Quản lý năng lượng

Tăng cường tiết kiệm điện để giảm chi phí, góp phần tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

Thứ bảy, 26/10/2024 | 08:00 GMT+7
Ngày 20/09/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2023. Theo đó, cả nước có 3.491 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Công nhân Điện lực thành phố Tuyên Quang tuyên truyền dùng điện tiết kiệm và an toàn tại Công ty may MSA YB (vốn đầu tư Hàn Quốc). Ảnh: Huy Hùng.

Đây là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ tiêu dùng có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) hoặc khoảng 6 triệu kWh điện/năm trở lên. Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - các hộ tiêu thụ nhiều năng lượng giúp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. 

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban, Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

PV: Thưa ông Trần Viết Nguyên, tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện đã nhấn mạnh tới các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 01 triệu kWh/năm trở lên – và yêu cầu “phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm”. Theo thống kê của EVN, hiện nay cả nước có tất cả bao nhiêu cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 1 triệu kWh trở lên? 

Ông Trần Viết Nguyên: Tính đến hết năm 2023, cả nước có 19.690 khách hàng sử dụng điện có điện năng tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên (đã bao gồm 3.491 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm), chiếm 42% tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn quốc năm 2023, tương ứng với 107 tỷ kWh/năm. 
Nếu các khách hàng này thực hiện tiết kiệm điện với mức tối thiểu là 2% theo yêu cầu của Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ thì bình quân mỗi năm có thể tiết kiệm tới 2 tỷ kWh điện, tương ứng với tiết kiệm hóa đơn tiền điện khoảng 4.200 tỷ đồng/năm. 

PV: Xin ông cho biết trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm được quy định như thế nào trong Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ)?

Ông Trần Viết Nguyên: Căn cứ vào Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2011 của Quốc Hội; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật SDNLTK&HQ và Thông tư số 25/2020/TT-BCT ngày 29/9/2020 của Bộ Công Thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo về thực hiện kế hoạch SDNLTK&HQ thì cơ sở SDNLTK&HQ phải thực hiện các nội dung chính như sau: 

Thứ nhất, áp dụng mô hình quản lý năng lượng (công bố mục tiêu, chính sách về SDNTLK&HQ tại cơ sở; Xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng hàng năm, tổ chức đào tạo, tập huấn, thưởng phạt). 

Thứ hai, chỉ định người quản lý năng lượng có đủ các điều kiện và trách nhiệm. 

Thứ ba, thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc ba năm một lần; Gửi báo cáo kiểm toán năng lượng đến Sở Công Thương trong thời gian 30 ngày, sau khi thực hiện kiểm toán năng lượng. 

Thứ tư, xây dựng kế hoạch SDNLTK&HQ cơ sở hàng năm và 5 năm báo cáo với Sở Công Thương;  

Thứ năm, xây dựng chế độ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến việc thực hiện kế hoạch SDNLTK&HQ. 

Thứ sáu, thực hiện quy định về SDNLTK&HQ trong xây dựng mới, cải tạo và mở rộng cơ sở.  

Công nhân Điện lực thành phố Tuyên Quang tuyên truyền dùng điện tiết kiệm và an toàn tại Công ty giày Chung JYE (vốn đầu tư Trung Quốc). Ảnh: Huy Hùng.

PV: Thưa ông, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong khối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lên tới 20-30%. EVN quan tâm đến đối tượng này như thế nào trong việc cung ứng, đảm bảo điện cũng như sử dụng hiệu quả điện năng ? 

Ông Trần Viết Nguyên: Cả nước hiện có hơn 19.500 các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên với mức tiêu thụ năng lượng bình quân năm là 100 tỷ kW, chiếm 42% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Với tiềm năng tiết kiệm điện của nhóm này từ 20 – 30% là rất lớn, như vậy rõ ràng nếu nhóm khách hàng này thực hiện tốt các giải pháp sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm thì tỷ lệ tiết kiệm điện toàn quốc sẽ rất lớn. 

Chính vì vậy, đây là nhóm khách hàng mà EVN và các đơn vị điện lực quan tâm nhất. Chúng tôi ưu tiên đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, tư vấn sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm tới nhóm khách hàng này để đạt được các mục tiêu tiết kiệm điện tối thiểu nêu trong Chỉ thị 20 của TTCP, tiết kiệm kinh phí cho doanh nghiệp và phát triển bền vững.

Chúng tôi tổ chức các hoạt động chính hướng tới nhóm khách hàng này, như: Tổ chức hội nghị khách hàng/hàng năm và thường kỳ (với chuyên đề tiết kiệm điện) để tuyên truyền, tư vấn khách hàng cách thức, giải pháp tiết kiệm điện phù hợp; Làm việc trực tiếp với từng khách hàng để tư vấn các giải pháp tiết kiệm điện và ký các cam kết thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ; Hướng dẫn và ký cam kết với khách hàng sử dụng điện theo biểu đồ công suất đã đăng ký; Cập nhật, thông báo điện năng tiêu thụ của doanh nghiệp trực tuyến, kèm theo các cảnh báo, khuyến nghị khi có sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến để doanh nghiệp điều chỉnh và áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện kịp thời; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các mô hình quản lý năng lượng, tiết kiệm điện tiên tiến như: kiểm toán năng lượng, ISO 50001, lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hệ thống tích trữ năng lượng, bảo dưỡng miễn phí các công trình trạm biến áp và đường dây của doanh nghiệp, sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng theo mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO). 
     
PV: Thưa ông, để có thể đảm bảo điện với ước tính nhu cầu điện tăng khoảng 12-14% mỗi năm trong giai đoạn 2025-2030, kế hoạch trong việc triển khai các chương trình tiết kiệm điện của EVN trong thời gian tới như thế nào?

Ông Trần Viết Nguyên: Như chúng ta biết “tiết kiệm năng lượng là nguồn năng lượng đầu tiên”, do vậy song song với các giải pháp đảm bảo cung ứng điện thì vai trò của “tiết kiệm năng lượng/tiết kiệm điện” hết sức quan trọng và được chúng tôi ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn 2025 – 2030, EVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này thông qua các chương trình cụ thể. EVN sẽ tiếp tục thực hiện Luật SDNLTK&HQ nói chung và sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nói riêng, các Chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ, Chương trình quốc gia về DSM, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương. Tiếp tục thực hiện tuyên truyền sâu rộng, đa dạng các kênh tuyên truyền tới mọi khách hàng dùng điện và người dân về chính sách, quy định của nhà nước về SDNLTK&HQ nói chung và sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm nói riêng. Thực hiện các chương trình: “Giờ trái đất”, “Sáng kiến tiết kiệm điện”, “Gia đình tiết kiệm điện”, “Công sở tiết kiệm điện”, “Tiết kiệm điện học đường”, quản lý, điều chỉnh phụ tải điện, v.v…

Hỗ trợ khách hàng thực hiện đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ...
      

Nguyên Long