Ảnh minh họa.
Đó là các dự án: Trạm biến áp (TBA) 500kV Vân Phong và đấu nối; Đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân và Đường dây 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Với tầm quan trọng này, ngay từ đầu tháng 9/2021 đến nay, CPMB đã triển khai điều hành thường trực tại công trường, tập trung bám sát địa phương, các bộ ngành, Chính phủ về bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) và thủ tục rừng, bám sát Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về lựa chọn nhà thầu, đôn đốc thường xuyên các nhà thầu triển khai thi công và cung cấp vật tư thiết bị.
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Gíam đốc CPMB cho biết, đến tuần đầu của tháng 1/2022, TBA 500kV Vân Phong và đấu nối đã được bàn giao toàn bộ mặt bằng trạm và 37/62 vị trí móng đường dây 220kV đấu nối. HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua thủ tục rừng và CPMB đã nộp tiền trồng rừng thay thế. Đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân cũng đã bàn giao 241 vị trí móng, đạt 79,3%, hành lang tuyến 27 khoảng cột, đạt 8,9%. Chính phủ đã thông qua đối với rừng tự nhiên, HĐND tỉnh đã thông qua đối với rừng trồng và CPMB đã nộp tiền trồng rừng thay thế.
Đến nay, CPMB cũng đã triển khai cơ bản kế hoạch đấu thầu, còn lại gói thầu cung cấp vật tư thiết bị nhất thứ đang hoàn thiện để trình. Đồng thời nhà thầu đang triển khai thi công đồng loạt trên tất cả 9 gói thầu xây lắp TBA và đường dây.
Đánh giá về những thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1, Giám đốc CPMB cho biết, quá trình triển khai Dự án nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lãnh đạo EVN, EVNNPT; sự ủng hộ và giúp đỡ của UBND, các sở ban ngành có liên quan và chính quyền địa phương các cấp có dự án đi qua thuộc hai tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận đã giúp CPMB giải quyết kịp thời các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, đội ngũ các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu xây lắp, nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị có năng lực và kinh nghiệm. Đội ngũ cán bộ tham gia quản lý dự án cũng là những người có năng lực và kinh nghiệm.
Mặc dù vậy, ông Tuyển cho rằng đây là Dự án có quy mô lớn, địa hình khó khăn, phức tạp và triển khai trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chuẩn bị đầu tư, đo đạc giải thửa, lựa chọn nhà thầu. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến giá chào thầu vượt dự toán gói thầu, phải tổ chức đấu thầu nhiều lần. Đặc biệt là việc bồi thường giải phóng mặt bằng, các thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất rừng và triển khai thi công.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án lưới điện phục vụ giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1, CPMB đã thành lập Ban Chỉ đạo do Giám đốc làm Trưởng ban để tập trung đôn đốc, chỉ đạo điều hành theo kế hoạch. Bên cạnh đó, thành lập Ban Điều hành do Phó Giám đốc làm Trưởng ban, đặt tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ban Điều hành chịu trách nhiệm quản lý điều hành cụm dự án đảm bảo các mốc tiến độ theo phê duyệt và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chất lượng theo quy định. Đồng thời xây dựng tổng tiến độ, tiến độ chi tiết và thường xuyên rà soát, kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện các khâu từ giai đoạn: Chuẩn bị xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, quá trình thi công, đến nghiệm thu và đóng điện bàn giao đưa công trình vào vận hành đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Các thành viên Ban Điều hành trực tiếp có mặt tại công trường để phối hợp với đơn vị tư vấn, địa phương và các bộ, ngành để giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục rừng, môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng và thi công công trình. Đặc biệt kịp thời tổng hợp các vướng mắc, đề xuất giải pháp báo cáo Giám đốc Ban Quản lý dự án xem xét chỉ đạo, giải quyết.
Kinh nghiệm từ các dự án trọng điểm trước, tại dự án này, CPMB cũng thành lập 4 Ban Tiền phương đặt tại các huyện, thị của 2 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận; trong đó Trưởng Ban Tiền phương được quyền triệu tập, chủ trì các cuộc họp điều độ trong Ban Tiền phương, các nhà thầu và các đơn vị liên quan để giải quyết các vướng mắc và bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, với quy định: Giai đoạn đầu hàng tuần họp điều độ 1 lần và giai đoạn nước rút, họp hàng ngày.
Đáng chú ý CPMB tập trung điều hành công việc bồi thường giải phóng mặt bằng một cách khoa học và hiệu quả với việc tăng thời gian và bám sát các địa phương để đôn đốc thực hiện giải phóng mặt bằng theo kế hoạch, tiến độ của dự án. Trong đó bám sát chính quyền địa phương các cấp từ đảng ủy, chính quyền để cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đề xuất các biện pháp giải quyết, tiếp cận cùng chính quyền từ cấp xã/huyện để tuyên truyền, vận động, giải thích... cho người dân và tổ chức bị ảnh hưởng.
Đối với việc lập phương án bồi thường, rà soát chế độ, chính sách, theo CPMB ngay từ ban đầu cần phải tính đúng, tính đủ theo đúng các quy định của Chính phủ và địa phương, đảm bảo quyền lợi hài hòa của các bên, tránh xảy ra khiếu kiện phải kiểm tra lại nhiều lần. Trong mỗi đợt giải phóng mặt bằng, phải thực hiện dứt điểm từng vị trí móng cột, từng khoảng cột, từng địa phương; Tăng cường nhân lực đẩy nhanh việc lập phương án bồi thường theo kế hoạch thi công của từng nhà thầu.
Thủ tục kê kiểm, áp giá, niêm yết…sẽ được triển khai đúng trình tự quy định ngay từ đầu. Trong những trường hợp cụ thể cần hỗ trợ lực lượng thi công hoặc cưỡng chế thì đã có đủ hồ sơ, rút ngắn được thời gian. CPMB cũng chủ động theo dõi chỉ đạo, hỗ trợ cho các nhà thầu trong việc bồi thường phục vụ thi công và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế trên tuyến. Phối hợp với tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công để xử lý những vị trí móng đặt chưa phù hợp như đặt trên đường đi, mương thoát nước… hoặc khó khăn về bồi thường.
“Trong quá trình triển khai, chúng tôi có đánh giá chính xác các việc làm được, chưa làm được, nguyên nhân cụ thể và các bên cùng bàn bạc để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất, với mục tiêu thi công công trình đúng tiến độ”, Giám đốc Nguyễn Đức Tuyển nói.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là CPMB còn thường xuyên báo cáo kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho EVNNPT để có sự chỉ đạo và hỗ trợ giải quyết với lãnh đạo UBND các tỉnh. Một số trường hợp đặc biệt, CPMB báo cáo EVNNPT để đề xuất EVN báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ có công điện/văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, CPMB đàm phán với các nhà thầu để rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu, đảm bảo tiến độ hoàn hoàn thành để nhận điện thử nghiệm và truyền tải công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1.
Các nhà thầu xác định ngay từ khi bàn giao tuyến những vị trí móng thi công khó khăn có khả năng kéo dài thời gian hoàn thành như: Các vị trí móng đá, các vị trí núi cao, đường vận chuyển khó, các vị trí ao tôm, các vị trí móng khối lượng lớn... để ưu tiên tập trung lực lượng, xây dựng phương án triển khai ngay từ giai đoạn đầu của từng gói thầu.
Với các vị trí có thể mở đường vận chuyển qua rừng trong điều kiện cho phép, nhà thầu xây lắp khảo sát xây dựng ngay phương án đường tạm và liên hệ với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương xin thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng (hoặc trồng rừng thay thế) song song với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Chủ đầu tư.
Đặc biệt, phòng chống dịch bệnh COVID-19 của các địa phương thời gian qua trên địa bàn thực hiện dự án ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công, CPMB đã chủ động phối hợp với các nhà thầu xây dựng chi tiết phương án tổ chức thi công, các lực lượng tham gia dự án ngay từ đầu phải lập phương án phòng chống dịch bệnh kèm danh sách nhân sự thực hiện. CPMB còn tổng hợp đăng ký với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các tỉnh, huyện tạo điều kiện phối hợp theo hình thức phương án 3 tại chỗ hoặc một cung đường 2 điểm đến.
Bài cuối: Mục tiêu đóng điện vào ngày 25/12/2022