Nhà máy năng lượng từ chất thải.
NEPC đã quyết định tăng số lượng các nhà máy, chuẩn bị mời các nhà đầu tư đề xuất những dự án WTE mới với tổng công suất 400 MW vào đầu năm 2021. Các nhà máy WTE được cấp giấy phép trong các cuộc đấu giá trước đây hoạt động trong 36 khu vực với tổng công suất là 328 MW.
Mặc dù các dự án hứa hẹn một cơ hội kinh doanh mới cho các công ty điện lực muốn tham gia vào xu hướng ngày càng tăng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Viện Môi trường Thái Lan (TEI) khuyến khích việc loại bỏ ưu tiên lợi nhuận.
Truyền thông sở tại dẫn lời Chủ tịch TEI Wijarn Simachaya cho rằng tất cả các bên nên tập trung chủ yếu vào việc loại bỏ rác thải và coi điện như là một sản phẩm phụ. Các dự án WTE phải được thực hiện vì lợi ích môi trường, giúp Thái Lan đối phó tốt hơn với rác thải tràn ngập đất nước.
Theo ông Wijarn, Thái Lan là quốc gia gây ô nhiễm lớn thứ 6 thế giới xét trên khía cạnh xả chất thải nhựa ra biển.
TEI cho biết năm 2018, chỉ 35% trong số 27,9 triệu tấn chất thải rắn ở Thái Lan được phân loại để tái chế và 39% được xử lý tại bãi chôn lấp và lò đốt cũng như thông qua các dự án WTE.
Có tới 26% kết thúc hành trình ở những nơi khác, bao gồm trên đất liền, sông và biển. Rác thải nhựa chiếm 2 triệu tấn trong tổng số rác của Thái Lan, nhưng chỉ có 500.000 tấn được tái chế trong khi phần lớn được loại bỏ cùng với các loại rác khác.
Các quan chức địa phương, những người đang phải vật lộn để đối phó với lượng rác khổng lồ, đã lên tiếng ủng hộ các nhà máy WTE, nhưng họ chưa thấy bất kỳ dự án nào được triển khai trong khu vực của họ.
Thanakorn Wanakitkulpat, Phó thị trưởng thành phố Muang Surin, cho rằng WTE là một lựa chọn tốt, nhưng văn phòng của ông không có thẩm quyền quyết định về việc xây dựng một nhà máy điện WTE trong khu vực.
Các bãi rác là hình thức xử lý rác thải duy nhất của thành phố, nhưng lượng rác cứ chất đống hàng năm khiến giới chức lo ngại.
Trong khi đó, Ủy ban Điều tiết Năng lượng (ERC), cơ quan giám sát các cuộc đấu giá WTE, khuyên nên xem xét suy nghĩ của dân làng và tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới để biến rác thành điện.
Việc báo chí đưa tin về các cuộc biểu tình phản đối các dự án nhà máy điện chạy bằng rác ở các tỉnh Pathum Thani và Nakhon Ratchasima đã cho thấy một số cộng đồng đã có thái độ tiêu cực đối với những dự án này. Các cộng đồng không phản đối việc quản lý chất thải về nguyên tắc, nhưng phản đối các địa điểm xây dựng mà họ cho là vi phạm cộng đồng của họ.
Theo Phó tổng thư ký ERC Kittapong Pinyotrakool, ngay cả khi không có sự phản đối, một số cộng đồng không có hệ thống phân loại rác tốt nên rác của họ không thể tạo ra đủ nhiệt cho các nhà máy điện.
Ông Thanakorn thừa nhận nhiều người dân trong làng không bận tâm đến việc phân loại rác, nhưng đây là một bước quan trọng trong việc tập hợp "rác chất lượng" để tạo ra điện.
Trong khi có ý kiến cho rằng Chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức của cộng đồng về các phương thức xử lý rác thải có thể chấp nhận được, ông Kittapong thậm chí còn chỉ ra sự cần thiết phải ban hành quy định về thực hành phân loại chất thải.
Ông Kittapong cho biết về mặt tài chính, các quan chức địa phương có thể sử dụng chương trình năng lượng tái tạo có tên gọi “Năng lượng cho tất cả mọi người” tại các nhà máy WTE để giải quyết các hạn chế về ngân sách.
Chương trình này có các nhà đầu tư tư nhân và cộng đồng cùng đầu tư vào các dự án phát triển điện. Tương tự, một cơ quan hành chính địa phương có thể thành lập một hợp tác xã làm đơn vị kinh doanh làm việc với các công ty để hợp tác phát triển các nhà máy WTE.