Tại Việt Nam, trong điều kiện các dự án thủy điện đã được khai thác tối đa, dự án nhiệt điện phải đối mặt với áp lực về ô nhiễm môi trường, thì việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được xem là hướng phát triển bền vững của ngành năng lượng.
Hướng phát triển mới của ngành năng lượng Việt Nam
Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nước ta là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, số giờ nắng đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm. Đưa nguồn năng lượng mặt trời chất lượng cao vào sử dụng trong doanh nghiệp, nhà máy sản xuất đang góp phần giải quyết hiệu quả bài toán tiết kiệm năng lượng và giữ gìn môi trường.
Nếu so sánh với các nguồn điện tự nhiên khác thì điện mặt trời có những thế mạnh vượt trội. Để sản sinh được 1MW điện chỉ cần 1 ha mặt bằng và có thể triển khai ở mọi vùng miền trên cả nước, nhất là việc sử dụng các panel đặt trên mái nhà. Ngoài ra, chi phí lắp đặt và thời gian hoàn vốn của điện mặt trời đang dần trở nên hợp lý so với những lợi ích lâu dài mà giải pháp này đem lại, khiến ngày càng nhiều hộ gia đình và nhất là các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Doanh nghiệp tiên phong trong khai thác nguồn năng lượng sạch
Hoạt động trong ngành năng lượng gần 10 năm, Vũ Phong Solar hiện là một trong số ít doanh nghiệp tiên phong phát triển nguồn năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Với việc sản xuất, phân phối sản phẩm điện mặt trời và tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp được thị trường biết đến với các tấm thu điện – đèn – bộ phát điện mặt trời, đèn đường LED, bộ đổi nguồn, điều khiển sạc ắc quy chất lượng cao.
Ngoài việc đưa nguồn năng lượng sạch này đến từng hộ gia đình, những năm gần đây Vũ Phong tích cực phát triển lắp đặt hệ thống tại các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất. Giảm phát thải nhà kính, làm mát mái nhà xưởng, sử dụng nguồn điện ổn định, đặc biệt là nâng cao hình ảnh và giảm thiểu chi phí điện giá cao sử dụng ban ngày – là những lợi ích mà doanh nghiệp thu được khi sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời.
Hiện nay, trung bình cứ 7-8m2 diện tích sẽ lắp được một đơn vị công suất điện mặt trời là 1 kWp (kilo watt peak), có mức đầu tư từ 1.000 – 1.300$/kWp (thấp hơn nếu quy mô lên đến vài MWp) cho một hệ thống đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đảm bảo độ bền 25 – 30 năm, với toàn bộ chi phí trọn gói từ khảo sát, thiết kế đến thi công hoàn chỉnh. Việc áp dụng điện mặt trời có thể giúp doanh nghiệp giảm được từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng tiền điện mỗi năm.
Tại các văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị... là những địa điểm có diện tích mái cỡ trung bình, giải pháp phù hợp là lắp đặt hệ thống điện mặt trời hoà lưới. Lượng điện tiêu thụ ban ngày tại đây thường rất lớn, đặc biệt là điện tiêu thụ cho hệ thống điều hoà. Với một mái tòa nhà có diện tích khoảng 400m2 – 4.000m2 sẽ lắp được khoảng 50 - 500 kWp, tương đương sản xuất được khoảng 75.000 – 750.000 kWh điện mỗi năm. Giá điện kinh doanh hiện nay vào ban ngày có thể lên đến hơn 4.000 đồng/kWh nên thời gian hoàn vốn là ngắn nhất trong tất cả các đối tượng sử dụng điện mặt trời, rất lý tưởng để doanh nghiệp đầu tư.
Còn các nhà máy, xưởng sản xuất có diện tích rất lớn nên tuỳ vào lượng điện tiêu thụ mà doanh nghiệp có thể quyết định mức công suất đầu tư, thông thường từ vài trăm kWp đến vài MWp, cung cấp cho doanh nghiệp 150.000 kWh đến vài triệu kWh điện mỗi năm. Hiện nay, do giá điện cho nhà máy là giá điện sản xuất được ưu đãi (gần 2.000 đồng/kWh vào ban ngày) nên thời gian hoàn vốn tăng lên 1, 2 năm so với đối tượng sử dụng điện kinh doanh; tuy nhiên vẫn trong giới hạn hợp lý khi xét đến tính chất đầu tư lâu dài của việc sản xuất và tuổi thọ 25 – 30 năm của hệ thống điện mặt trời.
Ngoài lắp đặt hệ thống hòa lưới giúp giảm tiền điện, các nhà máy, xưởng sản xuất còn có thể ứng dụng điện mặt trời cho hệ thống đèn trong khuôn viên nhà máy. Bên cạnh việc không phải lắp đặt cáp ngầm như với các trụ đèn sử dụng điện lưới thông thường, hệ thống đèn năng lượng mặt trời còn tuyệt đối an toàn vì sử dụng điện một chiều áp thấp, và đặc biệt vẫn hoạt động kể cả khi có sự cố điện lưới, đảm bảo chiếu sáng và an ninh cho nhà máy.
Xu hướng sử dụng điện mặt trời tuy còn khá mới lạ tại Việt Nam, nhưng với những lợi ích về kinh tế và môi trường mà loại hình năng lượng này mang lại hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Trong suốt quá hoạt động, Vũ Phong luôn kiên trì với hoạt động lắp đặt các hệ thống điện mặt trời dân dụng và thương mại chất lượng cao.
Hiện doanh nghiệp này đã có danh sách nhiều khách hàng uy tín với các công trình trải khắp đất nước như Coteccons, tuyến Metro Tp. HCM, toà nhà điều hành của Tổng công ty 36 (Bộ Quốc Phòng), các nhà máy lớn của Vicostone, khu công nghiệp VSIP và hàng trăm doanh nghiệp khác.