Nhà máy điện Palau Seraya (Singapore)
Có thể hơi cảm thấy mất tinh thần khi mà vào tháng 6 năm ngoái, Cục Thị trường Năng lượng Singapore (Energy Market Authority - EMA) báo hiệu về sự trượt dốc sắp tới về nhu cầu trong năm: “Đây là lần đầu tiên nhu cầu điện năng ở Singapore được dự báo là sẽ sụt giảm. Trong bốn thập kỷ qua, nhu cầu điện của Singapore liên tục tăng trưởng với tốc độ trung bình 6%/năm. Ngay cả trong các đợt suy thoái trước đây, tỉ lệ tăng trưởng nhu cầu điện có chững lại chứ không giảm”. Trong trường hợp này, xu hướng giảm nhu cầu đã đảo chiều vào đầu năm nay, dẫn đến tiêu thụ trong cả năm của 2009 là 37.974,2 GWh, tức là vẫn nhỉnh hơn so với mức 37.940,3 GWh trong năm trước.
Nhu cầu tăng không ngừng
Quí I năm nay, nhu cầu tăng 14% so với năm ngoái, thị trường điện của Singapore đã vững bước trở về con đường quen thuộc. Nhu cầu trung bình mỗi ngày đạt tới 4.863 MW trong cả quí, trong khi đó thời tiết oi bức đã đẩy nhu cầu lên cao tới mức kỷ lục: 6.261 MW.
Mức gia tăng này nêu bật thách thức nghiêm trọng nhưng cũng được chào đón hơn đối với đất nước đô thị này vốn quen thuộc với kinh doanh, đó là làm sao đáp ứng nhu cầu năng lượng để tăng trưởng bền vững. EMA dự báo trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2018 nhu cầu điện sẽ tăng và đạt mức 2,5% - 3% một năm.
Tỉ lệ tăng dân số giảm đột ngột trong năm nay, khi tổng dân số đã nhích qua ngưỡng 5 triệu người, nhưng trong những năm tới có nhiều khả năng số người thường trú sẽ tiếp tục tăng trở lại như trước. Tiêu thụ trong khu vực sinh hoạt cũng phản ánh mức sinh hoạt đang vươn lên và việc sử dụng phổ biến các loại thiết bị tiêu tốn năng lượng. Ví dụ, năm 1988 chỉ có 19% hộ gia đình có máy điều hòa không khí, nhưng đến năm 2003 con số này đã đạt 72%. Phản ánh thực tế này, nhu cầu trong khu vực sinh hoạt đã tăng từ 1.565,3 GWh vào năm 1986 để đạt tới 7.084,9 GWh vào năm ngoái. Tuy nhiên, phần thị trường ngoài khu vực sinh hoạt chiếm phần chủ yếu trong nhu cầu điện năng của Singapore - 82% trong quý 1 năm 2010 - và cũng giúp phục hồi thị trường này trong năm nay.
Ông Dave Carlson, Giám đốc điều hành của Công ty Thị trường Năng lượng (Energy Market Company - EMC) là đơn vị quản lý thị trường điện bán buôn của Singapore, nói với phóng viên Thời báo Kinh doanh (Business Times) của Singapore vào cuối quý I: “Hệ thống [điện] của Singapore khá nhỏ, cho nên một số lượng lớn các ngành công nghiệp đóng ở đây hay việc khởi động một khu liên hợp lọc dầu mới có thể tác động đáng kể đến nhu cầu điện”. Người ta tin rằng việc khai trương hai “khu nghỉ ngơi giải trí tổng hợp” khổng lồ cùng với cơ sở hóa dầu mới trị giá 3 tỷ USD của Shell đã góp phần thúc đẩy nhu cầu điện năng tăng vọt.
Nỗ lực bảo tồn năng lượng
Theo Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (National Environment Agency), để giảm nhẹ mối đe dọa tới an ninh năng lượng luôn rình rập, Singapore đã giảm 28% suất sử dụng năng lượng trong thời kỳ 1990-2007. Cơ quan này đang lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ cắt giảm 20% và đến năm 2030 sẽ cắt giảm được tới 35% so với mức năm 2005.
Luật Bảo tồn năng lượng sẽ được đưa vào áp dụng năm 2013 sẽ qui định các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tối thiểu cho các nhà sử dụng công nghiệp lớn. Việc dịch chuyển sang các ngành công nghiệp dịch vụ cũng được qui định nhằm hạn chế tăng trưởng nhu cầu. Nhu cầu của khu vực dịch vụ cuối cùng đã vượt nhu cầu của khu vực chế tạo vào năm 2008. Năm ngoái, ngành chế tạo tiêu thụ 13.628 GWh, trong khi đó các cơ sở phi công nghiệp tiêu thụ tới 17.261 GWh.
Tự bảo vệ khỏi tác động của giá cả tăng vọt
Tự do hóa từng bước có nhiệm vụ bảo vệ các hộ tiêu thụ khỏi tác động của sự tăng giá nhiên liệu. Tuy nhiên, Singapore phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu khiến nước này chịu ảnh hưởng nặng nề của biến động thị trường. Việc cố định giá khí đốt theo giá dầu đã đẩy giá điện năng thống nhất Singapore (Uniform Singapore Energy Price - USEP) lên cao: Giá 1 MWh trong quý I đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 191,45 đôla Singapo (146,56 USD).
Chi phí nhiên liệu chiếm tới 60% biểu giá tính cho các hộ tiêu thụ, có nghĩa là tăng biểu giá trước sau cũng tác động tới cử tri của đảo quốc này. EMC đã cảnh báo rằng thị trường biến động và nhu cầu đang phát triển có thể khiến giá USEP tiếp tục leo thang, mặc dù ít nhất sẽ có thêm 2.000 MW công suất hòa lưới vào năm 2013. Trong khi nhu cầu tăng vọt trong 6 tháng đầu năm, việc giá USEP tăng cũng phản ánh sự chuyển dịch sang các cơ sở phát điện hiệu suất kém hơn khi mà các tuabin khí chu trình hỗn hợp đang trong thời kỳ bảo trì.
Khí hóa lỏng giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp
Trước áp lực của nhu cầu phụ tải, mà theo qui định công suất dự phòng tối thiểu phải cao hơn 30% phụ tải đỉnh, Singapore thấy bị kẹt do lệ thuộc quá nhiều vào khí đốt dẫn qua đường ống từ các nước láng giềng. EMA yêu cầu tất cả các nhà máy điện chạy khí phải có khả năng chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu khác nếu như nguồn cung cấp khí bị gián đoạn.
Từ khi tự do hóa thị trường vào năm 2001, khí đốt nhanh chóng gạt dầu (cung cấp tới 70% sản lượng điện hồi thập kỷ trước) ra khỏi thị trường để đảm bảo 80,3% sản lượng điện nước này trong năm 2008.
Chính phủ Singapore thể hiện rõ quyết tâm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào khí đốt dẫn qua đường ống khi can thiệp hồi tháng 7 năm 2009 để cứu một dự án cảng đầu mối khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) trị giá 1 tỷ USD sau khi GDF Suez và PowerGas (công ty con của Singapore Power) đã phải lùi bước trước khủng hoảng tín dụng toàn cầu. Cảng đầu mối Đảo Jurong, hiện nằm trong tay công ty quốc doanh Singapore LNG Corporation, sẽ đi vào hoạt động vào năm 2013 và là phương án thay thế cho khí đốt dẫn qua đường ống từ Malaysia và Indonesia.
Cảng đầu mối này sẽ có hai bể chứa dung tích 180.000 m3. Theo dự kiến ban đầu, tổng mức nhập khẩu sẽ là 1 triệu tấn/năm, tuy nhiên chính phủ sẽ khống chế nhập khẩu qua đường ống dẫn để đưa con số này lên 3 triệu tấn/năm vào năm 2018. Theo kế hoạch giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ tăng gấp đôi công suất lên 6 triệu tấn/năm, tức là bằng lượng khí đốt dẫn qua đường ống hiện nay từ Malaysia và Indonesia.
GENCOS tranh giành thị phần
Tương phản rõ rệt với việc hăng hái đưa ra các quy định trong lĩnh vực đời sống, cụ thể như về ăn kẹo cao su, Singapore dũng cảm tiên phong trong lĩnh vực tự do hóa năng lượng. Bằng việc trao ba công ty điện lực lớn của đất nước vào tay các nhà đầu tư quốc tế, chính phủ đã tạo nên sự cạnh tranh, giúp thúc đẩy đầu tư xây dựng công suất mới và chuyển đổi từ dầu sang khí đốt.
Temasek, công ty đầu tư của chính phủ, đã bán đứt Tuas Power cho một công ty con của Tập đoàn Huaneng của Trung Quốc vào tháng 3 năm 2008. Một liên danh do Marubeni của Nhật Bản cầm đầu đã mua Senoko Power vào tháng 9 cùng năm. Công ty điện lực lớn cuối cùng trong ba công ty trên là PowerSeraya đã trở thành công ty con của YTL Power International của Malaysia vào tháng 3 năm 2009.
PowerSeraya giành vị trí dẫn đầu trên thị trường phát điện năm 2009 với 27,2% thị phần, cao hơn sát nút Senoko Power với 26,4% thị phần, Tuas Power nắm 24,3%, Sembcorp Cogen 10,5%, Keppel Merlimau Cogen 9,1% và các lò thiêu 2,5%.
Đặt cơ sở cho lưới điện thông minh
Trong thị trường năng lượng tự do hóa của Singapore, các đơn vị mua nặng ký hơn, thường được gọi là “các hộ tiêu thụ có máu mặt”, giờ đây có thể chọn nhà cung cấp. Kể từ tháng 12 năm 2003, các hộ có mức tiêu thụ hằng tháng 10.000 kWh có quyền mua theo một trong ba cách: Từ một nhà cung cấp bán lẻ đã chọn; mua trực tiếp trên thị trường điện quốc gia của Singapore (National Electricity Market of Singapore - NEMS), là thị trường bán buôn thời gian thực do Công ty Thị trường Năng lượng vận hành theo quy định của Cục Thị trường Năng lượng của Singapore (EMA); và mua gián tiếp của NEMS thông qua SP Services, đơn vị được cấp phép dịch vụ hỗ trợ thị trường. Hiện nay đã có kế hoạch mở rộng quyền tự do này cho một triệu khách hàng nữa của Singapore, tức là cho 25% thị trường, tuy nhiên lịch trình vẫn chưa được công bố.
Tháng 6/2010, dự án thí điểm Hệ thống bán điện (Electricity Vending System - EVS) đã được ký kết, theo đó các hộ gia đình được phép lựa chọn đơn vị bán lẻ, được quyền sử dụng công tơ thông minh và phương thức thanh toán điện tử. Báo cáo của EMA cho thấy kết quả đầy hứa hẹn, các hộ gia đình cắt giảm tiêu thụ hoặc chuyển việc tiêu thụ điện ra khỏi giờ cao điểm, và EMA đã bắt tay vào thực hiện một dự án thí điểm quy mô lớn hơn: Hệ thống năng lượng thông minh (Intelligent Energy System - IES).
Mở rộng công suất
Điều mà giám đốc điều hành của EMA, ông Lawrence Wong mô tả như là “một đường ống dẫn lành mạnh để nhiệt điện khí tiến lên phía trước”, EMA dự đoán có khoảng 3.000 MW công suất phát điện khí xây mới trong 3-5 năm tới.
“Toàn bộ năm công ty điện hiện có của chúng tôi tại Singapore đều đã công bố kế hoạch về các nhà máy mới”. Theo ông Wong, công ty mới Island Power thông báo sẽ đầu tư vào Singapore và gia nhập thị trường điện Singapore.
Các dự án đang triển khai bao gồm Tổ hợp phát kết hợp điện và nhiệt Tembusu của Tuas Power, sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2012 với sản lượng ban đầu là 100 MW. Keppel Merlimau Cogen có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện mới, mỗi nhà máy công suất 450 MW, sẽ được bàn giao vào năm 2013 và 2014. Sembcorp đang bổ sung 400 MW công suất. Island Power sẽ khởi công xây dựng nhà máy 800 MW trong quý I năm 2011, để hoàn thành trong năm 2013.
Do mặt bằng chật hẹp của Singapore, các dự án thay đổi công nghệ nhà máy điện có vai trò then chốt để tăng công suất. Senoko Power đang triển khai dự án thay đổi công nghệ với việc thay thế 750 MW công suất nhiệt điện dầu bằng hai tua bin khí chu trình hỗn hợp 430 MW vào năm 2012. PowerSeraya gần đây đã bổ sung 1.500 MW công suất phát nhiệt và điện kết hợp. Tuas Power hiện đang cân nhắc liệu có nên theo gương các công ty khác với một dự án thay đổi công nghệ: Xây dựng nhà máy điện chu trình hỗn hợp công suất 400 MW.
Các công nghệ mới và các mạch điện liên kết
Trước mắt, ít có khả năng là Singapore sẽ có sự chuyển biến mang tính đột phá về ứng dụng nguồn năng lượng mới. Tuy nhiên, với việc tháng 9/2010 đặt “năng lượng thích ứng cho phát triển bền vững” lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong khoản kinh phí dành cho nghiên cứu trong vòng 5 năm trị giá 16,1 tỷ đô la Singapore, chính phủ đã cho thấy sự nhiệt tình đối với các giải pháp sáng tạo.
Năm lò thiêu hiện đang phát tổng cộng 184 MW từ chất thải, năng lượng mặt trời mới ở giai đoạn chập chững với 31 trạm pin quang điện được kết nối với hệ thống điện và chỉ đóng góp 422 kW, trong khi năng lượng gió lại gặp trở ngại về giá thành. Tuy nhiên trên hòn đảo Pulau Ubin rộng 10 km2, EMA đang tiến hành khảo sát các nguồn năng lượng sạch và thử nghiệm cùng với một hệ thống điện cực nhỏ thông minh.
Các mạch điện liên kết quốc tế có thể hứa hẹn nhiều hơn. Hai đường cáp 230 kV ngầm dưới biển đã được lắp đặt từ lâu nối liền Senoko Power và Malaysia đã giúp các công ty điện lực ở cả hai đầu ứng phó với các sự cố mất điện thông qua mạch truyền tải công suất 200 MW. Trong vài năm tới, bên cạnh các đường cáp này có thể sẽ có thêm một số mạch kết nối khác như đường cáp liên kết 700 MW đến bán đảo Malaysia, đường cáp liên kết 600 MW với đảo Sumatra (Indonesia), và đường cáp liên kết với hòn đảo thương mại tự do Batam của Indonesia.
Ngày 24/8/2010, Bộ trưởng năng lượng Purnomo Yusgiantoro của Indonesia công bố rằng Indonesia, Malaysia và Singapore đã thỏa thuận xây dựng ba mạng lưới truyền tải điện liên kết với khoản đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Ông cũng nói thêm rằng các mạng lưới này kết nối Singapore với Batam và Bintan của Indonesia, sẽ giúp Indonesia ứng phó với tình trạng thiếu điện ở các đảo Sumatra và Kalimantan.
Chưa thể chắc chắn rằng các mạng lưới điện ASEAN sẽ có những bước tiến triển như các quan chức tuyên bố. Nhưng với một đất nước rộng lớn và giàu tài nguyên như Indonesia lại tỏ ra hăng hái với việc kết nối với nước láng giềng nhỏ bé, điều đó phản ánh đất nước đô thị này thành công trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng. Thông qua tự do hóa mạnh mẽ và đầu tư không ngừng, tinh thần “kiasu” nổi tiếng của Singapore một lần nữa lại chiến thắng những thử thách lớn.