Sẵn sàng vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Thứ hai, 15/10/2018 | 15:25 GMT+7
Phát triển thị trường cạnh tranh nhằm bảo đảm giá điện được thiết lập theo quy luật cung-cầu khách quan và minh bạch. Cùng với công tác củng cố và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đang hoàn thiện khung khổ pháp lý, sẵn sàng đưa vào vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2019.


Trung tâm điều hành của Thủy điện Bản Vẽ, tỉnh Nghệ An.

Tăng mạnh số nhà máy điện chào giá trên thị trường
 
Theo lộ trình được Thủ tướng phê duyệt, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1); thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2) và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3). Đến nay, cùng với công tác củng cố và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai các công tác chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
 
Cụ thể, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1-7-2012 theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, đã có 87 nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường với tổng công suất đạt gần 23.000MW, tăng gần 3 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường vào tháng 7-2012 (chỉ có 31 nhà máy điện).

Về thị trường bán buôn điện cạnh tranh, từ đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã vận hành thử nghiệm theo cách mô phỏng. Từ ngày 1-1-2018, thị trường bán buôn điện thí điểm đã chuyển sang giai đoạn thực hiện thanh toán thật, thay vì tính toán mô phỏng như giai đoạn trước.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá, sau 6 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, hệ thống điện tiếp tục được vận hành an toàn, tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội, không có sự cố do việc vận hành thị trường điện, bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Đặc biệt, thị trường điện giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu toàn hệ thống, tạo động lực và sự tin tưởng để thu hút các nhà đầu tư. Việc đưa tính cạnh tranh vào khâu phát điện giúp các đơn vị phát điện có thêm động lực giảm chi phí sản xuất và xây dựng chiến lược chào giá tốt trên thị trường, từ đó gia tăng lợi nhuận cho đơn vị. Đây chính là tiền để phát triển ngành điện bền vững theo đúng lộ trình của Chính phủ.
 
Là đơn vị tham gia trực tiếp vào thị trường phát điện cạnh tranh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhiệt điện Hải Phòng Nguyễn Văn Thanh nêu rõ, khi tham gia vào thị trường điện, doanh nghiệp ký hợp đồng bán buôn nên có nhiều thuận lợi trong việc chủ động lập kế hoạch. Như trong mùa khô, vừa có thể phát sản lượng cao và lợi nhuận cao. Mùa mưa, doanh nghiệp bố trí sửa chữa các tổ máy để phục vụ trong mùa khô phát công suất cao.
 
Cần có cơ chế bảo đảm công bằng
 
Đánh giá về tiềm năng của thị trường điện Việt Nam, theo Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, mặc dù, số lượng các nhà máy điện và công suất các nhà máy điện tham gia thị trường điện tăng đáng kể, nhưng mới chỉ tỷ lệ 49% tổng công suất đặt hệ thống. Điều này cho thấy, vẫn còn có dư địa về pháp lý, cơ chế để đưa thêm các nhà máy tham gia vào thị trường điện.
 
Trên thực tế, theo quy định của thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy điện có công suất từ 30MW trở lên mới được tham gia thị trường. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều nhà máy điện công suất nhỏ tham gia thị trường. Theo nhiều chuyên gia, để vận hành thị trường điện một cách công bằng, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo, cơ quan quản lý cũng cần tính tới các phương án xây dựng cơ sở pháp lý và các hạ tầng thiết yếu bảo đảm các nhà máy điện có công suất nhỏ hơn 30MW, nhà máy điện năng lượng tái tạo cũng có thể tham gia vào thị trường điện trong thời gian tới.
 
Về thực hiện lộ trình triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, qua thí điểm, các đơn vị bước đầu đã làm quen thị trường bán buôn và để có thể vận hành chính thức trong năm 2019, Bộ Công Thương đang hoàn thiện sớm hành lang pháp lý cho thị trường bán buôn. Khó khăn lớn nhất là làm sao xây dựng cơ chế bù chéo cho các tổng công ty điện lực, vì hiện nay khâu phát điện-đầu vào chúng ta đã tiến hành thị trường, trong khi giá bán lẻ-đầu ra chúng ta vẫn tiếp tục điều tiết.

Cùng với đó, một trong những nội dung quan trọng nhằm  bảo đảm tính minh bạch của thị trường điện là tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện hạch toán độc lập theo mô hình Công ty TNHH một thành viên.
 
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, minh bạch sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường bán buôn điện cạnh tranh phát triển. Theo đó, thời gian tới, yêu cầu, các đơn vị như Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện hoàn thành tốt giai đoạn vận hành thí điểm các tháng cuối năm 2018; hoàn thành thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện; đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như tiếp tục triển khai đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị thành viên đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện.
Theo: Quân đội nhân dân