Tin thế giới

Tăng trưởng xanh ở châu Phi: Đi sau về trước

Thứ sáu, 6/8/2021 | 09:26 GMT+7
Nhờ lợi thế đến sau cùng điều kiện thuận lợi, các quốc gia châu Phi đang có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ trong xây dựng nền kinh tế xanh.
 
Tổ hợp nhà máy điện mặt trời Noor tại Morocco (Nguồn: AFP)
 
Trong các báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, lượng carbon dioxide (CO2) phát thải hằng năm của châu Phi chỉ chiếm 2-3% toàn cầu, với mức trung bình 0.8 tấn/người so với 3,9 tấn/người trên thế giới.
 
Tuy nhiên, nơi đây lại là một trong những nơi chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Nhiệt độ toàn cầu gia tăng có thể sẽ đe dọa nghiêm trọng tới triển vọng kinh tế, an ninh con người, nguồn nước và đa dạng sinh học tại lục địa này.
 
Trước viễn cảnh đó, các quốc gia châu Phi đã và đang nỗ lực thông qua các cơ chế, chính sách, mô hình sáng tạo nhằm tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững hơn.
 
Cái khó ló cái khôn
 
Tài chính luôn đóng vai trò thiết yếu trong hiện thực hóa tầm nhìn về một tương lai xanh cho châu Phi vào năm 2063. Tuy nhiên, với mức độ phát triển khiêm tốn của châu Phi, huy động tài chính cho tăng trưởng xanh còn gặp nhiều khó khăn.
 
Song cái khó ló cái khôn - các quốc gia châu Phi đã triển khai hàng loạt biện pháp để huy động nguồn vốn cho những mục tiêu tăng trưởng xanh của mình.
 
Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Phi (Afdb) đã thành lập Quỹ Biến đổi khí hậu (ACCF) vào năm 2014 nhằm huy động nguồn lực tài chính từ sự đóng góp của các thành viên và các đối tác quốc tế.
 
Năm 2012, Nam Phi phát hành trái phiếu xanh đầu tiên và gặt hái thành công vang dội, góp phần lan tỏa xu hướng này ra nhiều nước tại châu Phi. Hiện tổng giá trị thị trường trái phiếu xanh tại châu Phi đã có giá trị hơn 4 tỷ USD và tiếp tục tăng.
 
Xu hướng huy động vốn cộng đồng cho các dự án năng lượng xanh cũng dần xuất hiện. Hợp tác cùng đối tác TRINE (Thụy Điển), công ty gia dụng Ecozoom (Kenya) đã kêu gọi được 170.000 Euro vốn cộng đồng từ châu Âu để xây dựng các dự án năng lượng tại các vùng nông thôn tại Kenya.
 
Bên cạnh huy động vốn, việc thiết lập trở lại thị trường tín dụng carbon cũng đang được khởi động tại một số quốc gia như Nam Phi và Gabon.
 
Theo đó, chính phủ sẽ đặt ra mức xả thải cho từng công ty sản xuất phù hợp với mục tiêu cắt giảm carbon, sau đó trao giấy chứng nhận lượng carbon được thải, tức tín dụng carbon.
 
Điều này sẽ khuyến khích các công ty đầu tư giảm lượng khí thải và cả những dự án xanh, bởi họ có thể kiếm lời bằng cách bán tín dụng carbon còn dư cho công ty khác.
 
Sân chơi chung
 
Bên cạnh đó, công nghệ xanh cũng đang bùng nổ với tốc độ chóng mặt tại châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lương… Nắm bắt được xu thế này, Nam Phi đã bắt tay triển khai dự án đặc khu kinh tế xanh Atlantis (Green SEZ), cách Cape Town 40 km về phía Tây, nhằm thu hút các dự án công nghệ xanh trong tương lai.
 
Song công nghệ xanh không chỉ là sân chơi của ông lớn, mà còn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà khởi nghiệp ươm mầm sáng tạo, phát huy năng lực và sức trẻ.
 
Abdou Maman Kané là một trong những người như thế. Nhà khởi nghiệp tại Niger này đã thiết kế thành công hệ thống tưới tiêu thông minh, cho phép nông dân đặt lịch tưới tiêu qua smartphone, tiết kiệm năng lượng và nước.
 
Hiện hàng trăm nông trường đang đăng ký sử dụng dịch vụ của anh.
 
Nếu hệ thống tưới tiêu thông minh là chưa đủ thì ThirdEye sẽ là con mắt thứ ba giúp công việc của một bộ phận người dân tại châu Phi trở nên dễ dàng hơn. Sáng kiến do Mỹ tài trợ này đang cung cấp một lượng lớn thiết bị bay không người lái cho nông dân tại Mozambique và Kenya, giúp họ giám sát cây trồng một cách bao quát hơn, qua đó dễ dàng phát hiện dấu hiệu rủi ro như thiếu khoáng chất hay dịch bệnh.
 
Mỏ vàng từ nắng gió
 
Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng lĩnh vực tiềm năng nhất trong tăng trưởng xanh tại châu Phi là năng lượng tái tạo. Với thời tiết thuận lợi, các nước châu Phi hiện có ưu thế cạnh tranh về sản xuất năng lượng từ mặt trời, gió và địa nhiệt.
 
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế (IRENA), năng lượng tái tạo của châu Phi có thể đạt 310 Gigawatt (GW) vào năm 2030, dẫn đầu thế giới.
 
Tổ hợp năng lượng mặt trời Noor ở Morocco hiện là nhà máy sản xuất điện mặt trời lớn nhất thế giới, với công suất 510 Megawatt (MW)/năm và dự kiến đạt sản lượng tối đa 581 MW khi hoàn chỉnh. Hiện Morocco đang có kế hoạch xây dựng thêm 4 tổ hợp điện mặt trời nữa, hướng tới đạt công suất 3 GW/năm trong tương lai.
 
Tuy nhiên, không chỉ những quốc gia có tiềm lực lớn mới có thể xây dựng những siêu dự án như vậy. Với nền kinh tế nhỏ, song Mauritania vừa có bước đi táo bạo khi ký Bản ghi nhớ về xây dựng nhà máy hydrogen xanh với trị giá tới 40 tỷ USD với tập đoàn CWP (Mỹ).
 
Dự án này được kỳ vọng sẽ sử dụng nguồn năng lượng điện mặt trời sẵn có của Mauritania để tạo ra nguyên liệu hydrogen xanh, phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
 
Đáng chú ý, các tấm pin điện mặt trời di động đang đóng vai trò quan trọng trong giúp người dân tiếp cận điện tại các vùng khó khăn ở châu Phi. Những lưới điện siêu nhỏ (micro-grid) hiện đang được sử dụng ngày càng nhiều để tăng khả năng tiếp cận điện cho các vùng nông thôn nghèo tại châu Phi, mà không đòi hỏi hạ tầng kết nối với mạng lưới điện quốc gia,
 
Các nước Đông Phi là trung tâm của thị trường lưới điện siêu nhỏ, do các công ty như M-Kopa, Off-Grid Electric và Mobisol dẫn đầu. Tại Kenya, hơn 30% dân số có kết nối với ít nhất 1 thiết bị điện mặt trời. Thậm chí, nhiều bộ lạc du mục giờ cũng coi tấm pin mặt trời là vật bất ly thân.
 
Nhìn tổng thể, châu Phi đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và với tiềm năng sẵn có, lục địa này có thể thành một trung tâm cho phát triển xanh trên thế giới.
Theo: Báo Quốc tế