Tin thế giới

Scotland nhận đầu tư gần tỷ đô vào điện gió ngoài khơi

Thứ tư, 19/1/2022 | 17:57 GMT+7
Scotland đang đẩy mạnh phát triển các dự án điện gió ngoài khơi để hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon, giúp chống biến đổi khí hậu.
Trang trại điện gió Beatrice ở ngoài khơi bờ biển Caithness của Scotland. Ảnh: BBC
 
Chỉ ít tháng sau hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, nước chủ nhà Scotland hôm 17/1 cho biết đã trao nhượng quyền 17 dự án điện gió ngoài khơi trị giá 960 triệu USD, thông qua quy trình đấu giá, cho các công ty năng lượng bao gồm BP, Royal Dutch Shell và SSE, cũng như Iberdrola của Tây Ban Nha và TotalEnergies của Pháp.
 
Theo kế hoạch, các dự án mới sẽ có tổng công suất lắp đặt lên tới 25 gigawatt, tương đương công suất điện gió ngoài khơi của toàn châu Âu hiện tại.
 
"Đây là động thái hướng tới một nền kinh tế trung hòa carbon. Kết quả ngày hôm nay cho thấy khả năng của Scotland trong việc chuyển đổi năng lượng", Simon Hodge, Giám đốc điều hành công ty quản lý bất động sản Crown Estate Scotland, nhấn mạnh. "Ngoài những lợi ích về môi trường, điều này còn thể hiện sự đầu tư lớn vào phát triển kinh tế".
 
Hầu hết các dự án điện gió mới sẽ được lắp đặt trên vùng biển phía đông và đông bắc Scotland. Chỉ có một địa điểm nằm ở phía tây của đất nước. Cùng với nhau, chúng bao phủ một khu vực rộng hơn 7.000 km2, sử dụng kết hợp turbine nổi, cố định và hỗn hợp để sản xuất điện.
 
"Những gì được công bố hôm nay - mặc dù còn nhiều việc phải làm để biến nó thành hiện thực - có tiềm năng rất lớn, không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng từ các nguồn tái tạo, mà còn định vị Scotland như một nhà sản xuất hàng đầu về năng lượng xanh, mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế", Bộ trưởng thứ nhất Scotland Nicola Sturgeon nói với truyền thông.
 
Sturgeon cũng trích dẫn các ước tính rằng nền kinh tế Scotland sẽ đạt mức tăng 1 tỷ bảng Anh cho mỗi gigawatt điện sạch, mang lại tổng lợi ích khoảng 25 tỷ bảng Anh.
 
Theo: VnExpress