Trên đây là thông tin được ông Phạm Hồng Giang, Tổng giám đốc EVNIC cho biết qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 1-7.
Cụ thể, theo ý kiến chấp thuận của lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 1 của dự án điện gió Công Hải dự kiến triển khai trong năm 2013 trên diện tích 20 héc ta tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận với 3 tổ máy điện gió công suất 1 MW/tổ máy theo công nghệ của Nga (tua bin gió 2 rotor đồng trục) với sản lượng điện khoảng 14 triệu kWh mỗi năm.
Giai đoạn 2 sẽ được triển khai từ 2014-2015 trên diện tích 160 héc ta với 15 tổ máy có công suất 2,5 MW/tổ máy theo công nghệ của Mỹ. Hiện nay phần thiết bị cho giai đoạn 2 nhập khẩu từ Mỹ đang được Tổng cục Năng lượng thẩm định.
Suất đầu tư mỗi MW của dự án điện gió Công Hải khoảng 3,2 triệu đô la Mỹ.
Theo tài liệu về “Quy hoạch năng lượng gió để phát điện tại các tỉnh duyên hải Việt Nam”, Ninh Thuận được đánh giá là khu vực có khả năng phát triển điện gió với tổng công suất khai thác đến năm 2020 khoảng 2.000 MW.
Một số khu vực có tiềm năng gió tốt tại Ninh Thuận tập trung tại 4 huyện gồm huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và Ninh Hải. Đến nay đã có 14 dự án điện gió được tỉnh chấp thuận chủ trương cho khảo sát, lập dự án đầu tư.
Đặc biệt, tại huyện Ninh Phước có 12 vùng nhỏ có tiềm năng khai thác điện gió với tổng công suất lắp đặt đến 735 MW. Đây cũng là vùng có tính khả thi rất cao để xây dựng trung tâm điện gió và hiện đang được nhiều nhà đầu tư nghiên cứu triển khai các dự án tại vùng này.
Một địa phương liền kề Ninh Thuận là Bình Thuận cũng là khu vực có tiềm năng điện gió lên đến khoảng 5.000 MW. Hiện chính quyền tỉnh này đã chấp thuận cho các nhà đầu tư triển khai 12 dự án điện gió. Đã có 2 dự án phát điện với công suất 30 MW. Giá mua điện mà các chủ đầu tư bán cho Tập đoàn Điện Việt Nam theo quy định là 7,8 cent/kWh. |