Sirindhorn – Trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới

Thứ ba, 1/2/2022 | 12:23 GMT+7
Trang trại điện năng lượng mặt trời nổi lớn nhất thế giới vừa đi vào vận hành tại Thái Lan, với quy mô bằng hơn trăm sân bóng đá cộng lại.
 
Toàn cảnh dự án trang trại điện gió được xây dựng trên đập Sirindhorn Dam. Ảnh: EGAT
 
Theo Tập đoàn Điện lực Thái Lan (EGAT), trang trại được đặt tại đập Sirindhorn trên dòng sông Lam Dom Noi, thuộc tỉnh đông bắc Ubon Ratchathani, cách Bangkok khoảng 660 km về phía đông. Nhà máy điện vận hành theo mô hình công nghệ lai.
 
Vào ban ngày, 145.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt tại dự án có nhiệm vụ tạo ra nguồn điện. Ban đêm, nhà máy tiếp tục sản xuất điện bằng ba tuabin cỡ lớn sử dụng sức nước phía dưới. Với tổng mức đầu tư 34 triệu USD, trang trại điện năng lượng mặt trời Sirindhorn có công suất 45 MW.
 
Trang trại điện mặt trời Sirindhorn được xây dựng trên diện tích rộng 120 ha thuộc đập thủy điện Sirindhorn, kích thước bằng 120 sân bóng đá tiêu chuẩn, với 145.000 tấm pin năng lượng được bố trí thành 7 phân khu.
 
Theo EGAT, các chuyên gia đã tính toán rất kỹ đến yếu tố bảo vệ môi trường của dự án. Ước tính khu trang trại điện mặt trời này giúp giảm 47.000 tấn khí CO2 ra môi trường/năm. Tất cả tấm pin và cấu trúc nổi đều được chế tạo, lắp đặt và vận hành theo hướng thân thiện với môi trường. Đơn cử, các tấm pin được lắp ở một góc thích hợp, cho phép có đủ không gian để tối ưu hóa nguồn nhiệt phát ra từ ánh nắng mặt trời, nhưng lại không làm ảnh hưởng đến môi trường nước ở xung quanh.
 
Khu trang trại chỉ chiếm khoảng 1% diện tích mặt hồ, nhưng có tác dụng giữ lại lượng nước 460.000 m3 khỏi bốc hơi mỗi năm. Khí mát từ nước mặt hồ sẽ bảo đảm cho các tấm pin không bị quá nóng, tăng hiệu suất phát điện thêm 15% so với lắp đặt trên đất liền.
 
Đáng chú ý, các nhà thiết kế cũng lắp đặt ba tuabin có thể quạt nước trong hồ để phát điện khi không có ánh nắng mặt trời, hoặc khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Hệ thống quản lý điện năng (EMS) tại trang trại sẽ vận hành sau khi tiếp nhận thông tin đầu vào từ mạng dự báo thời tiết, nhằm bảo đảm khả năng phát điện ổn định.
 
Chủ tịch EGAT Boonyanit Wongrukmit cho biết, dự án “lai” này giúp tăng cường an ninh năng lượng cho Thái Lan, góp phần tạo ra nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, trung hòa hiện tượng ấm lên của Trái Đất.
 
EGAT có kế hoạch đưa khu trang trại điện gió này trở thành điểm tham quan, du lịch, có thể mở cửa đón du khách ngay từ đầu năm tới. Qua đây, dự án giúp tăng cường mối quan tâm của dư luận về xu hướng công nghệ năng lượng xanh, thân thiện với môi trường này, tạo thêm công ăn việc làm bền vững, thu nhập ổn định cho người dân và phát triển kinh tế trong vùng.
 
Trong thời gian tới, EGAT dự kiến sẽ triển khai 15 dự án điện mặt trời khác. Khi hoàn tất, các dự án này sẽ giúp bổ sung vào lưới điện quốc gia của Thái Lan sản lượng điện 2.725 MW.
 
Nhà máy điện năng lượng mặt trời Sirindhorn hòa lưới điện quốc gia tại thời điểm Thái Lan bắt tay đẩy nhanh mục tiêu phát thải ròng bằng 0, sớm hơn 15 năm so với dự kiến. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Anh hồi tháng 11/2021, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đưa ra cam kết về việc Thái Lan hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thay cho năm 2065 như kế hoạch trước đó. Đây được coi là bước tiến lớn của Thái Lan, trong bối cảnh 66% sản lượng điện ở nước này đến từ nguồn nhiệt điện chạy bằng khí đốt.
 
Theo Bloomberg, tổng sản lượng điện chạy bằng khí đốt ở Thái Lan là 114.000 GW, trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, hydro mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng. Nguồn phát điện còn lại là từ nhiệt điện chạy than, vốn là tác nhân chính làm tăng phát thải carbon.
 
Thái Lan hiện nằm trong nhóm nước đi đầu trong ASEAN về phát triển năng lượng tái tạo, từng bước tự do hóa thị trường năng lượng, thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia sâu hơn và có đóng góp lớn hơn đối với thị trường này.
 
Giới chức chính trị và các nhóm kinh tế nước này bắt đầu tính toán nghiêm túc về chuyển đổi năng lượng sạch, khi mà nguồn cung nhiên liệu hóa thạch trong nước dần cạn kiệt. Sản lượng khí đốt - nguồn nhiên liệu hóa thạch lớn nhất tại Thái Lan, đã đạt đỉnh vào năm 2014 và suy giảm. Năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, sau mốc thời gian này có bước tăng trưởng nhanh hơn. Chính phủ Thái Lan hy vọngđến năm 2037, năng lượng tái tạo sẽ đóng góp 35% tổng sản lượng điện quốc gia.
Theo: Báo Tin tức