Dọc tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, nơi qua thị trấn, thị xã, cờ hoa, băng zôn, khẩu hiệu được căng lên trong dịp này. Đi qua những hàng băng zôn đó, mỗi ngày có hàng chục xe bồn téc trọng tải lớn hành trình trên quốc lộ 6 vận chuyển xi măng rời, vật liệu tro bay, cùng những cỗ xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển thiết bị công nghệ tải từ miền xuôi lên công trường xây dựng thuỷ điện Sơn La càng thêm khí thế sôi động ở miền núi Tây Bắc xa xôi.
Tính từ thời điểm ngăn sông đợt 1 (ngày 2/12/2005), các đơn vị xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La trên sông Đà đã trải qua 3 mùa chống lũ. Đặc biệt là mùa lũ năm nay, mưa lớn liên tiếp từ trung tuần tháng 7, rồi ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 4 vừa rồi làm sạt lở, vùi lấp một số đoạn đường công vụ bờ phải. Lượng mưa trong vùng từ 180-190mm, ảnh hưởng ít nhiều đến việc thi công các hạng mục. Nhưng theo Ông Lê Duy Hiếu, Chánh văn phòng Ban điều hành dự án thuỷ điện Sơn La, thì: Do làm tốt công việc chuẩn bị đón mưa lũ khá chu đáo, “hệ thống phòng chống bão lũ trên công trường cơ bản đã được hoàn thành, đi vào nề nếp từ mùa lũ năm 2006, đảm bảo chống lũ đến năm 2009 khi tiếp tục lấp kênh dẫn dòng đợt 2, nên không gây cản trở lớn đến tiến độ thi công”. Nay thời tiết có nắng trở lại, đường công vụ đỡ trơn hơn, những băng rôn, khẩu hiệu lại được căng lên khắp các ngả đường công trường, đơn vị với khí thế lao động sản xuất lập thành tích chào mừng Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9.
Từ nhà điều độ của công trường bên bờ trái sông Đà nhìn xuống, hình hài một nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông nam á đã rõ nét. Phía bờ phải sông Đà là đập tràn, 12 trụ cánh cửa nhận nước hiện lên sừng sững. Giữa lòng sông cũ là 2 đoạn đê quai thượng và hạ lưu ôm trọn khu vực đập dâng và nhà máy. Công trường nhấp nhô cần cẩu ken đặc các điểm thi công, hai vệt băng tải chạy dài nối từ xưởng trộn bê tông đặt ở bờ phải, bờ trái sông bắc ra tận nơi thi công đổ bê tông đập chính công trình (đập dâng nước). Hệ thống băng tải này vận hành liên tục 24 giờ, chuyển bê tông tươi đắp đập.
Hoà vào dòng người và xe cộ tấp nập như thoi đưa, chúng tôi đến với công trường thi công đập không tràn dốc nước bờ phải. Hơn 800 cán bộ, công nhân của Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi) vẫn đang vượt lên khó khăn thi công trong điều kiện mưa lũ, đẩy nhanh tiến độ đổ bê tông các hầm cao độ 138m, 180m, và khẩn trương lắp đặt cầu trục chân dê nặng 125 tấn tại độ độ 173,6m tràn xả lũ để đưa các thiết bị, vật liệu phục vụ đổ bê tông mặt đập không tràn bờ phải. Liền kề bên là lực lượng công nhân thi công đập tràn dốc nước. Đại tá Đào Văn Tuấn, Giám đốc ban điều hành Dự án thuỷ điện Sơn La của Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, cho biết: Hiện tại công ty đã hoàn thành thi công hố xói, dẫn dòng chảy mùa lũ sang bờ phải, chống xói mòn, đảm bảo an toàn cho đê quai hạ lưu. Đồng thời tập trung thi công đánh xờm, đổ bê tông đập tràn dốc nước xả sâu và đập không tràn bờ phải.
Công ty cổ phần Sông Đà 7 (Tổng công ty Sông Đà) trong 6 tháng đã khoan nổ 9.300 m3 đá, gia công lắp thép 1.670 tấn, đổ trên 57.000m3 bê tông, sản xuất trên 580.000m3 đá dăm và cát nhân tạo, đáp ứng đủ cho nhu cầu thi công các hạng mục công trình. Những tháng cuối năm, công ty tập trung phấn đấu khoan nổ 20.000m3 đá, gia cố lắp thép 2.330 tấn, đổ trên 101.000m3 bê tông, sản xxuất 91.600m3 bê tông, 783.000m3 đá dăm và cát nhân tạo. Trong phong trào thi đua: đảm bảo thi công đúng tiến độ và chất lượng, an toàn lao động, chống lãng phí, chào mừng Cách Mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, đơn vị Sông Đà 7 đang tập trung lực lượng kỹ thuật, máy móc cho thi công 3 tổ máy và đập tràn công trình chính. Ông Trần Văn Huyên, Giám đốc xí nghiệp Sông Đà 5.04 (Công ty cổ phần Sông Đà 5) cho biết: đơn vị đã hoàn thành đổ bê tông khối C1, C2, C3 với khối lượng 750.000 tấn bê tông đầm lăn, tiếp tục đổ bê tông khối C4 của công trình đập chính. Việc hoàn thành đổ bê tông tại khối đập chính là điều kiện quan trọng cho việc đảm bảo tiến độ lắp tổ máy số 1, phát điện vào năm 2010.
Đến nay, các đơn vị thi công trên công trường đã đã hoàn thành khối lượng công việc đào đất đá hố móng, đổ 854.000m3 bê tông đầm lăn (RCC), đổ 765.000m3 bê tông thường (CVC), khoan phun 54.800m dài (md) xi măng chống thấm, lắp đặt 52.572 tấn thiết bị công nghệ. Riêng Công ty Lilama đã lắp đặt được 20 tấn vòng thiết bị đường ống áp lực tổ máy số 1 và 25 vòng thiết bị tổ máy số 2. Mục tiêu nhiệm vụ chính năm 2008 của các đơn vị xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La là đẩy nhanh đổ bê tông công trình chính với khối lượng 1,755 triệu m3 (RCC là 1,247 triệu m3 và CVC là 508.000 m3). Để đạt được mục tiêu đó, các đơn vị phấn đấu cường độ đổ bê tông CVC trung bình là 54.000 m3/tháng, trong đó tập trung đổ bê tông thi công hạng mục cửa nhận nước, khối sàn lắp máy nhà máy thuỷ điện, đầu tràn và dốc nước công trình xả lũ. Trong tháng 8 này lắp đặt ống khuỷu và đường ống áp lực, hoàn thành đổ bê tông chèn ống khuỷu và côn các tổ máy số 1 và 2 vào cuối năm nay, đồng thời triển khai lắp đặt cửa van xả sâu của nhà máy...
Nhớ lại những ngày đầu, công trường đang trong giai đoạn giải toả mặt bằng, vận động nhân dân sở tại nhường đất đai, ruộng vườn, chỗ ở để làm chỗ cho xây dựng thuỷ điện. Già làng ở bản Ít Ong còn nghi ngờ: “Chính phủ cho người đến làm đập ngăn sông à ?, không được đâu, rồi lũ sẽ cuốn, con thuồng luồng sẽ phá hỏng đập đấy”. Giờ thì già làng ở Ít Ong đã tin về một công trình thuỷ điện vĩ đại được đặt tại quê hương của họ, mang lại dòng điện sáng cho đất nước. Công trình ngày một lớn dần lên. Như trước đây, buổi đầu dựng nước, người Việt Nam với gậy tầm vông, súng kíp hoả mai, dũng cảm kiên cường, đoàn kết xung quanh Đảng, Bác Hồ đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám. Ngày nay, cũng với tinh thần ấy con người Việt Nam nắm vững khoa học kỹ thuật tiến tiến, những người thợ bằng bàn tay khối óc có thể tự mình xây dựng một công trình thế kỷ, ngang tầm thế giới.
Mỗi ngày 3 ca, công nhân của các đơn vị đang phấn khởi thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, với khí thế quyết tâm cao, sớm đưa nguồn điện sáng từ miền Tây Bắc về phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.