Những tấm pin năng lượng được giới thiệu tại triển lãm ở TPHCM mới đây. Ảnh: Văn Nam
Chính sách ưu đãi phát triển điện mặt trời mới đây của Chính phủ cũng được cho là cơ hội để phát triển sản phẩm này ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn đó mối quan ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường của các nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời.
Sự trở lại của First Solar
Khoảng ba tháng nay, khu vực nhà xưởng First Solar tại khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi, TPHCM đã nhộn nhịp trở lại sau gần sáu năm im ắng. Chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đông Nam và cơ quan quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM xác nhận First Solar đã khởi động lại dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời có tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ, với công suất sản phẩm tương đương 250 MW/năm.
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), đại diện của First Solar cho biết nhu cầu tấm pin năng lượng mặt trời trên thị trường thế giới tăng trở lại nên chủ đầu tư đã không còn rao bán nhà xưởng nữa mà quyết định quay trở lại lắp đặt thiết bị, máy móc để chuẩn bị cho việc sản xuất. Không chỉ vậy, nhà đầu tư này còn có kế hoạch tăng thêm sản lượng so với kế hoạch ban đầu.
Theo cam kết, các sản phẩm nhà máy đặt tại Củ Chi chủ yếu phục vụ xuất khẩu và khi hoàn thiện đầu tư, đạt công suất ở mức cao nhất, giá trị xuất khẩu có thể ở mức 2 tỉ đô la Mỹ/năm. First Solar hiện là công ty sản xuất pin mặt trời lớn nhất nước Mỹ và cũng là công ty dẫn đầu thế giới về sản xuất pin mặt trời màng mỏng, vốn đang chiếm khoảng 6% thị phần pin mặt trời toàn cầu. Đây được xem là vũ khí chính của First Solar để đối phó với các đối thủ Trung Quốc, vốn dựa vào công nghệ cũ là pin đa tinh thể silicon (polycrystalline silicon).
Dấu ấn nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan
Tuy nhiên, đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở thị trường trong nước hiện nay là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và Đài Loan. Khác với First Solar chọn TPHCM để đặt nhà máy, các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc và Đài Loan tập trung ở khu vực các tỉnh phía Bắc. Đơn cử như tập đoàn JA Solar (JA Solar Group) đang đầu tư dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, với vốn đầu tư dự kiến là hơn 1 tỉ đô la Mỹ, trong đó vốn đầu tư giai đoạn đầu khoảng 300 triệu đô la Mỹ. Đa số sản phẩm của nhà máy sẽ xuất sang Mỹ. Ngoài ra, với chi phí thấp, vị trí địa lý thuận lợi, JA Solar đánh giá nhà máy ở Việt Nam sẽ mở ra một thị trường kép, vừa để hoàn thiện chuỗi cung ứng vừa để mở rộng thị phần toàn cầu. JA Solar Group hiện là một trong những nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn với tám nhà máy sản xuất trên thế giới cung cấp các sản phẩm điện năng cho các quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản...
Cũng tại tỉnh Bắc Giang, hồi đầu năm nay, nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Trina Solar (VietNam) Science & Technology, doanh nghiệp 100% vốn của tập đoàn Trinasolar (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên đã chính thức hoạt động. Đây là nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng vốn đầu tư 100 triệu đô la Mỹ, sản lượng thiết kế là 1GW/năm, sản xuất nhiều loại pin đơn tinh thể và đa tinh thể để xuất khẩu.
Gần đây, Công ty Vina Solar cũng đã ký hợp đồng với công ty sản xuất tấm pin năng lượng hàng đầu của Trung Quốc là GCL-SI và Công ty Trina Solar để phát triển các dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam. GCL-SI cho biết sẽ đầu tư 32 triệu đô la Mỹ vào dự án liên doanh này. Chủ tịch Công ty GCL-SI, ông Shu Hua, cho rằng việc đầu tư này không chỉ mang lại những lợi thế về chi phí cho công ty, mà còn giúp sắp xếp chuỗi cung ứng của GCL-SI.
Ông Chung-Han Wu, Giám đốc R&D của Công ty Năng lượng mặt trời BOVIET, một công ty chuyên sản xuất tấm pin và module chuyển hóa năng lượng mặt trời ở Bắc Giang, thuộc tập đoàn Boway (Trung Quốc), cho biết hiện có bảy công ty chuyên sản xuất pin và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc và hai của Đài Loan đã có mặt ở Việt Nam. Các công ty này đều đặt nhà máy ở các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang.
Hiện Bắc Giang đang hình thành chuỗi sản xuất và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời với tám dự án đã được cấp phép, trở thành tỉnh có quy mô sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước với tổng công suất 5.200 MW/năm.
Hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp hơn hai phần ba số tấm pin mặt trời cho thị trường toàn cầu. Theo giới phân tích, sự phổ biến của các tấm năng lượng mặt trời Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến giá sản phẩm này sụt giảm 80% trong giai đoạn 2008-2013. Do đó, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc bán phá giá pin mặt trời và đã bắt đầu áp thuế quan cao đối với sản phẩm này của Trung Quốc vào năm 2012, để bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ.
Theo giới phân tích, việc đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam của các công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc là nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu vào thị trường Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, gần đây Mỹ đã báo tin với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng nước này có thể áp thuế quan đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu từ các quốc gia khác, khi cho rằng các công ty Trung Quốc đã mở cơ sở sản xuất ở nước thứ ba để lách hạn chế xuất khẩu sang Mỹ.
Thị trường thuận lợi
Giới phân tích dự báo nhu cầu cho tấm pin năng lượng mặt trời trên toàn cầu bắt đầu tăng dần sau năm 2016, trong khi chi phí lắp đặt và sản xuất sẽ tiếp tục giảm. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), xu hướng pin mặt trời sẽ góp phần thay thế năng lượng hóa thạch. Đây là lý do khiến ngành sản xuất này ở Việt Nam nóng lên trong hai năm trở lại đây.
Theo IRENA giá của tấm pin năng lượng mặt trời có thể giảm tới 59% trong 10 năm nữa. IRENA dự báo ngành công nghiệp năng lượng mặt trời sẽ phát triển trong 15 năm tới, và tỷ trọng điện năng được sản xuất từ năng lượng mặt trời có thể tăng từ mức 2% hiện nay lên 13% vào năm 2030.
Đầu tư sản xuất pin năng lượng mặt trời cung ứng cho thị trường trong nước cũng đang trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời. Hấp dẫn là ở mức giá điện mặt trời nhà đầu tư có thể bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên 2.000 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cents/kWh, và được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng). Mức giá này có thể thu hút nhà đầu tư rót vốn vào các dự án điện mặt trời. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng nhiều nhất trên bản đồ bức xạ mặt trời thế giới sẽ thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia lắp đặt công nghệ này trong sinh hoạt hàng ngày và trong sản xuất.
Lo về môi trường
Năng lượng mặt trời được xem như một dạng năng lượng sạch, không gây hại cho môi trường như nhiều loại năng lượng khác. Tuy nhiên, theo giới phân tích để làm ra một tấm pin, ngay từ đầu đã phải tiêu hao rất nhiều năng lượng. Cụ thể, theo bài viết đăng trên The Economic vào cuối năm ngoái, để làm tan chảy và tinh chế silicon (các tấm pin cần silicon để hấp thụ năng lượng từ ánh sáng mặt trời) phải cần nhiệt độ lên tới 1.414 độ C. Và vì thế, khi một tấm pin mới được sinh ra nó đã mang sẵn trong mình một “món nợ carbon”. Một tấm pin sản xuất tại Trung Quốc tạo ra lượng khí thải gần gấp đôi so với một tấm pin sản xuất tại châu Âu. Nguyên nhân vì Trung Quốc chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng cung ứng cho sản xuất.
Bên cạnh việc tiêu thụ nguồn năng lượng đáng kể, các chuyên gia cho rằng quá trình sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời còn xuất ra lượng nước thải và các chất phụ gia vào khí quyển.
Liệu rằng chúng ta có nên quan ngại về các nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam đứng ở góc độ bảo vệ môi trường? Đã có một số ý kiến cho rằng nếu nhà đầu tư trong lĩnh vực này xây nhà xưởng ở Việt Nam chỉ để lắp ráp sản phẩm thì không lo về nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu những doanh nghiệp này, nhất là những doanh nghiệp đến từ Trung Quốc sản xuất sản phẩm từ quặng ban đầu thì các nhà quản lý cần phải có những quy định, ràng buộc về việc xử lý chất thải trước khi cấp phép, nhằm giảm và ngăn ngừa việc gây ô nhiễm môi trường.