Thông tin đầu tư

Tây Ninh thêm 2 dự án điện mặt trời tổng công suất 225MW

Chủ nhật, 13/2/2022 | 13:01 GMT+7
Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 5.1 và Dầu Tiếng 5.2 có tổng công suất 225 MW, dự kiến hoàn thành vào quý II/2023.
 
Lãnh đạo UNND tỉnh Tây Ninh trao quyết định chủ trương đầu tư cho Nhà máy điện mặt trời Dầu tiếng 5.1 và Dầu Tiếng 5.2. Ảnh: Xuân Cầu
 
Lễ trao quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 5.1 và Dầu Tiếng 5.2 vừa diễn ra tại trụ sở UBND tỉnh Tây Ninh. Nhà đầu tư cả 2 dự án là Công ty TNHH Xuân Cầu.
 
Ông Dương Văn Thắng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại buổi lễ với mong muốn nhà đầu tư nỗ lực thực hiện đúng tiến độ, triển khai dự án đạt hiệu quả cao. Ông cũng nhấn mạnh doanh nghiệp cần chấp hành các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ hồ chứa và bảo đảm chất lượng môi trường nước.
 
Về phía Công ty Xuân Cầu, ông Tô Dũng thể hiện sự kỳ vọng vào hai dự án lớn này. "Với kinh nghiệm triển khai thành công cụm nhà máy điện mặt trời DT1-2-3 đã khánh thành và chính thức hoà điện lưới quốc gia từ tháng 6/2019, chủ đầu tư cam kết hoàn thành hai dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 5.1 và Dầu Tiếng 5.2, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Tây Ninh", ông Dũng nhấn mạnh.
 
Hai dự án nhà máy sản xuất điện mặt trời Dầu Tiếng 5.1 và Dầu tiếng 5.2 có công suất thiết kế 225 MW mỗi dự án, được xây dựng trên diện tích 322,5 ha tại vùng đất bán ngập hồ Dầu Tiếng, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Vốn đầu tư mỗi dự án khoảng 3.564 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ được hoàn thành vào tháng 4/2023.
 
Trên phạm vi toàn tỉnh, Tây Ninh có khoảng 10 dự án nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế là 808 MW. Trong đó có 3 nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2, 3 thuộc dự án điện mặt trời tại hồ Dầu Tiếng, công suất 2.000 MW, đã đóng điện vận hành với tổng công suất 500 MW.
 
Tỉnh Tây Ninh cũng luôn đề cao việc phát triển năng lượng tái tạo và coi đây như là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, góp phần bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
 
Theo: VnExpress