Một dây chuyền sản xuất của Công ty dệt kim Đông Xuân.
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo tổng kết chương trình do Tổng cục Năng lượng - Bộ Công thương - tổ chức ngày 9/6 tại TPHCM.
Chương trình này nằm trong dự án Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn tại Việt Nam do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ. Sau khi chương trình được triển khai, đã có 7 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau đăng ký tham gia.
Ông Mai Văn Huyên - Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM - cho biết, các doanh nghiệp tham gia được kiểm toán năng lượng, sau đó áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp với thực tế từng đơn vị. Sau hơn một năm triển khai, 7 doanh nghiệp đã tiết kiệm được gần 1,3 triệu Kwh điện, 385kg dầu FO, 1.440 tấn than cám, 260 tấn củi và giảm phát thải 9,248 tấn CO2.
Ông Đào Xuân Chiến - Công ty dệt kim Đông Xuân - cho biết, sau khi thực hiện các giải pháp thay thế máy nén khí piston bằng máy nén khí trục vít, thay 1 lò hơi đốt dầu và 2 lò đốt than bằng một lò đốt than, công ty đã tiết kiệm được khoảng 27% năng lượng so với trước đây.
Theo ông Chiến, để tiết kiệm năng lượng có hiệu quả, doanh nghiệp cần thiết lập mục tiêu phù hợp với đơn vị mình, bám sát vào các mục tiêu và giải pháp được khuyến nghị, ưu tiên các giải pháp có thời gian hoàn vốn ngắn, chi phí đầu tư thấp. Ông mong muốn chương trình hỗ trợ sâu hơn về kỹ thuật cũng như có nhiều ưu đãi hơn về cho vay, hỗ trợ kinh phí thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Theo bà Lâm Bội Linh, Công ty Vietnam Food, doanh nghiệp này đang sử dụng khá nhiều thiết bị chiếu sáng, ổn áp, tháp giải nhiệt, lò hơi… và chúng tiêu tốn khá nhiều điện năng. Khi tham gia chương trình, công ty đã thay đổi công đoạn sản xuất, chuyển từ sấy sang phơi tự nhiên, nhà kính; thay thế máy lạnh tiết kiệm điện; lắp quả cầu hút nhiệt hệ thống kho, nhà xưởng; thay thế bóng đèn tiết kiệm... và tiết kiệm được gần 30% năng lượng so với trước đây.
Tuy nhiên, bà Linh cho rằng, chương trình cần hỗ trợ tốt hơn về mặt tài chính để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tổ chức nhiều hơn các lớp đào tạo, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới chưa có nhiều kinh nghiệm về tiết kiệm năng lượng.
Ông Mai Văn Huyên cũng thừa nhận, việc triển khai chương trình gặp nhiều khó khăn như: Chính sách ưu đãi doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng ngừng triển khai, nhân sự làm tiết kiệm năng lượng rất ít, thậm chí có doanh nghiệp thay đổi nhiều lần, chưa có hỗ trợ cụ thể về mặt tài chính... Vì vậy, để chương trình tiết kiệm năng lượng có hiệu quả trong doanh nghiệp, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, lựa chọn những doanh nghiệp lớn, sử dụng năng lượng cao và có tính đại diện cho ngành sản xuất để làm mô hình nhân rộng.