Liên hợp quốc công bố các số liệu cho thấy khí hậu Trái Đất đã đạt đến một bước ngoặt mới khi lượng điôxít cácbon (CO2) ở Bắc Cực đã đạt tới mức 400 ppm, mức CO2 ở thời kỳ Pliocene cách đây 3 triệu năm khi nhiệt độ Bắc Cực cao hơn hiện nay 10-14 độ C và nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn hiện nay 4 độ C.
Nếu lượng CO2 không giảm hoặc tiếp tục tăng thêm, nhiệt độ Trái Đất sẽ đạt tới nhiệt độ thời kỳ Plioxen trong vòng chưa tới 1.000 năm nữa. Nhiệt độ như vậy sẽ làm nhiều nơi trên hành tinh không còn sự sống.
Nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu trong năm 2011 đã tăng 3,2% so với năm 2010, trong khi để có một khí hậu ổn định thân thiện với cuộc sống con người, lượng khí thải phải giảm trung bình 3% hàng năm để đảm bảo giảm 50% lượng khí thải CO2 so với mức hiện nay vào năm 2050.
Đây là một cuộc cách mạng năng lượng trên toàn cầu, trong đó nhân loại không thiếu các tri thức công nghệ để giảm nhanh lượng khí thải.
Các nhà khoa học Đức nhấn mạnh nhân loại hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này để tự cứu mình bằng các nỗ lực tăng thị phần của nguồn năng lượng tái sinh lên 100% vào năm 2050.
Vào những ngày nắng, nguồn năng lượng Mặt Trời đã chiếm tới hơn 30% tổng nguồn năng lượng được sử dụng ở nước này, đáp ứng ít nhất 4% tổng nhu cầu năng lượng điện hàng năm của Đức.
Thay cho 20 nhà máy điện đốt than, Đức đã sử dụng năng lượng được sản xuất từ hơn 1 triệu tấm thu năng lượng Mặt Trời đặt trên các tòa nhà và dọc theo các xa lộ. Số tấm thu năng lượng Mặt Trời ở Đức hiện nhiều hơn so với phần còn lại của cả thế giới.
Với hy vọng 40% nguồn năng lượng được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái sinh vào năm 2022, Đức sẽ đóng cửa 17 nhà máy điện hạt nhân cũng vào năm này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Juan Somavia, nhấn mạnh các nỗ lực đảm bảo sự bền vững của môi trường không phải là tác nhân gây thất nghiệp hoặc mất việc làm trên toàn cầu.
Ông cho biết khu vực năng lượng tái sinh hiện đã sử dụng 5 triệu công nhân trên toàn cầu, tăng gấp đôi so với thời kỳ từ năm 2006 đến năm 2010.
Tiến trình chuyển nền kinh tế đương đại sang nền kinh tế xanh có thể tạo thêm từ 15 đến 60 triệu việc làm mới trên thế giới, đồng thời đưa hàng chục triệu người thoát khỏi đói nghèo trong 2 thập kỷ tới.
Trong khi chỉ 10-15 ngành công nghiệp đã sản sinh tới 80% lượng khí thải ở các nước công nghiệp hóa, nhưng chỉ sử dụng 8-12% lực lượng lao động toàn cầu.
Với chính sách phát triển và quản lý các nguồn năng lượng tái sinh thích hợp, thế giới không chỉ tạo thêm được nhiều việc làm mới có chất lượng cao hơn mà còn giúp giảm nhanh tình trạng đói nghèo trên thế giới.
ST