Ảnh minh họa.
Đồng thời đảm bảo an toàn cung cấp điện, an ninh năng lượng và giảm chi phí vận hành chung của hệ thống điện khi gia tăng truyền tải công suất của các nhà máy điện miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Đồng thời, tạo điều kiện vận hành kinh tế hệ thống điện sau năm 2025.
Như vậy, với vai trò thay mặt EVNNPT quản lý và điều hành các dự án; trong đó có dự án đường dây 500kV mạch 3, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB), đến nay sau 33 năm, đã hoàn thành khối lượng đầu tư 11.143 km đường dây và tổng dung lượng máy biến áp 26.060 MVA, với tổng giá trị đầu tư 49.705 tỷ đồng. Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng đó, CPMB liên tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt về bồi thường giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn hay do đặc thù các dự án lưới điện trải dài qua nhiều địa phương.
Nhiệm vụ năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 với giá trị đầu tư ngày càng tăng cao, những khó khăn vướng mắc cũng sẽ còn nhiều, vì vậy lãnh đạo CPMB cho rằng CBCNV đơn vị càng phải phấn đấu, nỗ lực hơn nữa, phải chủ động học hỏi, trao đổi kỹ năng, kiến thức, nắm bắt kịp thời với xu thế phát triển chung của ngành để đưa các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu truyền tải điện năng cung cấp cho nền kinh tế.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm cấp bách được EVNNPT giao, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho biết, ngay từ đầu thực hiện dự án, CPMB đã chủ động phối hợp cùng tư vấn đi hiện trường để xác định địa điểm trạm, hướng tuyến đường dây. Cùng với đó, tổ chức làm việc với các địa phương và hoàn chỉnh bổ sung ngay các thủ tục theo yêu cầu để UBND tỉnh/thành phố ra văn bản thỏa thuận địa điểm trạm và hướng tuyến đường dây.
Đối với việc nâng cao chất lượng tư vấn thiết kế, chất lượng và thời gian thẩm định phê duyệt được CPMB quan tâm đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và thiết kế kỹ thuật- tổng dự toán. CBCNV đơn vị thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao. Đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng để thực hiện song song các thủ tục từ các Ban chức năng của EVNNPT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) để rút ngắn tối đa thời gian xử lý, thẩm định/phê duyệt nâng cao hiệu quả công việc.
Ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng được phê duyệt, CPMB lập tiến độ tổng thể dự án báo cáo EVNNPT phê duyệt, từ đó điều hành, trong từng thời điểm dự báo các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiến độ để có sự phối hợp chỉ đạo và điều chỉnh thích hợp.
Xác định việc thu xếp vốn cho các dự án ảnh hưởng rất quan trọng đến tiến độ khởi công các dự án, do vậy, CPMB đã chủ động, phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên với các Ban EVNNPT, giữa EVNNPT với EVN và các cấp liên quan để sớm ký hợp đồng vay vốn hoặc bố trí vốn cho dự án.
Bên cạnh đó, CPMB cũng xác định việc bồi thường giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính ảnh hưởng tiến độ thi công hoàn thành các dự án, vì vậy đơn vị luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục bồi dưỡng cho CBNV về kinh nghiệm trong bồi thường giải phóng mặt bằng, quán triệt tinh thần phát huy hơn nữa để đẩy mạnh bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ đó, đề xuất các cơ chế thực hiện phù hợp quy định của Nhà nước; hay bám sát, phối hợp chặt chẽ với địa phương, nắm bắt kịp thời các vướng mắc để tập trung giải quyết dứt điểm.
“Trường hợp lãnh đạo CPMB làm việc trực tiếp nhưng không giải quyết được sẽ báo cáo kịp thời cho lãnh đạo EVNNPT để họp với địa phương tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc. Trong một số trường hợp cụ thể phải báo cáo EVN/Bộ Công Thương để giải quyết hoặc có văn bản chỉ đạo/công điện từ Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Đức Tuyển cho hay.
Ngoài ra, CPMB còn kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác quản lý dự án. Đồng thời phối hợp tốt với các nhà thầu thi công, cung cấp vật tư thiết bị, các Công ty Truyền tải, Công ty Dịch vụ truyền tải điện, các Điện lực, Trung tâm điều độ, đơn vị thí nghiệm.… để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành dự án.
Kinh nghiệm quản lý và điều hành dự án trong những năm qua của CPMB cho thấy, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm cấp bách, CPMB đã thành lập các Ban Chỉ đạo dự án cấp bách từ cấp EVN, cấp EVNNPT và cấp Ban Quản lý dự án. Tùy tính chất cấp bách của dự án, sẽ báo cáo Chính phủ có văn bản chỉ đạo các địa phương, trên cơ sở đó tổ chức đoàn công tác do EVN/EVNNPT làm Trưởng đoàn đến làm việc với các tỉnh, thành có dự án đi qua để đề nghị địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư trong lập hồ sơ đo đạc giải thửa và bồi thường giải phóng mặt bằng, đáp ứng mục tiêu tiến độ dự án.
Liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, khâu khó nhất trong các dự án truyền tải điện, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tới các địa phương về công tác này và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ các đơn vị tham gia ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, trong từng thời điểm nhất định có vướng mắc kịp thời tháo gỡ để hỗ trợ EVNNPT, đồng thời có công điện gửi các địa phương để giải quyết các điểm nóng. Bên cạnh đó, EVN, Ban Chỉ đạo công trình trọng điểm cấp bách thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra và tháo gỡ các vướng mắc, ứng vốn kịp thời khi chưa ký được hợp đồng vay vốn, cùng với EVNNPT và Ban A để làm việc cụ thể với các địa phương giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi công.
Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, một trong những giải pháp để tháo gỡ nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng chính là chế độ, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng phải được tính đúng, tính đủ theo đúng các qui định của Chính phủ và địa phương. Song song với đó, thường xuyên chủ động rà soát các vướng mắc, chủ trương chính sách để có báo cáo kịp thời cho các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, không để vướng mắc kéo dài. Đặc biệt thủ tục kê kiểm, áp giá... phải làm đúng trình tự quy định ngay từ đầu. Trong những trường hợp cụ thể cần hỗ trợ lực lượng thi công hoặc cưỡng chế thì đã có đủ hồ sơ, rút ngắn được thời gian.
Bên cạnh làm việc với Hội đồng bồi thường, Trung tâm phát triển quỹ đất để xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng thời gian cụ thể (tuần, tháng, quý), làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao mặt bằng, CPMB còn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương, thường xuyên báo cáo công việc thực hiện, các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để tạo sự đồng thuận, từ đó chấn chỉnh, chỉ đạo giải quyết kịp thời vướng mắc, hay tiếp cận cùng chính quyền từ cấp xã/huyện để tuyên truyền, vận động, giải thích... cho người dân và tổ chức bị ảnh hưởng.
Đáng chú ý, lãnh đạo EVNNPT trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai dự án, trong một số trường hợp cụ thể trực tiếp tham gia điều hành, từ điều phối cung cấp vật tư thiết bị, các thủ tục thu xếp vốn đến điều hành trên công trường và huy động các lực lượng nội bộ trong Tổng công ty. Mặt khác, Giám đốc Ban Quản lý dự án cũng phải trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường trong giai đoạn nước rút, để huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường.
Từ thực tế triển khai các dự án cấp bách và trọng điểm, CPMB nhận thấy hiệu quả mang lại rõ rệt từ việc tổ chức tốt hoạt động của các Ban Tiền phương. Đối với giai đoạn nước rút, yêu cầu các đơn vị thi công lập tiến độ thi công chi tiết các hạng mục công việc theo ngày; trong đó có cả bố trí nhân lực, dụng cụ, thiết bị thi công,… trên cơ sở đó, Ban Tiền phương điều độ công việc hàng ngày (thường vào ban đêm) với các đơn vị thi công để kiểm điểm tiến độ, đề xuất thống nhất các giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong ngày hôm sau liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, cung cấp và xử lý tồn tại về vật tư thiết bị, thi công, nhân sự, dụng cụ thi công…. Đối với các vướng mắc ngoài tầm xử lý, các Ban Tiền phương kịp thời báo cáo với lãnh đạo cấp trên để có chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo tiến độ được kiểm soát.
Một trong những giải pháp cũng không kém phần quan trọng theo chia sẻ của các Trưởng ban điều hành dự án phía CPMB đó là sự phối hợp của các đơn vị tham gia dự án. Thực tế là các đơn vị thi công xây lắp trên tuyến, năng lực và kinh nghiệm thi công có sự chênh lệch, tuy nhiên cần có sự phối hợp vì mục tiêu chung để công trình về đích cùng một thời điểm, nhất là sự hỗ trợ qua lại giữa các đơn vị xây lắp, của các Công ty truyền tải điện cho các đơn vị chậm và sự phối hợp nghiệm thu trên toàn tuyến, sau khi đơn vị thi công xong thì việc nghiệm thu cũng được hoàn tất.
Một giải pháp quan trọng nữa để các công trình trọng điểm đạt tiến độ đóng điện, theo lãnh đạo CPMB chính là tổ chức các phong trào thi đua liên kết, chọn thời điểm để phát động thi đua phấn đấu hoàn thành các khối lượng còn lại. Ban Quản lý dự án cần tổ chức tốt việc tuyên truyền vận động trước và sau đợt phát động thi đua, tổ chức họp dân để tuyên truyền về chế độ chính sách, mục đích ý nghĩa dự án và yêu cầu của Nghị định Chính phủ.
Sau khi đã đủ các điều kiện theo quy định, tổ chức vận động tuyên truyền đến các đội của các đơn vị thi công để hiểu về mục đích dự án. Mục đích là để nhân dân hiểu và ủng hộ dự án, công nhân các đơn vị thi công cũng hiểu và biết được tầm quan trọng khi đưa được dự án vào vận hành sớm. Đây là thành công của CPMB trong công tác tuyên truyền vận động thông qua các đợt phát động thi đua liên kết nhiều dự án cấp bách, trọng điểm. Ngoài ra, ông Lê Thanh Định, Phó Gíam đốc, Trưởng ban điều hành dự án (CPMB) cũng cho rằng việc tuyên truyền sâu rộng kịp thời của các cơ quan thông tấn, báo chí đến từng người dân, các cấp chính quyền và những người công nhân xây lắp sẽ tạo được sự đồng thuận và chia sẻ để các dự án hoàn thành đúng tiến độ.