Quản lý năng lượng

Thái Bình đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng tối thiểu 5,5%

Thứ năm, 2/3/2023 | 14:42 GMT+7
Tỉnh Thái Bình luôn xác định, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ), khai thác hợp lý các nguồn năng lượng sạch và bảo vệ môi trường đóng vai trò rất quan trọng.


Cán bộ Trung tâm Khuyến công Thái Bình hướng dẫn người dân xã Minh Tân, huyện Đông Hưng sử dụng đèn Led tiết kiệm điện.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thái Bình phấn đấu tiết kiệm năng lượng tối thiểu là 5,5%. Trong đó, Ngành Giao thông vận tải: tiết kiệm tối thiểu 3,7%; Ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: tiết kiệm 4,1%; Ngành Dịch vụ công cộng: tiết kiệm 14,7%; Dân dụng sinh hoạt: tiết kiệm 3,1%; Ngành Thương mại dịch vụ: tiết kiệm 4,9%; Công nghiệp: tiết kiệm 8,2%. 

Riêng đối với hệ thống chiếu sáng công cộng, đến năm 2025, triển khai thay thế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao và công nghệ điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng hiện đại. Đối với ngành công nghiệp, giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn, cụ thể: Đối với công nghiệp cơ khí, luyện kim: bình quân 6,3%; Công nghiệp dệt may, giày da: bình quân 7,3%; Công nghiệp vật liệu xây dựng: bình quân 6,8%; Sản xuất đồ uống, nước giải khát: 5,1%; Công nghiệp khác: bình quân 7,3%...

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng NLTK&HQ; Tổ chức thực hiện triển khai các giải pháp kỹ thuật, thúc đẩy các dự án đầu tư về sử dụng NLTK&HQ đối với các hoạt động sản xuất, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất.

Đồng thời, tăng cường năng lực về sử dụng NLTK&HQ; Kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện sử dụng NLTK&HQ; Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; Tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế về sử dụng NLTK&HQ; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về sử dụng NLTK&HQ.

Trong đó, tỉnh Thái Bình đặc biệt chú trọng đến giải pháp nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp và các cơ sở công nghiệp trọng điểm, đồng thời trang bị cho họ kiến thức thông qua các khóa đào tạo, các lớp tập huấn về sử dụng NLTK&HQ, nhằm giúp cho các học viên lĩnh hội được thêm những kiến thức về tiết kiệm năng lượng để áp dụng vào thực tế trong quá trình quản lý, điều hành sản xuất tại đơn vị.

Thực tế cho thấy, sau những đợt tập huấn, đào tạo phổ biến kiến thức và hướng dẫn quy trình triển khai các mô hình tiết kiệm năng lượng trên địa bàn toàn tỉnh, hiệu quả đem lại rất đáng ghi nhận, nhất là khu vực nông thôn. Cụ thể, gia đình ông Đỗ Văn Vương (thôn An Phú, xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải) từng phải chi gần 1 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, nhưng từ khi được tuyên truyền về việc tiết kiệm năng lượng, ông thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong gia đình bằng đèn Led tiết kiệm điện, tủ lạnh có dán nhãn tiết kiệm năng lượng và bình nước nóng năng lượng mặt trời (NLMT) thì chi phí của gia đình ông giảm rõ rệt.

“Việc sử dụng bình nước nóng NLMT tôi thấy quá hợp lý, khi chưa lắp thiết bị này, mỗi tháng chỉ tính riêng tiền sử dụng nước nóng bằng bình nóng lạnh gia đình tôi cũng mất khoảng 200 – 300.000 đồng, nhưng từ hồi lắp bình NLMT, hàng tháng gia đình tôi có thể bỏ ra vài trăm nghìn tiết kiệm”, ông Vương cho biết thêm.

Sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời đã giúp nhiều gia đình tại Thái Bình tiết kiệm được chi phí sử dụng điện hàng tháng.

Bên cạnh các giải pháp trên, việc sử dụng hầm Biogas làm khí đốt trong sinh hoạt ở Thái Bình trong vài năm trở lại đây cũng khá phát triển. Trước đó nhiều gia đình thường xử lý phân gia súc, gia cầm bằng cách gom lại thành đống rồi ủ, sau đó mang đi bón cho lúa, rau màu, cách làm này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh bởi tình trạng bốc mùi hôi thối. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn và hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng hầm biogas, không chỉ khiến chuồng trại sạch sẽ, vệ sinh hơn mà còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí mua gas, than, củi hàng tháng của bà con.

Hiệu quả thiết thực từ chương trình tiết kiệm năng lượng không chỉ đối với người dân trên địa bàn tỉnh, mà sức lan tỏa từ các giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng được các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cụ thể hóa bằng các hành động. Tại nhiều trụ sở làm việc, điển hình như UBND huyện Kiến Xương, các đồng chí lãnh đạo UBND đã chỉ đạo các phòng, ban phổ biến chương trình tiết kiệm năng lượng tới từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện như đèn Led, quạt trần tiết kiệm điện, máy tính, máy photocopy tiết kiệm điện,... nhờ đó, mỗi tháng đã tiết kiệm được từ 15-20% tiền điện. 

Trước thực trạng an ninh năng lượng đang có nhiều biến động như hiện nay, việc triển khai các hoạt động thúc đẩy Sử dụng NLTK&HQ trên địa bàn tỉnh Thái Bình là một trong những điển hình hay cần được phổ biến và nhân rộng. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, đồng thời là giải pháp quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa cam kết tại COP26.

Theo: TKNL