Tin trong nước

Thái Nguyên đã không còn vùng "trắng" điện

Thứ bảy, 6/8/2022 | 18:34 GMT+7
Đến thời điểm hiện tại, điện lưới quốc gia đã được đưa về tới 100% xóm, bản và các nhóm hộ dân xa trung tâm, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. 
Hệ thống lưới điện quốc gia được kéo về từng thôn bản, từng nóc nhà dân đã đưa tỉnh Thái Nguyên không còn vùng "trắng" về điện.
 
Dòng điện mới đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo và đổi thay diện mạo cuộc sống những vùng khó khăn.
 
Điện đi trước
 
Hợp tác xã chè La Bằng là một đơn vị sản xuất chè thuộc loại lớn nhất của vùng chè La Bằng (Đại Từ) với 15 thành viên và hơn 100 hộ liên kết sản xuất. Hơn 30ha chè của hợp tác xã (HTX) từ chăm sóc cho đến chế biến, đóng gói đều đã được cơ giới hoá để giải phóng sức lao động và nâng cao năng suất.
 
Theo bà Nguyễn Thị Hải - Giám đốc HTX chè La Bằng: "Nhiều năm trở lại đây, điện tại La Bằng rất ổn định nên HTX mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng các thiết bị máy móc hiện đại. Nhờ đó mà việc sản xuất chè cũng nhàn, hiệu quả hơn.
 
Chè được sao sấy, chế biến bằng các máy chạy điện, gas cho năng suất và chất lượng cao hơn rất nhiều những phương pháp truyền thống. Cũng từ đó, giá trị kinh tế từ cây chè mang lại cho các xã viên tốt hơn".
 
Nhờ có điện ổn định mà máy móc, cơ giới hoá đã được đưa lên tận những đồi chè cao. Ở La Bằng, nhiều hộ đã lắp đặt hệ thống bơm, tưới nước, bón phân, phun thuốc tự động cho cây chè. Việc này đã giúp giảm tối đa số người làm nhưng năng suất vẫn được nâng cao.
 
Ông Nguyễn Ngọc Thép - Bí thư xã La Bằng cho biết, cây chè đang là cây mũi nhọn của địa phương và điện phải đi trước mới giúp năng cao năng suất, giá trị từ cây chè. Từ những năm 1994, điện đã được kéo về địa phương, từng bước giúp bà con tiếp cận với các máy móc, sao sấy chè.
 
Cả xã La Bằng chỉ có khoảng 4.000 dân nhưng diện tích chè đạt gần 350ha với 100% hộ gia đình làm chè. Hiện hệ hống điện của La Bằng được đánh giá là đồng đều với 7 trạm biến áp, đủ cấp điện cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất chè của.
 
Bí thư xã La Bằng khẳng định: "Điện phải là tiên quyết thì mới phát triển được, bây giờ từ tưới đến chế biến đều dùng đến điện rồi không phụ thuộc thời tiết nữa. Cũng nhờ làm bằng máy móc chạy điện mà chè cũng thơm ngon, hợp vệ sinh hơn. Dân chúng tôi là làm giàu từ chè đấy".
 
Không còn vùng "trắng" điện
 
Cuối năm 2018, 20 hộ dân tại khu Đá Dựng, nơi xa trung tâm nhất của xóm Đầm Làng (xã Yên Lãng, Đại Từ) đã được tiếp cận ổn định với điện lưới đánh dấu việc 100% người dân trên địa bàn xã Yên Lãng được sử dụng điện lưới Quốc gia.
 
Ông Lê Văn Thực - Chủ tịch UBND xã Yên Lãng cho biết, toàn bộ 3.240 hộ gia đình trong xã đều đã được sử dụng điện ổn định, an toàn. Việc kéo điện vào tới nhóm hộ dân xa nhất của xóm Đầm Làng đã giúp xã xoá được những vùng "trắng" điện bấy lâu nay.
Việc đầu tư lắp đặt mới các trạm biến áp tại những vùng sâu, vùng xa đã giúp người dân được sử dụng điện ổn định.
 
Chủ tịch xã Yên Lãng phấn khởi: "Những năm 2012 thì khó khăn về điện lắm, lần nào tiếp xúc cử tri người dân cũng kiến nghị. Nhưng nay thì tốt rồi, cả xã có 18 trạm biến áp đáp ứng đủ điện cho người dân. Tới đây, điện lực sẽ bổ sung thêm 1 trạm tại làng nghề chè Yên Từ giúp bà con yên tâm sản xuất".
 
Ông Ma Đình Chung - Giám đốc điện lực huyện Đại Từ cho hay, tính riêng từ năm 2017 đến nay, điện lực huyện đã đầu tư hơn 443 tỉ đồng cho hệ thống lưới điện trên địa bàn. Trong đó, tập trung nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đường dây, trạm biến áp để đảm bảo ổn nguồn điện cho người dân.
 
Mỗi năm điện lực huyện Đại Từ đều tiến hành kéo dài đường dây tại các khu vực xa trung tâm, khu vực dân cư phân bố thưa thớt để giúp rút ngắn khoảng cách kéo điện từ công tơ về tới nhà dân. Riêng năm 2021 đã kéo dài được thêm 17km.
 
"Điện là một trong những lĩnh vực được quan tâm, có vấn đề là người dân kiến nghị lên Hội đồng nhân dân và khi tiếp nhận ý kiến là chúng tôi xử lý ngay. Đến nay, có thể khẳng định trên địa bàn huyện đã không còn thôn, xóm hay hộ gia đình nào không được sử dụng điện lưới" - ông Chung chia sẻ.
 
Đầu năm 2022, Công ty Điện lực Thái Nguyên thực hiện triển khai xây dựng mới và cải tạo 2 tuyến đường dây hạ thế vào khu dân cư Ao Cước và Đèo Danh của xóm Bản Tèn (xã Văn Lăng, Đồng Hỷ). Đây đều là những khu vực vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn với số 100% là đồng bào dân tộc Mông.
 
Trước kia hơn 40 hộ dân khu Ao Cước và Đèo Danh phải tự kéo điện về để sử dụng với khoảng cách xa, đường dây không đảm bảo an toàn. Việc kéo điện vào tận các nhóm các hộ dân xa xôi hẻo lánh này, tỉnh Thái Nguyên tiến tới không còn khu vực dân cư nào không được tiếp cận với điện lưới quốc gia.
 
Trong thời gian qua, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã đầu tư 36 trạm biến áp, xây dựng mới và cải tạo nâng cấp đường dây hạ thế của 73 trạm biến áp tại các huyện thị trên địa bàn. Việc này đã góp phần giảm nguy cơ gây sự cố, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định cho người dân.
 
Theo: Báo Lao động