Tây Ninh: Phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án truyền tải đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh

Thứ bảy, 4/5/2024 | 15:02 GMT+7
Ngày 03/5/2024, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành 2 quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Dự án Trạm biến áp 500kV Tây Ninh 1 và đường dây đấu nối; Dự án đường dây 220kV TBA 500kV Tây Ninh 1 – Phước Đông.

Phối cảnh Trạm biến áp 500kV Tây Ninh 1.

Đây là tỉnh thứ 2 tại khu vực miền Nam phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án truyền tải điện (trước đó là tỉnh Đồng Nai).

Mục tiêu của 2 dự án truyền tải nhằm đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Tây Ninh nói riêng (đặc biệt là phụ tải Khu công nghiệp Phước Đông và phụ tải huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) và các tỉnh, thành phố lân cận (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương). Đồng thời giảm tải cho các máy biến áp 500/220kV tại các trạm biến áp 500kV Củ Chi, Cầu Bông, Đức Hòa, Chơn Thành hiện hữu/đang xây dựng và các đường dây 220kV hiện hữu trong khu vực; Tăng cường cung cấp điện cho các Trạm biến áp 220kV Trảng Bàng, Tây Ninh, Tây Ninh 2 hiện hữu và Trạm biến áp 220 kV Phước Đông dự kiến xây dựng mới, góp phần đảm bảo tiêu chí N-1, tăng cường ổn định hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy, giảm tổn thất điện năng, an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia và giải tỏa công suất nhà máy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên (thông qua trục đường dây 500kV Dung Quất - Bình Định - Krông Buk - Tây Ninh 1), nhà máy điện năng lượng tái tạo tại tỉnh Tây Ninh và các tỉnh lân cận. 

Tại Quyết định 869/QĐ-UBND (ngày 3/5/2024), UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thực hiện Dự án Trạm biến áp 500 kV Tây Ninh 1 và đường dây đấu nối. 

Dự án có công suất thiết kế: 1.800MVA với vốn đầu tư hơn 2.013 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án: 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được cấp quyết định cho thuê đất.

TBA 500 kV Tây Ninh 1 được xây dựng tại xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Đường dây 500kV đấu nối đi qua địa phận thuộc xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Đường dây 220 kV đấu nối đi qua địa phận các xã Đôn Thuận, phường Lộc Hưng, phường Gia Lộc thuộc thị xã Trảng Bàng và xã Phước Đông thuộc huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Dự án dự kiến khởi công trong quý 1/2025 và hoàn thành đóng điện quý 4/2026.

Tại Quyết định 870/QĐ-UBND (ngày 3/5/2024), UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện Dự án đường dây 220kV TBA 500 kV Tây Ninh 1 – Phước Đông.

Quy mô dự án với chiều dài khoảng 4,4 km, tổng mức đầu tư hơn 132 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án: 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được cấp quyết định cho thuê đất. Địa điểm thực hiện dự án: xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Dự án dự kiến hoàn thành quý 4/2026.

UBND tỉnh Tây Ninh giao sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 33 Luật Đầu tư 2020. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, UBND thị xã Trảng Bàng, UBND huyện Gò Dầu chịu trách nhiệm thẩm định dự án theo chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 6 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021. 

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư Dự án, hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

Liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện thủ tục ký quỹ theo quy định. Liên hệ với các cơ quan, đơn vị liên quan để được hướng dẫn và thực hiện các thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường và các thủ tục khác có liên quan theo đúng quy định và quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành điện khi triển khai xây dựng và đưa dự án vào hoạt động. Chỉ được triển khai thực hiện dự án sau khi hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đảm bảo huy động vốn đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH 13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Thực hiện dự án theo đúng nội dung đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và quy định của pháp luật có liên quan; các nghĩa vụ khác của nhà đầu tư đối với dự án theo quy định của pháp luật. 

Lê Linh