Diễn đàn năng lượng

Năng lượng tái tạo và khả năng phát triển tại Việt Nam

Thứ năm, 11/1/2018 | 15:31 GMT+7
Chuyên gia khuyên nghị Việt Nam nên sớm chuyển hướng tăng cường tỷ trọng vào năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.

Nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam tăng trên dưới 10% năm 2030
 
Trong 5 năm gần đây, tăng trưởng năng lượng khoảng 9,5%/năm và tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới. Tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam tăng trưởng trung bình 6,5%/năm. Việt Nam duy trì chính sách xuất khẩu một phần tài nguyên năng lượng để tạo nguồn ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước.
 
Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu sử dụng năng lượng để phát triển kinh tế xã hội khiến cán cân năng lượng của Việt Nam đã dần dịch chuyển từ thặng dư xuất khẩu sang nhập khẩu từ năm 2015. Dự kiến tới năm 2035, tỷ trọng năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp là trên 58%.
 
Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng trung bình trên dưới 10% trong thời gian tới trong khi thủy điện đã được khi thác gần hết công suất thì nhu cầu điện ở Việt Nam được đáp ứng bằng việc tăng cường xuất điện than. Theo quy hoạch của ngành điện, nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao cho đến năm 2030. Nếu 2015, nhiệt điện than chiếm 34% tổng công suất nguồn thì đến năm 2025 dự kiến sẽ lên 55% tỏng khi các nguồn khác như nhiệt điện, thủy điện chạy bằng dầu, khí, hóa lỏng không tăng thậm chí còn giảm. Riêng năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ chỉ tăng ít và dự kiến đến 2030, chiếm khoảng 10%.
 
Nhu cầu về năng lượng tăng cao, đảm bảo năng lượng cho phát triển ngày càng cấp thiết nhưng trên thực tế, quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp. Cụ thể, chỉ tiêu năng lượng trên đầu người còn thấp, rất xa so với trung bình trên thế giới ngược lại, nhu cầu sử dụng điện cao hơn gấp 2 lần so với trung bình của thế giới.
 
Nhu cầu khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp tại Việt Nam dự báo tiếp tục tăng cao. Nhìn vào dự báo này có thể thấy kịch bản tăng trưởng ngành năng lượng thời gian tới. Tuy vậy, lựa chọn nguồn năng lượng cho tương lai giữa năng lượng xanh bền vững và năng lượng hóa thạch truyền thống vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ của nền kinh tế Việt Nam.
 
Việt Nam cần làm gì để tăng cường sử dụng năng lượng xanh?
 
Tại Diễn đàn các doanh nghiệp, các chuyên gia đều nhìn nhận, các nguồn năng lượng hoá thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đang làm gia tăng hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Các chuyên gia cũng khuyên nghị ,Việt Nam nên sớm chuyển hướng tăng cường tỷ trọng vào năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thay vì giữ kế hoạch dùng nhiệt điện than như cũ quá nhiều.
 
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới mới đây, Việt Nam có sản lượng điện khoảng 140,9 tỷ kWh đứng thứ 29 toàn cầu trong đó tỷ trọng điện từ nhiệt điện than chiếm 24,5% (xếp thứ 15) và có mức phát thải khí nhà kính là 33,6 triệu tấn CO2 quy đổi. Các chuyên gia năng lượng cho rằng, từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải nhanh chóng tìm ra nguồn điện bổ sung sản lượng thiếu hụt khoảng 100 tỷ kWh trong đó rất tiềm năng là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
 
Các chuyên gia đều nhận định, Việt Nam có rất nhiều cơ hội nhờ có đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, có cường độ bức xạ cao nhất là khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và nam Bộ. Có nhièu cánh đồng gió tốc độ lớn tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu. Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã đặt mục tiêu sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo đến năm 2020 là 5%, năm 2050 là 11%.
 
Theo dự báo, tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam ngày càng tăng lên. Cụ thể, đến năm 2020, năng lượng điện Mặt Trời sẽ tăng lên khoảng 800 MW, đến năm 2030, tỷ lệ điện gió tăng 6.000 MW, điện Mặt Trời là 12.000 MW và điện sinh khối 2.000 MW. Tuy nhiên, để có thể biến tiềm năng năng lượng tái tạo thành năng lượng thương mại là cả một bước dài.
Theo: VTV