Thanh toán tiền điện online

Tăng khả năng thanh toán số với khách hàng dùng điện

Thứ năm, 8/8/2019 | 08:11 GMT+7
Tính đến tháng 6/2019, Tổng Công ty Điện lực miền Trung có hơn 4,21 triệu khách hàng. Hiện EVNCPC và các đơn vị hợp tác với 18 ngân hàng và 7 tổ chức trung gian để thu tiền điện.
 
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN
 
Ngày 7/8, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) phối hợp với Tổng Công ty công nghệ số Viettel và một số tổ chức tín dụng tổ chức Hội thảo “Hợp tác thanh toán số”. 
 
Mục đích của hội thảo là tăng khả năng thanh toán số đối với hơn 4,2 triệu khách hàng dùng điện khu vực miền Trung – Tây Nguyên. 
 
Đại diện lãnh đạo cùng đơn vị chức năng của tổ chức tín dụng trên địa bàn đưa ra những lợi ích trong việc sử dụng thanh toán số: tiết kiệm thời gian, chi phí. 
 
Điện lực Miền Trung phối hợp cung cấp công cụ phù hợp để khách hàng tính toán chi phí dự trù đối với các loại phí để nâng lòng tin của khách hàng đối với việc thực hiện thanh toán trực tuyến. 
 
Việc ứng dụng công nghệ được thực hiện; thanh toán trực tuyến qua website https://cskh.cpc.vn và ứng dụng EVNCPC chăm sóc khách hàng. 
 
Việc thanh toán tiền điện trực tuyến qua website trên điện thoại, kết quả thanh toán được xác nhận, phản hồi nhanh chóng giúp khách hàng tin tưởng hơn về sự hợp tác giữa EVNCPC và các ngân hàng, tổ chức trung gian. 
 
Tính đến tháng 6/2019, Tổng Công ty Điện lực miền Trung có hơn 4,21 triệu khách hàng. Hiện EVNCPC và các đơn vị hợp tác với 18 ngân hàng và 7 tổ chức trung gian để thu tiền điện. 
 
Hiện tỷ lệ thu tiền điện không dùng tiền mặt chỉ đạt khoảng 30%. Nguyên nhân khách quan được đưa ra là địa bàn kinh doanh điện năng của EVNCPC trải dài trên 13 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, với diện tích trên 100.000 km2 (tương đương 29% diện tích lãnh thổ Việt Nam) với hơn 17 triệu dân (khoảng 17,5% dân số Việt Nam); trong đó, hơn 27% số khách hàng phân bổ ở khu vực thành phố, trên 72% khách hàng còn lại phân bổ trên địa hình trải dài, nhiều đồi núi, thu nhập không cao, ít tài khoản ngân hàng. 
 
Mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm các tỉnh, thành phố. Nhiều khu vực nông thôn, miền núi ít hoặc không có ngân hàng. Vì vậy, việc giao dịch qua tài khoản ngân hàng ở các khu vực này không phổ biến; do thói quen sử dụng tiền mặt của đại bộ phận người dân Việt Nam. 
 
Ông Bùi Quang Huy, Trưởng Phòng Kênh số, Tổng Công ty Công nghệ số Viettel cho biết, việc sử dụng phương thức thanh toán số mang lại nhiều thuận lợi đối với người dân cũng như khách hàng sử dụng điện. Tuy nhiên, để nâng cao nhận thức của người dân đối với việc sử dụng phương thức thanh toán này cần tập trung tuyên truyền để đạt mục tiêu đề ra. 
 
Nghị quyết của Chính phủ là tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. 
 
Theo đó, Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Công ty Điện lực phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 
 
Việc khuyến khích người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng giải pháp điện tử, di động được đẩy mạnh. Năm 2019 tăng gấp đôi số người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán điện tử. 
 
Tổng Công ty Điện lực miền Trung đặt mục tiêu đến cuối năm 2019, tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của đơn vị đạt khoảng 40% theo chỉ thị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng năm 2019. 
 
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung Phạm Sỹ Hùng cho biết, thời gian tới, việc thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng, tổ chức trung gian như Bưu điện, ECPay, Viettelplus, Momo, Payoo…  được đẩy mạnh để đa dạng kênh thanh toán cho khách hàng. 
 
Tổng Công ty Điện lực tiếp tục đề nghị ngân hàng, tổ chức trung gian ký hợp đồng hợp tác mở rộng việc thu tiền điện tại các chi nhánh nhỏ, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
 
Việc tuyên truyền về hình thức thu tiền điện qua ngân hàng tại trụ sở của Điện lực và các chi nhánh ngân hàng, bổ sung tiện ích thanh toán tiền điện qua trang website chăm sóc khách hàng, thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại địa phương, website của Điện lực/ngân hàng, gửi email/SMS để vận động khách hàng thanh toán qua kênh này. 
 
Tổng Công ty Điện lực phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian triển khai ứng dụng thanh toán thông minh trên thiết bị di động, đặc biệt là smartphone, ipad, laptop… theo hướng dễ sử dụng, thân thiện với người dùng. Với cách làm này kế hoạch đề ra năm 2019 và những năm tiếp theo đạt được.
Theo: BNews/TTXVN