Tin thế giới

Năng lượng hạt nhân – phép thử dành cho EU

Chủ nhật, 9/1/2022 | 20:34 GMT+7
Bước sang năm mới 2022, Liên minh châu Âu (EU) mang theo cả mớ mâu thuẫn vốn tồn tại từ lâu, mà một lần nữa, quan điểm về năng lượng hạt nhân sẽ kiểm chứng sự thống nhất và sức mạnh của liên minh địa chính trị này.
 
Châu Âu có cách nhìn nhận mới về năng lượng hạt nhân. Ảnh: emerging-europe.com
 
Đảo chiều chính sách
 
Tháng 12/2021, nhiều quốc gia thành viên EU đã thể hiện sự ủng hộ năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Trong tương lai rất gần, Ủy ban châu Âu (EC) được cho sẽ tạo ra một cơ chế hỗ trợ tối đa đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nguyên tử và khí đốt, khẩn trương yêu cầu tất cả các đối tác công nhận năng lượng nguyên tử và khí tự nhiên là những nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. 
 
Quyết định này hoàn toàn không phải là tự phát hay đột ngột. Bulgaria hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga - 95% khí đốt tự nhiên và 90% tất cả các sản phẩm dầu mỏ Bulgaria có nguồn gốc từ Nga. Để làm hài lòng Mỹ, Bulgaria từng tự nguyện từ bỏ dự án Dòng chảy phía Nam. Bulgaria hiện đang theo dõi và ghen tị việc Thổ Nhĩ Kỳ nhận được nhiều lợi thế lớn về địa chính trị và kinh tế từ vị thế là trung tâm khí đốt phía Nam của châu Âu, trong khi nước này chỉ đóng vai trò khiêm tốn của một quốc gia trung chuyển.
 
Sofia đã chối đề nghị của Rosatom về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Belene, không cho phép người Nga tham gia đấu thầu. Nhưng trong năm 2021, lò phản ứng làm lạnh bằng nước (VVER-440) "Kozloduy" của Liên Xô và một cặp lò phản ứng hiện đại hơn VVER-1000 gần như là nguồn phát điện đáng tin cậy duy nhất của nước này. Riêng "Kozloduy" đã tăng gấp ba lần lợi nhuận, lên tới 414 triệu USD, khiến Bulgaria thay đổi quan điểm và tuyên bố sẽ yêu cầu coi “năng lượng hạt nhân là năng lượng thân thiện với môi trường”.
 
Ba Lan từ lâu không nói về sự đoạn tuyệt hoàn toàn và xóa bỏ sự lệ thuộc vào Nga bằng việc trợ giúp khí hóa lỏng từ Mỹ. Nhưng hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng đang lo lắng về khả năng Gazprom không vận hành ống dẫn khí Yamal ở Ba Lan. Bị đẩy vào ngõ cụt bởi chính đường lối chính trị và thiếu tiền để thực hiện một phần của cái gọi là thỏa thuận xanh, cũng như không thể từ bỏ than đá để đáp ứng nhu cầu về điện, Warsaw cũng đang hướng tới nguyên tử. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 75% người Ba Lan ủng hộ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong nước.
 
Giữa tháng 12/2021, công ty Synthos Green Energy của Ba Lan đã ký một thỏa thuận với GE Hitachi Nuclear Energy của Mỹ và BWXT của Canada về chế tạo và triển khai ít nhất 10 lò phản ứng mô-đun loại nhỏ BWRX-300, nhằm đưa ngành công nghiệp điện của Ba Lan thoát khỏi sự chi phối của khí đốt Nga. Nhưng điều này sẽ không xảy ra cho đến năm 2029, vì cho đến nay, lò phản ứng BWRX-300 chỉ tồn tại trên giấy. Cùng với chứng sợ nước Nga trong lịch sử, quốc gia tiêu thụ hàng năm hơn 10 tỷ m3 khí đốt Nga (hay 74% tổng lượng nhập khẩu) này đã chọn gắn tương lai với năng lượng hạt nhân.
 
Hai đầu tàu EU
 
Người khởi xướng chính của quá trình hợp pháp hóa về môi trường của năng lượng hạt nhân là Pháp, và không có gì đáng ngạc nhiên. Hiện Paris sở hữu 56 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất hơn 60 gigawatt, đứng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Âu. Hơn 70% điện năng của Pháp (413 terawatt/giờ) được sản xuất tại các nhà máy điện hạt nhân. Nhờ giá thành rẻ, Pháp xuất khẩu hơn 76 terawatt/giờ mỗi năm, thu về ít nhất 3 tỷ euro. Tranh thủ sự ủng hộ của Bulgaria, Croatia, Séc, Phần Lan, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Slovenia và Romania, Pháp đã yêu cầu EC công nhận “năng lượng hạt nhân an toàn cho môi trường”.
 
Tuy nhiên, Đức bất ngờ phản đối đề xuất đó. Bộ trưởng Môi trường Đức được đồng nhiệm người Áo ủng hộ, đã chỉ trích sáng kiến ​​này, nhấn mạnh rằng năng lượng hạt nhân không thể được coi là an toàn và có thể không chỉ dẫn đến những thảm họa khủng khiếp, mà còn đầu độc hệ sinh thái của hành tinh trong nhiều thập kỷ tới...
 
Tình hình hiện tại cho thấy hai thực tế cơ bản: Thứ nhất, sự thống nhất của Châu Âu chỉ “phát huy tác dụng khi cần thiết” theo lệnh từ nước ngoài, để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ngay khi có một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh tài chính và năng lượng quốc gia, tất cả các nước EU bắt đầu lo cho riêng mình. Berlin phản đối việc hợp pháp hóa năng lượng nguyên tử là có lý do. Một trong những điều kiện quan trọng để thống nhất Tây Đức và Đông Đức là việc đóng cửa ngay lập tức các nhà máy điện hạt nhân.
 
Các nhà máy điện hạt nhân Đông Đức ở Greifswald và Rheinsberg đã bị ngừng hoạt động vĩnh viễn, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Stendal bị hủy bỏ. Trong tuần rồi, Đức đã cho ngừng hoạt động 3 trong số 6 lò phản ứng hạt nhân còn lại, giảm sản lượng cùng lúc 5%. Trong khi người Đức tự nguyện từ bỏ nguyên tử một cách có hệ thống để chuyển sang sử dụng khí đốt đắt tiền hơn, những người hàng xóm của họ chỉ đơn giản là chờ đợi, xem kết quả thử nghiệm của Đức.
 
Và khi rõ ràng là ngay cả một nước Đức giàu có cũng không đủ khả năng để chuyển đổi như vậy, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, các thành viên EU khác đã thay đổi ý định. Một tình thế bi hài đang hiện hữu - những kẻ ngày hôm qua thù ghét, nay ủng hộ sự trở lại và mở rộng năng lượng hạt nhân, tự định vị mình là tiên tiến và có ý thức về môi trường. Đồng thời, Đức, nước duy nhất giải trừ công nghiệp điện nguyên tử, giờ đây lại rơi vào hố và đi ngược lại khoa học và môi trường.
 
Thứ hai, một lần nữa khẳng định, chính sách hiện đại của phương Tây được hoạch định không phải bởi một nhóm các chuyên gia và đại diện của các ngành công nghiệp then chốt, mà bởi những người theo chủ nghĩa dân túy tạm thời. Các nhà lãnh đạo các quốc gia và các bộ ngành liên quan có nghĩa vụ phải biết các số liệu thống kê, bằng chứng chắc chắn rằng năng lượng nguyên tử vì hòa bình là giải pháp tối ưu cung cấp điện cho nhân loại và đồng thời làm chậm sự nóng lên toàn cầu.
 
Tỷ lệ tử vong ứng với mọi loại hình năng lượng
 
Trong nhiều năm, Viện Paul Scherrer đã thu thập và phân tích dữ liệu về tỷ lệ tử vong thuộc mọi lĩnh vực năng lượng. Trong quá trình sản xuất một terawatt/giờ tại cơ sở năng lượng nguyên tử (trong toàn bộ dây chuyền làm việc - từ khai thác quặng đến người tiêu dùng), ít hơn 0,01 người chết mỗi năm. Để so sánh, để có mỗi terawatt/giờ: sử dụng khí tự nhiên - 71 người chết; công nghiệp dầu mỏ - 100 người chết; và than - hơn 120 người chết, mỗi năm.
 
Năng lượng nguyên tử không những không gây ô nhiễm bầu khí quyển mà còn làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo Rosenergoatom ngày 1/1/2022, các nhà máy điện hạt nhân của Nga đã tạo ra sản lượng điện kỷ lục. Các lò phản ứng đã tạo ra hơn 222 tỷ kilowatt/giờ, tiết kiệm tương đương hơn 110 triệu tấn khí thải CO2. Không có nguồn điện nào khác có thể có các thông số và hiệu quả tương tự.
 
Nga phát triển và thử nghiệm công nghệ tái sinh uranium và plutonium đã qua sử dụng. Tháng 11/2021, Tổ hợp hóa chất Siberia (thành phố Seversk) đã sản xuất lô thương mại đầu tiên loại nhiên liệu Remix như vậy, được sử dụng trong các lò phản ứng VVER-1000 tiêu chuẩn. Pháp cũng đang tích cực nghiên cứu theo hướng tương tự. Hiện có tới 14% điện hạt nhân được tạo ra trên cơ sở nhiên liệu tái chế này.
 
Trong khi đó, mỗi năm trên thế giới, hàng nghìn cánh tuabin gió làm bằng vật liệu composite, đơn giản được chôn xuống đất, không có lợi về mặt kinh tế để tái chế và sẽ phân hủy trong hơn 100 năm. Đã xuất hiện những cánh đồng với các tấm quang điện đã qua sử dụng, hàng triệu tấn thủy tinh silica và không ai mảy may nói về việc tái sử dụng, hay thậm chí là tái chế chúng.
 
Theo: VOV