Tết không nghỉ của những "người giữ ánh sáng"
Đồng hồ chạy dần về 0h, tiếng tivi văng vẳng thông báo: "Chỉ còn vài phút nữa là đến thời khắc giao thừa ý nghĩa nhất mà tất cả chúng ta đang mong chờ. Chúc quý vị có một năm mới ấm áp bên gia đình".
Ngoài đường phố, hàng nghìn người đang trông đợi màn pháo hoa chào năm mới. Bên trong mỗi căn nhà sáng đèn, hàng triệu người đã quây quần bên mâm cơm bày sẵn, cùng thắp hương cúng ông bà, cùng chờ đợi thời khắc giao thừa.
Thế nhưng, tại văn phòng của Đội vận hành lưới điện thuộc Công ty Điện lực Sài Gòn - Tổng công ty Điện lực TPHCM (đường Võ Văn Tần, quận 3, TPHCM), khung cảnh đêm giao thừa trái ngược hoàn toàn. Những công nhân, tổ vận hành lưới điện vẫn "nín thở", căng mắt bên bàn làm việc, "dán" vào màn hình điện tử chi chít những đường liên kết như mạch máu người.
Kể cả những ngày lễ, Tết, họ vẫn chấp nhận hi sinh thời gian dành cho gia đình, cho bản thân để túc trực bên bàn điều khiển, để giữ nguồn sáng an toàn cho người dân. Và khi có sự cố lưới điện thì họ nhanh chóng tiếp cận hiện trường và sẳn sàng thao tác xử lý nhanh nhất cho người dân có điện.
Giao thừa nghe tiếng pháo hoa, chỉ kịp nhoẻn miệng cười.
Đồng hồ điểm thời khắc giao thừa.
Ôm chiếc điện thoại trên bàn, anh Nguyễn Quang Huy (SN 1985, quê tại tỉnh Thái Bình) loáng thoáng nghe tiếng pháo hoa đang bắn cách văn phòng khoảng 2km.
Lúc ấy, anh chỉ kịp nhoẻn miệng cười, nghĩ thầm trong lòng "năm mới đã đến".
Suy nghĩ lập tức trở lại với màn hình điện tử, anh bao quát khắp lượt, nheo mắt tập trung vào những khu vực dễ xảy ra cháy, nổ nhất trên địa bàn thành phố. Cả nhóm trực 9 người cùng im lặng, chờ sự điều phối từ Huy.
"Đêm giao thừa là lúc chúng tôi cần tập trung cao độ nhất, vì có rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra cùng lúc, đặc biệt là hoạt động bắn pháo hoa. Thời khắc ấy, tất cả mọi người trong văn phòng đều phải nhanh tay, nhanh mắt để nếu có sự cố, phải lập tức phải đóng ngắt điện từ xa để đảm bảo an toàn với người dân", anh Huy nói.
Rạng sáng mùng 1 Tết, khi các hoạt động vui chơi, đón giao thừa kết thúc cả nhóm trực mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Sau một đêm căng thẳng, yêu cầu sự tập trung cao độ, Huy và đồng đội mới bắt đầu gọi điện về nhà, chúc Tết gia đình.
Công việc bận rộn, anh Huy phải luôn túc trực bên chiếc điện thoại và màn hình điện tử, hệ thống điều khiển lưới điện từ xa (Ảnh: An Huy).
Anh Huy công tác tại Công ty Điện lực Sài Gòn từ năm 2007 và đang được đào tạo để trở thành Phó trưởng ca vận hành lưới điện. Tết Giáp Thìn 2024 là năm thứ 6 anh đón Tết xa nhà.
"Chúng tôi chỉ thực sự đón Tết sau khi người dân đã nghỉ Tết xong", anh Huy cười xòa.
Thế nhưng, thực tế, kể cả khi đã hết ca, trở về nhà, những cán bộ, công nhân điện lực như anh vẫn phải mở điện thoại 24/24, sẵn sàng đi ngay khi được điều động.
Nhớ về những năm đầu phải xa gia đình vào dịp quan trọng nhất năm, anh Huy vẫn bùi ngùi.
"Lúc mới "nếm" thử cảm giác ấy, chưa quen, tôi thấy tủi thân, nhớ nhà lắm. Nhưng rồi cùng với sự động viên, chia sẻ của đồng nghiệp, tôi đã dần thích nghi và giữ tâm thế bình thản mỗi dịp quan trọng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình", anh bộc bạch.
Anh Trần Khanh Dũng (SN 1976, quê tại tỉnh Bình Định), Tổ trưởng vận hành 3 - Công ty Điện lực Sài Gòn, cũng lật đật gọi về cho vợ, con đang trông ngóng nơi quê nhà. Anh Dũng bộc bạch, không chỉ có một mình anh mà gia đình cũng phải hi sinh.
Tết mọi năm, anh Dũng đều cùng đồng nghiệp đón Tết tại văn phòng. Sáng mùng 1 Tết, anh em tặng nhau những câu chúc năm mới, chia từng miếng bánh chưng rồi lại lật đật trở lại bàn làm việc thường nhật.
Túc trực, ôm điện thoại xuyên giao thừa là công việc tất yếu của nhân viên điện lực (Ảnh: An Huy).
Anh Dũng kể trước khi lấy vợ đã phải cảnh báo trước cho người bạn đời về đặc thù công việc của bản thân. Anh cười trừ, ngại ngùng chia sẻ, số lần đi du lịch có đầy đủ thành viên trong gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"May mắn là vợ và gia đình tôi đều rất thông cảm. Mọi việc ở nhà, cả hai bên nội, ngoại, tôi đều an tâm nhờ một tay vợ sắp xếp. Bản thân thấy có lỗi lắm, nhưng chọn nghề này rồi, chúng tôi phải chấp nhận. Làm nghề này khó kết hôn lắm, mà nếu đã kết hôn rồi thì đủ hiểu hậu phương phải vững chắc thế nào", anh Dũng chia sẻ.
Sai một bước chân, đến gần thần chết
"Nhảy đi, không thì chết!", anh Huy hét lên. Nơi anh đang đứng, mảng đất phía trước đã sập xuống. Anh Huy chỉ kịp nắm tay đồng nghiệp, kéo nhau nhảy qua hố sâu ấy, ngã sõng soài trên nền đất.
Liền sau cú nhảy là một tiếng nổ lớn khiến ai nấy đều thót tim. Một ngọn lửa trùm lên, táp về hướng anh Huy và đồng nghiệp vừa chạy thoát, như muốn nuốt trọn cả nhóm.
"May quá, sống rồi", anh Huy thở phào, thất kinh nhìn cảnh tượng sau lưng.
Nam công nhân điện lực chia sẻ, đó là lần thoát chết thần kỳ nhất của anh, trong một vụ tai nạn khi tái lập điện cho cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố. Sự cố xảy ra ít năm trước.
Theo anh Huy, với nghề điện, chỉ sơ sẩy một bước chân cũng có thể đẩy người thợ đến bên thần chết. Rất nhiều rủi ro như giẫm phải dây diện rò rỉ hay bước trên phần mái nhà không chắc chắn, người thợ đối diện nguy cơ mất mạng ngay lập tức.
Nam công nhân bộc bạch, hơn 17 năm làm nghề, những lần thoát khỏi tay thần chết không ít nhưng lại càng khiến anh và đồng đội "mê" nghề một cách khó hiểu. Qua mỗi lần "thi gan, thử lửa", anh đã trưởng thành nhanh, tâm thế, quan niệm về cuộc sống cũng thay đổi.
Năm 2006, anh Huy tốt nghiệp đại học và bắt đầu những bước chập chững vào nghề. Ngày biết anh theo công việc nguy hiểm, gia đình ai cũng lo lắng nhưng anh Huy luôn cố nói át đi, thuyết phục và trấn an người thân.
Với quy trình làm việc "3 ca, 4 kíp", anh Huy và thành viên của đội điều hành sẽ túc trực ở phòng điều hành, các công nhân còn lại sẽ chờ hiệu lệnh xuất phát ra hiện trường. Tuy nhiên, vào các dịp cao điểm như mùa khô và lễ, Tết, chính bản thân anh Huy cũng phải đích thân ra hiện trường để tiếp cận, xử lý.
Vào những lúc cao điểm, cứ cách 20 phút, anh Huy lại nhận được thông tin từ Trung tâm CSKH gửi đến phản ánh từ người dân. Những bức xúc đổ dồn về phía người nghe máy, anh luôn phải giữ bình tĩnh và nhẫn nại để giải thích cho người khiếu nại.
"Khi nhận phản ánh, tôi phải xác định ngay lập tức một vị trí trong số các trạm trung gian, trạm ngách và 70 tuyến, 137 tủ Attila thao tác từ xa, để điều động kịp thời công nhân trực tiếp cận hiện trường", anh Huy cho hay.
Công việc bận rộn, thời gian trở về quê thăm nhà cũng ít dần. Nói đến đây, người công nhân chợt nghẹn ngào khi kể lại khoảnh khắc mà anh đau lòng nhất, chính là hay tin bà nội mất qua chiếc điện thoại di động.
"Lúc đó đang làm việc hăng say, cả phòng ai nấy cũng tập trung. Tôi xin ra ngoài nghe điện thoại vì thấy ở nhà gọi liên tục. Nghe tin bà mất, tim tôi như hẫng một nhịp, đầu óc cũng trống rỗng nhưng phải vờ như không có chuyện gì để quay lại ca trực", anh Huy nhớ lại, rưng rưng.
Kết thúc ca làm việc, anh Huy mới thều thào thông báo với đồng đội. Cả nhóm nghe tin ai nấy đều sững người, vội an ủi anh. Cấp trên cũng cho phép anh nghỉ phép đột xuất để kịp lên chuyến bay về Thái Bình ngay trong đêm.
Niềm hạnh phúc của người giữ nguồn sáng
Càng dấn thân vào nghề, anh Huy càng nhận thức được mức độ quan trọng của công việc. Song, đối với anh Huy, khoảnh khắc được cheo leo trên cột điện trung thế hàng chục mét hay lần ngắt điện kịp thời, cứu sống người dân là những điều đã níu chân anh ở lại với nghề đến bây giờ.
Theo anh Huy, có 4 quy tắc vàng mà người thợ phải luôn ghi nhớ. Trong đó, ý niệm quan trọng nhất chính là "điện không thân thiện với ai và bất cứ thứ gì cũng có thể mang điện".
Vì vậy, người công nhân điện lực luôn xác định nhiệm vụ lớn lao nhất chính là bảo vệ sự an toàn của người dân và bản thân mình.
Theo nghề từ năm 1989, anh Khanh Dũng đã quen với việc túc trực ở văn phòng xuyên lễ, Tết. Nhưng đối với anh, sự "hi sinh" ấy là xứng đáng để đổi lấy sự yên bình cho người dân ở thành phố.
"Ai cũng có một công việc để đam mê và cống hiến hết mình vì nó. Đối với chúng tôi, ngày hạnh phúc nhất chính là ngày có ít cuộc gọi phản ánh nhất. Bởi khi đó, chính là lúc người dân được sống trong an toàn, không gặp bất kỳ sự cố nào về điện", anh Dũng cười, nói.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho người dân sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán, EVNHCMC sẽ không thực hiện các công tác trên lưới có cắt điện, tránh làm mất điện khách hàng bắt đầu từ 0h ngày 8/2 (29 tháng Chạp) đến hết ngày 14/2 (mùng 5 Tết).
Đơn vị cũng đã lập phương án đảm bảo an toàn cung cấp điện các ngày lễ Tết Nguyên đán; kiểm tra, xử lý kịp thời các khiếm khuyết trên lưới điện; chủ động phối hợp chính quyền địa phương tăng cường biện pháp an ninh bảo vệ công trình điện.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn và ông Đỗ Vũ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn thăm hỏi kíp trực giữ điện ưu tiên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Ảnh: EVN HCMC).
Đặc biệt, đơn vị cũng tuyên truyền, ngăn ngừa và xử lý các hành vi người dân bắn pháo giấy tráng kim loại, ném các vật liên quan lên đường dây điện. Ngoài ra, EVNHCMC cũng lập lịch trực vận hành, sửa chữa điện 24/24 từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết; bố trí đầy đủ vật tư, máy phát điện dự phòng nếu có sự cố xảy ra.
Dịp này, Tổng công ty Điện lực TPHCM cũng khuyến cáo người dân tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy, không bắn pháo hoa và các loại pháo liên quan đến gần hoặc lên đường dây điện.
Dây điện sử dụng trong gia đình phải phù hợp khả năng tải điện. Mỗi hộ cần có aptomat để bảo vệ. Người dân không câu điện tùy tiện, khi nối phải đảm bảo kỹ thuật.
Ngoài ra, người dân cần tắt các thiết bị điện không sử dụng; đặt thiết bị điện xa các đồ dùng dễ cháy; không tự ý sửa điện khi không có chuyên môn; không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào một ổ cắm tránh quá tải…
Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết trong năm qua, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí, huy động tối đa nguồn lực để hoàn thành vượt kế hoạch năm 2023 với nhiều kết quả.
Cụ thể, đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, ổn định cho thành phố vượt qua khó khăn trong mùa khô 2023. Công ty đã kịp thời tham mưu cho Thành ủy, UBND TPHCM ban hành chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện, góp phần tăng trưởng GDP của thành phố hơn 6%. Sản lượng điện thương phẩm đạt 28,56 tỷ kWh (tăng 5,15% so với 2022) và đạt 102,88% kế hoạch được giao.
EVNHCMC cũng hoàn thành lắp đặt 100% điện kế có chức năng đo đếm từ xa, nâng cao công tác kinh doanh, phục vụ khách hàng và đem lại nhiều tiện lợi cho người dân thành phố. Thời gian mất điện trung bình của một khách hàng trong năm giảm còn 15,2 phút.
|
Link gốc