Tin trong nước

Thách thức trong vận hành lưới điện cao áp ở Hà Nội

Thứ hai, 8/12/2014 | 15:16 GMT+7
Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội (Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội - EVN HANOI) đang quản lý hơn 800 km đường dây (ĐD) và 33 trạm biến áp 110kV với tổng số 69 máy biến áp. Việc bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định và liên tục cho Thủ đô là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, do vậy, lưới điện Hà Nội được ưu tiên đầu tư, nâng cấp, chất lượng lưới điện đã được cải thiện rõ rệt, cơ bản giải quyết được vấn đề quá tải. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay chính là tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) đang diễn biến hết sức phức tạp.


Công nhân Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội bảo dưỡng thiết bị trạm biến áp 110 kV

Cứ ngỡ việc bảo đảm an toàn lưới điện cao áp Hà Nội thì "nhàn" hơn các ĐD truyền tải ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nhưng thực tế không phải vậy. Các tuyến ĐD và trạm biến áp (TBA) 110kV nằm rải rác khắp Hà Nội. Lực lượng mỏng của Công ty phải "căng" ra 29 quận, huyện. Chưa kể, năm 2015, Công ty sẽ tiếp nhận vận hành các TBA 220 kV Tây Hồ, TBA 110kV Mỗ Lao và Nội Bài. Trong khi đó, tình hình vi phạm HLATLĐCA từ đầu năm đến nay tại Hà Nội diễn biến rất phức tạp. Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa mạnh, việc xây dựng, cải tạo, cơi nới thường diễn ra trong thời gian ngắn, quy mô nhỏ, các chủ công trình thường tự thực hiện, không thông báo, xin cấp phép. Mặt khác, việc kiểm tra hiện trường hành lang lưới điện trong nội đô đối với các công trình này cũng rất khó khăn. Các công trình, dự án, các khu quy hoạch đô thị liên tục được triển khai trên quy mô rộng lớn, một phần do các chủ đầu tư, nhà thầu tự ý thi công không phối hợp, hợp tác với Công ty. Các sự cố lưới điện 110kV chủ yếu xảy ra do hoạt động xây dựng, san lấp mặt bằng; chặt cây; xe cẩu phục vụ thi công; cơ quan doanh nghiệp viễn thông kéo rải cáp thông tin trong HLATLĐCA, vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện 110kV gây sự cố mất điện trên diện rộng.

Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội Phạm Đại Nghĩa cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có chín trường hợp vi phạm HLATLĐ các loại, trong đó hầu hết là các vụ xe cẩu va vào ĐD khi thi công, điển hình là công trường đường nối cầu Nhật Tân với đường An Dương Vương. Với đường điện 110kV, chỉ cần cần cẩu "lia" đến gần 2 m là có thể gây phóng điện, các đầu trạm, mạch cắt hoạt động, ảnh hưởng cấp điện. Những ngày mưa bão, có dông, lốc, sét... cũng khiến anh em vận hành lo "sốt vó". Cơn lốc "khủng" mùa hè vừa qua ở Hà Nội đã cuốn nhiều rác, vật liệu bay vào ĐD gây chập điện, làm đổ cây vào các ĐD, gây mất điện ở nhiều khu vực nội thành. Chưa kể, nhiều nhà dân xây cao tầng gần chạm ngưỡng, thậm chí vượt quá khoảng cách an toàn đối với ĐD 110kV, bất chấp an toàn tính mạng.

Để bảo đảm lưới điện cao áp Hà Nội vận hành an toàn, Công ty phải kiểm tra ĐD, thiết bị TBA thường xuyên hơn; tuần tra nhằm kịp thời ngăn chặn các nguy cơ vi phạm HLATLĐ. Hằng năm, Công ty phát hàng chục nghìn tờ rơi an toàn điện đến từng hộ dân sinh sống trong và gần HLATLĐ; gắn biển cảnh báo an toàn cung cấp thông tin cần thiết tại các chân cột điện 110 kV để người dân biết và cung cấp kịp thời cho Công ty; dán biển cảnh báo an toàn tại các công trình vi phạm khoảng cách tồn tại trên lưới điện 110kV nhằm nhắc nhở, cảnh báo chủ hộ phải luôn bảo đảm khoảng cách an toàn. Đối với các công trường, Công ty thường xuyên gửi văn bản, lập biên bản hiện trường nhắc nhở an toàn điện trong thi công đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công, dán biển cảnh báo tại các phương tiện (ô-tô, xe cẩu) thi công trong, gần HLATLĐCA ở vị trí người điều khiển nhìn rõ, dựng biển cảnh báo an toàn trên đường ra vào nhằm nhắc nhở người điều khiển phương tiện và thường xuyên phối hợp 138 phường, xã, các ban quản lý nhà chung cư nơi có ĐD và TBA 110kV đi qua tuyên truyền bằng loa phát thanh, bảng tin...

Thời gian gần đây, Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội không để phát sinh vi phạm mới, đồng thời năm 2014 xử lý giảm được 34 công trình vi phạm khoảng cách trong HLATLĐCA, vượt chỉ tiêu của thành phố giao. Hiện nay, lưới điện 110kV Hà Nội còn tồn tại 66 công trình nhà ở vi phạm. Trong năm tới, Công ty tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng xử lý theo đúng quy định hiện hành. Đối với các tuyến ĐD vận hành lâu năm, độ võng lớn, Công ty đã có phương án nâng cao trình để bảo đảm an toàn. Hiện, Công ty là thành viên Ban Chỉ đạo xử lý vi phạm HLATLĐCA của các quận, huyện; thường xuyên được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền địa phương, cho nên công tác xử lý vi phạm đạt nhiều kết quả tích cực. Công ty cũng thường xuyên phối hợp Sở Công thương Hà Nội, phòng An ninh kinh tế Công an TP Hà Nội, các ban chỉ đạo, các đơn vị thuộc EVN HANOI tổ chức kiểm tra hiện trường nhắc nhở chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong và gần HLATLĐCA, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Điển hình là xử lý dứt điểm 23 trường hợp dọc đường Phan Trọng Tuệ vi phạm HLATLĐ tại khoảng cột 53-58 của tuyến ĐD 177, 178E4-E3 (Hà Đông - Mai Động) thuộc xã Tam Hiệp, Vĩnh Quỳnh.

Phối hợp Ban chỉ đạo quận Bắc Từ Liêm tháo dỡ toàn bộ 52 công trình trên hè đường Văn Tiến Dũng trong HLATLĐ tại khoảng cột 27-30 tuyến ĐD 171, 172 E6-E4 (Chèm - Hà Đông) thuộc địa bàn xã Phúc Diễn... Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn lưới điện cao áp Thủ đô, Công ty đã kiến nghị chính quyền các cấp TP Hà Nội, các sở, ban, ngành, ban chỉ đạo liên quan chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị thi công thông báo với Công ty nội dung cơ bản của dự án xây dựng, san lấp mặt bằng... để thống nhất phương án an toàn điện.

Quá trình thực hiện thi công phải luôn có thông tin cho Công ty để kịp thời xử lý tình huống phát sinh liên quan HLATLĐCA. Xử lý cương quyết các đối tượng cố tình thả diều, bắn các loại pháo giấy tráng kim loại, và những hành vi trái pháp luật khác gây sự cố lưới điện; cương quyết xử lý, chặt bỏ cây cao vi phạm khoảng cách an toàn HLATLĐ...
 
Theo: Công Thương