Vào ngày 4/11, Singapore đã gia nhập Liên minh loại bỏ năng lượng than đá, một liên minh quốc tế gồm các quốc gia, thành phố, khu vực và doanh nghiệp cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch.
Thông báo về tư cách thành viên của Singapore trong các cuộc thảo luận về khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland, Bộ trưởng Bộ Phát Triển Bền Vững và Môi trường Grace Fu phát biểu: "Quá trình đốt nhiên liệu than đang đem đến rất nhiều rủi ro đáng báo động cho cuộc sống của hàng tỷ người. Đây là lý do Singapore quyết định tham gia Liên minh loại bỏ năng lượng than đá".
Singapore là quốc gia đầu tiên ở châu Á tham gia liên minh này. 28 thành viên mới - bao gồm Chile, Ngân hàng HSBC và công ty cung cấp điện sạch TransAlta của Canada - đã gia nhập liên minh vào ngày 4/11, nâng tổng số thành viên lên 165.
Trong nửa đầu năm nay, khoảng 95% điện năng của Singapore được tạo ra bằng khí đốt tự nhiên, dạng nhiên liệu hóa thạch sạch nhất.
Số liệu từ Cơ quan điều tiết thị trường năng lượng cho thấy, than đá chiếm 1,2%, dầu diesel và dầu nhiên liệu chiếm 0,6%, trong khi điện từ rác thải, sinh khối và năng lượng mặt trời chiếm 3,2% còn lại. Than đá là dạng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhiều nhất.
Theo tuyên bố của Ban Thư ký Biến đổi Khí hậu Quốc gia, Bộ Phát Triển Bền vững và Môi trường cũng như Bộ Thương Mại và Công Nghiệp, thông qua việc tham gia liên minh trên, Singapore cam kết tiếp tục loại bỏ dần việc sử dụng than đá trong hỗn hợp năng lượng điện của quốc đảo trước năm 2050 và hạn chế nguồn tài chính trực tiếp của chính phủ vào điện than trên toàn thế giới.
Khái niệm sản xuất điện bằng than đá liên quan đến các nhà máy điện đốt than không sử dụng công nghệ đặc biệt để thu giữ chất thải carbon cho mục đích lưu trữ hoặc chuyển đổi sang các chất khác.
Bà Fu nói thêm rằng, Singapore cam kết toàn lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một tương lai ít phát thải carbon.
Singapore đang đối mặt với một số hạn chế trong việc giảm phát thải các-bon cho ngành năng lượng nội địa, lĩnh vực hiện đóng góp 40% vào tổng lượng khí thải của quốc đảo. Điều này bao gồm việc thiếu diện tích sử dụng cho các trang trại năng lượng mặt trời lớn và không có khả năng tiếp cận các dạng năng lượng tái tạo khác.
Tuy nhiên, quốc gia này đang tìm cách vượt qua những trở ngại này theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như việc triển khai các tấm pin mặt trời trên các thủy vực đồng thời nhập khẩu năng lượng có lượng carbon phát thải thấp từ nơi khác.