh học) dự kiến tăng thêm 845 TWh vào năm 2024. Như vậy công suất điện mới từ các nguồn năng lượng sạch cao đáng kể lớn hơn mức tăng nhu cầu, dẫn đến công suất điện từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch dần bị thay thế, Rystad Energy nhận định.
Link gốc