Tin thế giới

Tâm lý ghét điều hòa dù nắng nóng tại châu Âu

Thứ hai, 7/8/2023 | 09:04 GMT+7
Sóng nhiệt càn quét châu Âu khiến nhu cầu điều hòa tăng lên, nhưng đa số người dân vẫn chưa sẵn lòng sử dụng chúng.

Floriana Peroni trong cửa hàng ở thủ đô Rome của Italy hồi đầu tháng 8. Ảnh: AP

Floriana Peroni, sống tại Rome (Italy), phải đóng cửa hàng quần áo một tuần khi sóng nhiệt quét qua châu Âu tháng 7. Nguyên nhân là một xe tải chở máy phát điện đã đỗ chắn trước cửa hàng của bà để cung cấp năng lượng cho khu phố bị cắt điện giữa lúc nhiệt độ tăng mạnh ở thủ đô. Thủ phạm chính là điều hòa nhiệt độ.

Nhiệt độ ngoài trời lên 40°C, trùng với giai đoạn tiêu thụ điện gần chạm ngưỡng kỷ lục ở Italy, trong đó nước này tiêu thụ hơn 59 GW ngày 19/7. Nhiều khu vực tại Roma vì thế đã mất điện vì quá tải. Nhu cầu tiêu thụ điện tăng gần 30% trong tuần thứ hai của tháng 7, theo công ty điện lực thủ đô ARETI.

Như nhiều người tại Rome, Peroni không lắp đặt điều hòa ở nhà và cửa hàng. Người dân thành phố thường dựa vào những cơn gió từ Địa Trung Hải để giảm nhiệt ban đêm, nhưng điều này giờ đây cũng hiếm gặp và chỉ mang lại sự giải tỏa trong thời gian ngắn.

"Chúng tôi cùng lắm là sử dụng quạt. Vậy là đủ. Chúng tôi có thể sống chung với nhiệt độ cao", Peroni nói. Dù vậy, điều này bắt đầu thay đổi trên khắp châu Âu.

Người châu Âu đối phó thế nào với nắng nóng?

Thời tiết ngày càng nóng bức khiến điều hòa từ thiết bị xa xỉ trở thành vật dụng thiết yếu ở nhiều khu vực châu Âu, nơi người dân vốn không có cảm tình với hình thức làm mát tiêu thụ nhiều năng lượng như vậy.

Nhiều người châu Âu thể hiện sự khinh bỉ với những công trình được làm mát quá mức tại Mỹ, với nhiệt độ gần như lạnh cóng và khiến không ít người phải mặc áo ấm ngay giữa cao điểm mùa hè.

Trong khi đó, các nhà tổ chức sự kiện ở châu Âu chỉ cung cấp quạt tay nếu dự báo khả năng nắng nóng. Khách mua sắm thường đổ mồ hôi trong những cửa hàng ít được làm mát, còn rạp chiếu phim không bảo đảm có hệ thống kiểm soát nhiệt độ. Các bữa tối ở nhà hàng thường diễn ra ngoài trời, nhằm tránh không gian bí bách trong các công trình không có điều hòa.

Người dân Italy và Tây Ban Nha thường nghỉ ngơi vài giờ sau bữa trưa để đối phó nắng nóng. Phần lớn hoạt động du lịch diễn ra trong tháng 8, khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa để nhân viên đi nghỉ mát ở biển hoặc lên núi.

Tỷ lệ sử dụng điều hòa ở châu Âu đã tăng từ 10% năm 2000 lên 19% năm 2022, theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA). Con số này kém xa mức 90% ở Mỹ. Các hệ thống làm mát rất hiếm gặp ở Bắc Âu và Đức, nơi nhiệt độ có thể duy trì ở mức trên 30°C trong thời gian dài.

Phần lớn người châu Âu tránh dùng điều hòa vì chi phí cao và lo ngại ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều người cho rằng luồng gió lạnh từ điều hòa có thể gây vấn đề sức khỏe như cảm lạnh và đau cứng cổ.

Cục nóng điều hòa tại một khu phố ở thủ đô Rome của Italy hồi đầu tháng 8. Ảnh: AP

Nhu cầu trang bị điều hòa đang bắt đầu tăng lên ở lục địa này. Doanh số ở Italy đã tăng từ 865.000 chiếc hồi 2012 lên gần hai triệu trong năm 2022. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm được trang bị cho doanh nghiệp, thay vì hộ gia đình.

Chiếm tỷ trọng lớn trong số này là điều hòa hai chiều, có khả năng làm mát vào mùa hè và sưởi ấm trong mùa đông. Sự lưỡng dụng đã thu hút nhiều khách hàng, nhất là khi nó giúp giảm tiêu thụ khí đốt trong mùa đông giữa lúc giá năng lượng tăng cao vì chiến sự tại Ukraine.

Điều hòa nhiệt độ từng rất hiếm gặp tại Pháp cho đến năm 2003, khi sóng nhiệt khiến hàng nghìn người thiệt mạng, chủ yếu là người cao tuổi. Tuy vậy, nước này cũng chỉ ghi nhận doanh số một triệu điều hòa trong năm ngoái. Phần lớn căn hộ và nhà riêng, cũng như nhà hàng và cơ sở kinh doanh tại Pháp chưa được lắp điều hòa.

Tâm lý ác cảm với điều hòa vẫn duy trì tại Pháp. Nhiều người cho rằng đây là mặt hàng nhập khẩu phù phiếm từ Mỹ, là thiết bị phá hoại môi trường. Cecile de Munck và Aude Lemonsu, nhà khí tượng tại Cơ quan Thời tiết Quốc gia Pháp, cảnh báo nhiệt độ tại Paris sẽ tăng thêm 2°C nếu số lượng điều hòa tại thành phố tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030.

Trong khi đó, các hộ gia đình tại Tây Ban Nha đang tìm đến điều hòa, thay vì dựa vào quạt điện và các tấm rèm cách nhiệt truyền thống. Nghiên cứu của Đại học Ca' Foscari ước tính 50% hộ gia đình ở Tây Ban Nha sẽ sở hữu điều hòa vào năm 2040, so với 5% hồi năm 1990.

Lý do người châu Âu chưa mặn mà với điều hòa

Các nhà quản lý bất động sản Tây Ban Nha đang đau đầu với lời than phiền vì tiếng ồn và nhiệt lượng từ điều hòa của hàng xóm. "Một số người không thể mở cửa sổ vì luồng hơi nóng phả ra từ cục nóng. Tỷ lệ điều hòa tăng lên cũng khiến nhiều công trình sẽ sớm hết chỗ lắp đặt", Pablo Abascal, Chủ tịch Hội đồng nhà quản lý bất động sản Tây Ban Nha, cho hay.

Khu ăn uống ngoài trời tại một nhà hàng ở thủ đô Rome của Italy hồi đầu tháng 8. Ảnh: AP

Điều hòa và hệ thống làm mát được coi là yếu tố sống còn với người cao tuổi giữa thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, ngay cả ở những nơi thường xuyên trải qua sóng nhiệt trên 40°C như đảo Cyprus, chạy điều hòa liên tục không phải phương án khả thi với người cao tuổi có thu nhập cố định. Người dân trên đảo này chỉ bật điều hòa vào lúc nóng nhất trong ngày, đồng thời dồn toàn bộ gia đình vào một phòng duy nhất để tiết kiệm điện.

"Điều này tác động không nhỏ tới sức khỏe tâm thần của họ. Tuy nhiên, nỗi sợ lớn nhất vẫn là nguy cơ sốc nhiệt nếu không dùng điều hòa", Demos Antoniou, Giám đốc một nhóm hoạt động vì quyền của người cao tuổi tại Cyprus, cho hay.

Angeliki Vassiliou, 83 tuổi, luôn nghĩ đến hóa đơn tiền điện và các thế hệ tương lai trước khi bật điều hòa. "Không có lý gì để phung phí năng lượng. Phung phí bất cứ nguồn tài nguyên nào cũng là sai trái. Thế giới sẽ ra sao nếu chúng ta cứ lãng phí như vậy", bà nói.

Link gốc

 

Theo: VnExpress