Tin trong nước

Tâm sự người thợ điện

Thứ năm, 19/5/2022 | 08:47 GMT+7
Những ngày này, anh em công nhân ngành điện Hà Tĩnh mỗi người mỗi ngả, tỏa ra trên mọi nẻo đường như “đàn kiến vàng” vỡ tổ, khẩn trương, tất bật. 

 
Nói rằng chúng tôi đi “canh dòng điện cho nhân dân” hay đang “mang nguồn sáng diệu kỳ đến với mọi nhà”… đó chỉ là cách nói văn hoa, mỹ lệ để vơi đi phần nào nỗi vất vả, hiểm nguy trong công việc của chúng tôi mà thôi.
 
Có lẽ khi tôi kể với bạn về công việc tôi và đồng nghiệp đang làm, chắc chắn bạn cũng không hào hứng để nghe. Bởi tôi biết nghề này vốn khô khan, cứng nhắc, quay đi quay lại cũng chỉ toàn bu lông, ốc vít, dây điện, dây thừng… Bạn càng mơ hồ khi nghe các từ ngữ chuyên môn như cân pha, san tải hay lộ, trạm, đường dây... gì.. gì đó. Nói nôm na, để dòng điện được vận hành thông suốt phục vụ nhân dân, anh em chúng tôi cũng phải hoạt động liên hoàn không khác gì một cỗ máy.
 

 
Những ngày này, chúng tôi thường lên đường đi làm khi mọi người còn chưa tỉnh giấc. Việc ăn cơm dưới chân cột điện, mua vội nắm xôi, ổ mì ven đường, nước dắt theo lưng … là chuyện hết sức bình thường. Khi đêm xuống, nhà nhà quây quần bên bàn ăn chuyện trò vui vẻ thì chúng tôi lại cặm cụi dắt xe đi, lưu luyến một ánh mắt con thơ, ngậm ngùi cái nắm tay của vợ… Những thời điểm xảy ra sự cố, đôi khi đang bưng bát cơm ăn cũng phải bỏ đũa để “chạy”, nhiều hôm hai, ba giờ sáng chúng tôi vẫn chưa rời được đường dây, cột điện để về nhà. Như tôi đây, hai tháng nay chưa về quê thăm mẹ, còn anh Thắng bạn tôi cả tháng rồi không đón đưa con đi học được ngày nào, cái quạt hư vợ anh cũng phải mang ra thợ sửa…Thế nhưng anh em chúng tôi đã xác định “duyên nghề đã gắn, niềm tin đã trao” phải hết lòng giữ vững.
 
Vào thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, theo đó công việc đi kèm với trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành điện lại càng phải nâng lên, bận rộn và nặng nề hơn bình thường. Ngoài việc phải căng mình lăn lộn dưới cái nắng hơn 40 độ C, chỉnh trang, bảo dưỡng các tuyến đường dây, trạm biến áp… để hạn chế mất điện, giảm nguy cơ sự cố làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, chúng tôi còn phải gặp nhiều khó khăn trong công tác ghi chỉ số công tơ và thu tiền điện mùa nắng nóng.
 

 
Thời điểm nắng nóng, câu chuyện toàn xã hội quan tâm là việc hóa đơn tiền điện tăng cao, kéo theo đó là tâm lý khách hàng băn khoăn về độ chính xác của công tơ điện… Vì thế ở đơn vị tôi, từ phòng đến đội, tổ đều tập trung nhân lực ưu tiên xử lý công tác này. Để trấn an lòng dân, anh em chia năm, xẻ bảy mỗi người đi một hướng: một số nhóm vẫn xử lý công việc trên lưới điện còn lại tập trung cho việc xác minh các đề xuất, kiến nghị của khách hàng, đảm bảo trong 24h phải có kết quả phúc tra báo cáo lãnh đạo. Hầu hết các ý kiến thắc mắc xoay quanh những nội dung: Tại sao không sử dụng thêm thiết bị gì mà tiền điện lại tăng? Sao tháng này lại tăng gấp đôi các tháng trước? Chắc chắn công tơ điện có vấn đề…vv. Trước tình hình đó, để có câu trả lời chính xác cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng, sau khi tiếp nhận thông tin chúng tôi khẩn trương tiến hành đầy đủ các bước phúc tra, kiểm soát theo đúng quy trình, nghiệp vụ, từ đó có những kết luận chính xác, rõ ràng cho từng trường hợp cụ thể.
 
Công tác ghi chỉ số công tơ và thu tiền điện trong thời điểm nắng nóng thật vất vả, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, núi đồi hiểm trở. Một thực tế, nhiều vùng vẫn đang ghi chỉ số thủ công, đi hàng trăm mét, thậm chí băng qua cả ngọn đồi mới đến được hộp công tơ để ghi, vì vậy chúng tôi luôn ở trạng thái tinh thần tập trung, đầu óc tỉnh táo. Những địa bàn có thể đo đếm sản lượng bằng máy, chúng tôi đỡ vất vả hơn, tuy nhiên công tác đi phúc tra, xác minh chỉ số lại gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian, công sức. Như đơn vị tôi, quản lý hơn 46 ngàn khách hàng thì có đến gần 25 ngàn khách hàng nằm trong diện phải phúc tra, xác minh lại chỉ số (bởi theo quy định sản lượng tăng, giảm 30% so với sản lượng tháng trước thì phải phúc tra) cho nên anh em luôn phải tập trung cao độ: từ khâu ghi chỉ số cho đến việc phúc tra, lập hóa đơn tiền điện đều phải hết sức cẩn trọng, đảm bảo phát hành hóa đơn chính xác, kịp thời, đúng tiến độ.

 
Anh em chúng tôi xác định, hơn lúc nào hết thời điểm này nghiệp vụ và trách nhiệm của người cán bộ, công nhân viên ngành điện lại càng phải được phát huy; thái độ cầu thị, biết lắng nghe ý kiến, phản hồi từ khách hàng luôn đi đôi với phương châm “Vì niềm tin của bạn”. Dù cả ngày gồng tay, trụ chân trên cột điện, áo chưa kịp khô mồ hôi, nước chưa kịp uống… đã theo vòng xe quay bánh, thang vác trên vai, đồ nghề kẹp nách, có thông tin là chúng tôi lên đường, chưa biết thực tế thế nào nhưng cứ phải đến tận nơi để bà con yên tâm trước.
 
Công việc vất vả xoay vòng hòa cùng cảm xúc buồn vui lẫn lộn: chạnh lòng, tủi thân khi nghe những nhận xét chưa đủ cảm thông cho nổi khổ của anh em; lặng lẽ, âm thầm đọc một vài ý kiến phản hồi chưa hài lòng của ai đó trên facebook để rồi nửa đêm trăn trở, băn khoăn không sao ngủ được… Lại có lúc xúc động, phấn khởi khi nhận được cái siết tay, gật đầu của một bác nông dân, ngoan ngoãn uống từng ngụm nước từ tay khách hàng như một đứa trẻ… để rồi bao khó khăn, mệt nhọc bỗng tan biến, lãng quên, lại cháy hết mình trong nắng gió…
 
Những ngày này, Hà Tĩnh quê tôi vẫn đắm chìm trong chảo lửa, nắng thiêu da cháy thịt, bộ áo quần công nhân dày cộp cũng không che được cái rát bỏng, nảy lửa của trời hè. Đêm nay, trên lối tôi về, nắng tắt, ánh điện đã bừng lên, ánh sáng lung linh soi rõ từng khuôn mặt, dòng người tấp nập trên những con phố thênh thang ngập tràn sắc hoa, ánh điện… bao mệt mỏi trong tôi bay vào khoảng không, bánh xe quay đều, tôi vi vu trong gió… Anh em chúng tôi bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, gian nan, vất vả vẫn đi, vẫn vượt qua, dù có lúc chân đã mỏi, vai đã nhừ… nhưng trách nhiệm giữ nguồn điện luôn thắp sáng mọi miền quê là quyết tâm chúng tôi luôn phấn đấu.
Phương Thảo