Hãng tin Straits Times dẫn lời tiến sĩ R.K. Pachauri, chủ tịch Viện Tài nguyên và nghiên cứu năng lượng (TERI), cho biết dự án "Thắp sáng cuộc sống 1 tỉ người" này cũng sẽ nhằm mục tiêu giảm khí thải carbon và chống thay đổi khí hậu. Dự án sẽ được thực hiện thí điểm đầu tiên tại Ấn Độ. Tiến sĩ Pachauri là chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc, vừa đoạt giải Nobel hòa bình mới đây cùng cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore.
|
Một lớp học buổi tối được thắp sáng bằng đèn năng lượng mặt trời ở nông thôn Ấn Độ. |
Theo số liệu của TERI, hiện có 1,6 tỉ người trên thế giới không có điện, trong đó có 400 triệu thuộc 76 triệu hộ gia đình tại Ấn Độ. TERI tính toán trong số đó có 65 triệu hộ dùng đèn đốt bằng dầu hỏa và tiêu thụ tới 2,4 tỉ lít dầu hỏa mỗi năm, thải ra 5,9 triệu tấn CO2.
Trong khi đó, đèn năng lượng mặt trời của TERI có hình dáng tương tự đèn dầu nhưng chạy bằng pin năng lượng mặt trời, do đó thải rất ít khí CO2.
Giá một chiếc đèn khá đắt, khoảng 3.600 rupee (83 USD), tuy nhiên TERI cho biết người dân nông thôn có thể thuê với giá chỉ 2-3 rupee/ngày, tương đương số tiền mua dầu thắp đèn. Theo TERI, tổng chi phí hỗ trợ toàn bộ 65 triệu hộ gia đình Ấn Độ ước tính khoảng 5,3 tỉ USD, chỉ bằng 50% chi phí do dầu hỏa được Chính phủ Ấn Độ trợ giá mỗi năm.
Hơn nữa, theo TERI, chất lượng ánh sáng của đèn năng lượng mặt trời tốt hơn, do đó giúp giảm những căn bệnh về thị giác do sử dụng đèn dầu gây ra. Straits Times cho biết hiện tại TERI đã cung cấp đèn năng lượng mặt trời cho các làng không có điện tại bảy bang ở Ấn Độ. Dự án cũng sẽ được mở rộng sang châu Phi và Đông Nam Á trong thời gian tới.