Làm tốt công tác chuẩn bị
Báo cáo của hai nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 và A Vương tại Quảng Nam cho thấy, đến thời điểm này mọi công tác bảo đảm an toàn hồ đập, phòng chống bão lụt (PCBL) cho mùa mưa lũ năm 2014 đã sẵn sàng. Hai đơn vị này đã hoàn thiện xây dựng kế hoạch, triển khai công việc tới từng đơn vị trực thuộc về các phương án bảo vệ đập, phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập; quy chế phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong vận hành xả lũ và PCBL; phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng, bảo đảm thông tin liên lạc trong mùa mưa bão; ký kết cơ chế phối hợp vận hành điều tiết xả lũ các hồ chứa trên cùng lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.
Cụ thể, đã kiện toàn và giao nhiệm vụ chi tiết cho Ban chỉ huy PCBL; thành lập đội xung kích PCBL; lập danh bạ điện thoại, số fax, địa chỉ mail của cơ quan, đơn vị và những người có liên quan đến công tác PCBL, báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu điều tiết hồ chứa, thông số quan trắc trong vận hành hồ chứa theo quy định. Bên cạnh đó, các nhà máy cũng đã chuẩn bị mọi vật tư, nhiên liệu, thiết bị dự phòng thiết yếu cho sản xuất trong mùa mưa bão và các vật tư, dụng cụ, phương tiện, thuốc, lương thực…phục vụ công tác PCBL. Tăng cường kiểm tra thường xuyên hiện trường để phát hiện kịp thời sửa chữa các điểm xung yếu; kiểm tra, bổ sung các phương tiện, thiết bị cảnh báo bão lũ đặt tại vùng hạ du nhằm thông báo kịp thời cho nhân dân trong vùng chịu ảnh hưởng.
Hai nhà máy cũng đã ký hợp đồng với các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Nam để xây dựng bản đồ ngập lụt nhằm xác định chính xác vị trí địa lý, diện tích vùng bị ngập lụt; ban hành phương án diễn tập PCBL bảo đảm an toàn đập thủy điện và tổ chức thực hiện diễn tập xong trong tháng 8.
Sẵn sàng ứng phó mọi tình huống
Ông Phan Đức Tính - Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc:
Từ khi có thủy điện, công tác pcbl được thực hiện tốt hơn vì các nhà máy, ngoài việc tham gia điều tiết lũ cho hạ du, còn có những hỗ trợ thiết thực PCBL của các huyện, xã. |
Đại diện lãnh đạo huyện Bắc Trà My và huyện Đại Lộc - nơi có hai nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 và A Vương có cùng quan điểm, ở khu vực miền Trung các sông đều ngắn, độ dốc cao nên khi mưa về, nước lũ lên rất nhanh. Tuy nhiên trước đây, lũ lụt thường về chậm và rút nhanh hơn vì rừng đầu nguồn không bị phá, hệ thống đường sá chưa nhiều, mấy năm gần đây lũ về nhanh hơn, nhưng lại thoát chậm hơn.
Ông Phan Đức Tính - Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - khẳng định: Ngoài việc triển khai sản xuất, bảo đảm an toàn hồ đập, PCBL, các nhà máy thủy điện đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác PCBL của các huyện, xã thuộc lưu vực sông như: lắp đặt cột mốc đo nước lũ các năm tại nhiều địa điểm; hệ thống cảnh báo từ xa bằng còi có hệ thống điện dự phòng lên tới 72 giờ; phát loa cầm tay, radio cho các trưởng thôn... Hàng năm, nhà máy đều tổ chức tốt tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân các xã ở vùng hạ lưu.
Ông Lê Đình Bản – Phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương - cho biết, năm 2014, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan khác trong huyện tổ chức nhiều chương trình truyền thông cộng đồng cho đồng bào vùng hạ du. Đặc biệt, hướng dẫn cho nhân dân, học sinh các phương án đối phó khi lũ lụt xảy ra.