Tăng năng suất đánh bắt cá bằng đèn LED

Thứ tư, 22/6/2016 | 13:25 GMT+7
Nhờ hệ thống đèn LED chiếu sáng dẫn dụ cá đã giúp ngư dân tiết kiệm được tới 60% lượng dầu diesel tương đương giảm tới 60 tấn CO2/tàu/năm và nâng năng suất đánh bắt lên 50%.
 

Hệ thống đèn LED chiếu sáng dẫn dụ cá giúp ngư dân tăng năng suất đánh bắt.

Dụ cá bằng đèn LED

Ngư dân Phan Văn Chinh 47 tuổi, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) là một trong những người đã lắp đặt hệ thống đèn led chiếu sáng cho tàu cá để nâng cao hiệu quả đánh bắt.

Chiếc tàu vỏ gỗ của anh Chinh được đóng mới từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ- CP của Chính phủ có công suất 700 CV trọng tải 60 tấn. Để nâng cao hiệu quả đánh bắt của tàu cá này, đầu năm 2016, anh Chinh đã quyết định đầu tư thêm 150 triệu đồng để lắp đặt hệ thống đèn LED tiết kiệm năng lượng của Công ty Kỹ thuật Novas (Đà Nẵng). “Nhờ hệ thống đèn LED này đã giúp giảm chi phí mua dầu từ 30 triệu đồng còn 20 triệu đồng/tháng và năng suất đánh bắt tăng lên nhiều, từ 100 triệu đồng lên đến 150 triệu đồng/tháng”, anh Chinh cho biết.

Không chỉ anh Chinh mà nhiều ngư dân khác tại Huế, Đà Nẵng cũng đang sử dụng hệ thống đèn led chiếu sáng để đánh bắt cá. Ứng dụng này của các ngư dân là kết quả từ công trình nghiên cứu của nhóm kỹ sư thuộc Công ty Kỹ thuật Novas (Đà Nẵng). Anh Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc công ty cho biết, ý tưởng thiết kế hệ thống đèn tiết kiệm năng lượng được các thành viên trong công ty nhen nhóm từ năm 2013, xuất phát từ thực tế đi biển của những ngư dân tại quê hương miền Trung. Người dân thường sử dụng đèn cao áp 1.000 W (tương đương với 1 máy điều hoà nhiệt độ), 1 tàu bình quân từ 50 -100 bóng nên hàng tháng tốn 40 - 50 triệu đồng tiền dầu nhưng hiệu quả lại không cao. Ngư dân chỉ tận dụng được 15% lượng ánh sáng trong dẫn dụ cá. “Từ đó, chúng tôi nghĩ phải làm thế nào để sản xuất ra loại đèn tiết kiệm năng lượng, giúp giảm phác thải CO2 và tăng năng suất khai thác”, anh Hải cho biết.

Từ ý tưởng ban đầu ấy đến sản phẩm thực tế, nhóm của anh Hải đã gặp khá nhiều khó khăn. Ban đầu, chỉ đơn thuần là lắp đèn LED lên tàu nhưng không thành công vì hiệu quả không cao và sau vài tháng, đèn bị nước biển ăn mòn. Vì thế, nhóm phải nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần để tìm ra thân đèn bằng inox thích ứng tốt nhất với điều kiện đánh bắt trên biển.

“Thông thường, ngư dân chỉ lắp đèn trên boong rồi chiếu xuống mặt nước, ánh sáng không xuống được sâu nên chưa thu hút được nhiều loại cá. Chúng tôi đã cải tiến, ngoài đèn trên boong, có lắp thêm đèn có công suất 1.000 W hạ sâu xuống 50 m. Khi đó, cá bị thu hút nhiều hơn, đặc biệt là cá dưới tầng nước sâu với hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh Hải chia sẻ.

Giảm tiêu hao năng lượng và phát thải khí CO2

Hiện nay, chi phí cho một hệ thống đèn LED từ khoảng 150 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, tùy thuộc vào nhu cầu và công suất từng tàu. Đây là khoản chi phí không hề nhỏ đối với ngư dân, tuy nhiên, nếu tính toàn bộ chi phí thì là bằng so với hệ thống cũ. Bởi nếu theo hệ thống cũ, tàu sử dụng 100 bóng đèn thì máy phát điện phải là 100 KW nhưng khi sử dụng hệ thống đèn này, một modun 400 W sẽ thay cho 2 bóng đèn 2.000 W nên máy phát điện chỉ cần công suất là 20 KW, nếu tính máy phát điện vào vốn đầu tư thì bằng nhau.

“Tính trung bình mỗi tàu tiết kiệm được hơn 60% lượng dầu diesel sử dụng cho ánh sáng (khoảng 2.000 - 3.000 lít/tàu/tháng) sẽ giúp giảm phát thải 60 tấn CO2/tàu/năm vào khí quyển. Với tổng số tàu cá là 40.000 chiếc sẽ có cơ hội giảm 2,4 triệu tấn CO2 hàng năm. Đây là mục tiêu chính mà chúng tôi hướng đến khi xây dựng hệ thống đènLED này”, anh Hải cho biết.

Chia sẻ về dự định và mong mỏi sắp tới, đại diện Công ty Kỹ thuật Novas cho biết, công ty là doanh nghiệp đầu tiên làm hệ thống đèn giải nhiệt bằng nước biển nên còn nhiều khó khăn về công nghệ, nhất là khi công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam chưa phát triển nên các thiết bị phải đặt ở nước ngoài, tăng chi phí. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ nghiên cứu cải thiện công nghệ, tìm nhà cung cấp để gia công phần vỏ trong nước, giảm chi phí, hạ giá thành. Chúng tôi cũng mong muốn những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như ngư dân của Nhà nước sớm được đưa vào thực tế để sản xuất, kinh doanh được thuận lợi hơn ”, anh Hải cho hay.

Hệ thống đèn LED dẫn dụ cá tiết kiệm năng lượng thường gồm 30 - 50 bóng đènLED(tùy vào từng tàu), mỗi bóng có công suất 150 W; 2 đèn LED thả chìm dưới nước màu xanh lá cây công suất 30 W sử dụng làm đèn bè, một đèn LED thả chìm bán kính chiếu sáng 50 m, công suất 1.000 W dùng để dẫn dụ cá dưới sâu và một máy phát điện nhỏ, công suất 10 KW. Hệ thống đèn này giúp tiết kiệm 80% điện năng tàu cá, tăng thu nhập của mỗi thuyền viên khoảng 1.500 USD/người/năm và tránh các bệnh nghề nghiệp do hệ thống đèn cũ gây ra như lòa mắt, bỏng da, ung thư da.
Theo: KH & PT