Quản lý năng lượng

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Thứ tư, 28/6/2017 | 08:31 GMT+7
Tổng cục Năng lượng vừa tổ chức hội nghị tổng kết Dự án Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn tại Việt Nam (CPEE) do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, Bộ Công thương chủ trì thực hiện.
 
Dự án được triển khai từ năm 2012 đến ngày 30-6-2017 với mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn trong việc cải thiện hiệu suất năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính (PTKNK); đồng thời thiết kế và xây dựng bản kế hoạch hành động cho một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, xây dựng chiến lược tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong công nghiệp.
 
Dự án CPEE bao gồm ba hợp phần: Xây dựng kế hoạch hành động năng lượng hiệu quả cho các ngành công nghiệp trọng điểm; Phát triển các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng; Xây dựng năng lực cho quản lý chương trình, giám sát và đánh giá kết quả. Dự án đặt mục tiêu đạt được mức TKNL 360,4 nghìn TOE (tấn quy dầu) vào năm thứ 5 và đạt mức giảm PTKNK 1,25 triệu tấn CO2 vào năm thứ 5. Sau hơn 5 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả tích cực đối với mục tiêu đặt ra. Tính đến thời điểm dự án kết thúc, đã có ba Thông tư về kế hoạch hành động và định mức tiêu thụ năng lượng trên đơn vị sản phẩm được ban hành cho ba ngành: hóa chất, đồ uống và nhựa. Thông tư về kế hoạch hành động và định mức tiêu hao năng lượng cho ngành giấy và bột giấy dự kiến sẽ ban hành trong năm 2017.
 
Trong khuôn khổ dự án CPEE, Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Chương trình VA) đã được triển khai thành công với bảy doanh nghiệp (DN). Nhà máy Sữa Sài Gòn, Công ty Dệt kim Ðông Xuân, Công ty Việt Nam Food, Công ty giày Annora, Công ty Giấy Vĩnh Huê, Công ty Colusa-Miliket, Công ty Ricoh Imaging tham gia ký kết thỏa thuận tự nguyện về TKNL với Tổng cục Năng lượng. Các DN đã cam kết cắt giảm mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm hoặc cam kết thực hiện theo số lượng các giải pháp TKNL được đề xuất sau kiểm toán chi tiết. Theo dự kiến, năm 2017, dự án CPEE sẽ đạt mức TKNL 249,09 nghìn TOE và giảm giảm phát thải khí nhà kính 933 nghìn tấn CO2.
 
Việc TKNL mang lại lợi ích rất lớn, nhất là dự án thí điểm tại bảy DN nêu trên, song vì nhiều lý do, đến nay, các DN tham gia chương trình TKNL còn ít, chưa tạo chuyển biến căn bản trong công tác này. Trong khi đó, sức ép về tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam cần gắn với việc giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường là rất lớn. Do vậy, thời gian tới, để công tác này đạt hiệu quả hơn, Chính phủ, các bộ, ngành cần xây dựng Thông tư về mức tiêu hao năng lượng cho các ngành công nghiệp có tác động mạnh mẽ tới việc thực hiện TKNL. Có cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn, hệ thống cơ chế giám sát, báo cáo và đánh giá hoàn thiện và cam kết mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý là cơ sở để thực hiện thành công và nhân rộng Chương trình VA. Phát triển thị trường các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) cần giải pháp đồng bộ về thể chế, chính sách, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực. Sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt của các bên liên quan trong quá trình thực hiện là yếu tố mấu chốt để dự án thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.
Lâm Tùng/Icon.com.vn