Vì thế, hàng nghìn lao động thuộc các đơn vị đầu tư xây dựng, nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát… đang tăng cường nhân lực, vật lực, làm việc xuyên lễ, xuyên đêm trên công trường.
Thời gian thi công ngắn đúng là chưa từng có tiền lệ đối với một tuyến đường dây siêu cao áp 500kV ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia sử dụng cấp điện áp này. Kỹ sư Ứng Vũ Thanh - đại diện nhà thầu Sông Đà 5, Chỉ huy trưởng Gói thầu số 13 thuộc tuyến đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu cho biết, mặc dù đã chủ động rất kỹ càng các phương án, từ nghiên cứu đặc điểm địa hình, cung đường, đến khí hậu… để xây dựng, tính toán cả những tình huống khó khăn nhất có thể xảy ra; Song, dù là tuyến đường dây đi qua khu vực đồng bằng, lên núi, hay xuyên rừng, vượt sông thì mỗi gói thầu, mỗi vị trí móng cột đều có những bất ngờ không thể lường hết được.
Thi công tuyến 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Chỉ huy trưởng (gói thầu số 16 và 17) Đỗ Đình Hợp - Công ty cổ phần thương mại công nghiệp Thăng Long cho biết thực tế, nếu gặp mưa gió thì địa hình đồi núi như này là đường sá trơn trượt,máy móc, phương tiện đi lại rất khó khăn. Nhưng ngược lại đối với những vị trí ở dưới đồng ruộng thì mưa lại bị sình lầy, vận chuyển máy móc, vật tư thiết bị ra công trường cũng rất khó.
Cũng trên tuyến 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hoá, kỹ sư Lưu Ngọc Luận - Phó trưởng ban Ban điều hành dự án 500kV mạch 3 của nhà thầu Alphanam E&C chia sẻ thực tế vị trí 36 của gói thầu tại địa bàn xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, "gói thầu này 10 móng hầu như là đá hết, đá cấp 2, cấp 1, đã xanh, rất là cứng nên máy khoan, máy đục rất lâu, rung. Khu vực này có liên quan đến rừng nên không được phép nổ mìn mà trong biện pháp thi công của gói thầu là dùng búa căn phá đá. Chúng tôi cũng rất khó khăn về công tác thi công. Tuy nhiên, theo tinh thần của Chính phủ Alphanam E&C sẽ cố gắng hết sức làm ngày làm đêm, tăng ca để đạt tiến độ theo yêu cầu đề ra".
Nơi thì địa hình núi cao và dốc, đường lên xuống nhỏ, hẹp; nơi khí hậu mưa nắng bất thường. Vì vậy, để có thể đáp ứng cao nhất tiến độ của công trình là hoàn thành xong việc đào, đúc móng cột trước 30/4 để đầu tháng 5 chuyển sang giai đoạn dựng cột, kéo dây, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư đã phải làm việc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm việc 3 ca, 4 kíp”, và dịp nghỉ lễ 30/4 & 01/5 này cũng là “xuyên lễ, xuyên đêm”.
Những ngày tháng tư nóng như lửa, màn đêm đã buông xuống từ lâu mà ngay phía chân dãy núi Hoành Sơn, hàng chục kỹ sư, công nhân vẫn đang hăng say tăng tốc dưới ánh sáng rọi từ những chiếc máy đào, máy cẩu, máy xúc và đèn điện máy nổ, tiếng máy trộn bê tông… tất cả đang quyết tâm đưa vị trí số 2A - tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, thuộc cung đoạn 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu bám sát tiến độ.
Kỹ sư Hà Văn Sơn - PGĐ Công ty TNHH MTV xây lắp điện 4 cho biết, vị trí này có khối lượng san gạt lớn, địa hình có độ dốc cao, gần như 100% là đá, nhưng lại gần khu dân cư. Để không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt của người dân địa phương nên công trường chỉ được làm đến 23h đêm để đảm bảo giấc ngủ cho bà con và bắt đầu trở lại công việc từ 3h sáng. Những vị trí còn lại của 6 gói thầu (từ số 8-12 và 31-32) thuộc cung đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu, nơi nào làm được 24/24 thì đơn vị bố trí lực lượng tranh thủ tối đa thời gian có được.
Kỹ sư Hà Văn Sơn, chia sẻ: "Riêng vị trí 2A này có những thời điểm có 5 máy đào, xúc và phá đá cũng như thiết bị khoan đá vào triển khai thi công. Nhân lực thường xuyên từ 25 đến 30 cán bộ, công nhân viên triển khai thi công. Các công trình thuộc gói thầu xây lắp 4 nói chung thì luôn tích cực triển khai, đặc biệt là cụm đấu nối này được triển khai thực hiện thi công tăng ca vào ban đêm. Trên tất cả các gói thầu xây lắp điện 4 tham gia thi công cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu thì đến thời điểm này đang giám sát tiến độ của chủ đầu tư yêu cầu".
Thế nhưng, khó khăn lớn nhất, cũng là “đường găng” quan trọng nhất cần gỡ của cả 4 dự án trên tuyến đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) lúc này lại chính là vật tư, thiết bị, là cột thép, xà, sứ cách điện… có được cung cấp đúng tiến độ hay không. Gần 520km toàn tuyến đường dây có 1.177 cột điện, tương ứng khoảng 139 nghìn tấn thép các loại, trong đó tỷ lệ nhập khẩu khoảng 17%, còn lại là từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước (sản xuất trong nước 965 cột, nhập khẩu 212 cột).
Sức ép tiến độ khiến cho tất cả các đơn vị từ tư vấn thiết kế, giám sát, thi công trên công trường phải tăng cường nhân lực làm việc xuyên lễ, xuyên đêm. Các đơn vị cung cấp thiết bị cho dự án cũng vậy.
Theo kế hoạch, để đảm bảo tiến độ thi công kéo dây sau khi hoàn thành việc đúc móng cột thì toàn bộ vật tư, thiết bị phải hoàn thành trước ngày 20/5. Được biết, thiết bị nhập khẩu từ Nga đã được chuyển từ nhà máy xuống cảng biển trên đường về nước từ 22/4, với dự kiến hải trình 25 ngày. Nguy cơ chậm tiến độ ở một số gói thầu cung cấp thiết bị trong nước. Vì thế, các cuộc kiểm tra, đôn đốc từ Chính phủ, các bộ, ngành và chủ đầu tư đã diễn ra liên tục trong thời gian gần đây.
Báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi kiểm tra, khảo sát tại một số đơn vị thi công các hạng mục về cột và cung ứng vật tư, thiết bị cho Dự án đường dây 500 kV mạch 3 ngày 25/4 vừa qua, ông Nguyễn Minh Đệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế tạo cột thép Đông Anh (Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi đã đầu tư thêm thiết bị nhà xưởng, có chính sách động viên anh em. Chúng tôi đang làm việc với hải quan, ngân hàng liên quan đến các thủ tục về thuế và thông quan vì trong những ngày nghỉ lễ công ty vẫn phải nhận hàng. Ý thức được đây dự án trọng điểm quốc gia nên chúng tôi động viên toàn thể cán bộ nhân viên, bằng mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu dự án trọng điểm này".
Chỉ huy trưởng gói thầu xây lắp số 42 của Liên doanh nhà thầu V.Tech và Fecon Phạm Tuấn Hiệp cho biết, đơn vị vừa tham gia thi công các vị trí cột, vừa cung cấp vật tư, thiết bị cột thép của tuyến đường dây 500kV mạch 3 này. Đến 30/4 V.Tech và Fecon hoàn thành bàn giao toàn bộ thiết bị cho 6 gói thầu của dự án 500kV Thanh Hoá - Nam Định, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các đơn vị bạn khi cần thiết để cùng nhau về đích thành công.
"Theo tiến độ về cung cấp vật tư liệu thì chắc khoảng 15/5 thì bắt đầu triển khai kéo dây và hoàn thành trước 20/6 theo yêu cầu của chủ đầu tư để đóng điện. Sau khi hoàn thành, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị bạn để làm sao cho toàn tuyến hoàn thành đúng tiến độ".
Những khó khăn vốn nan giải nhất khi triển khai các dự án đường dây truyền tải điện quốc gia là giải phóng mặt bằng đã được vượt qua ở tuyến đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền 9 địa phương có tuyến đường dây cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả các đơn vị liên quan đang giữ nhịp tiến độ công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Khi đại bộ phận người dân cả nước được nghỉ lễ dịp 30/4 & 01/5 thì vẫn có hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, người lao động bám trụ xuyên đêm trên các công trường, phấn đấu đưa công trình về đích sau 6 tháng thi công, không chỉ kịp thời cung cấp hơn 2.000MW điện cho miền Bắc mùa khô này, mà sẽ là kỳ tích, là kỷ lục mới của ngành điện Việt Nam, nếu đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối vào vận hành đúng tiến độ!