Lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hat nhân Kudankulam ở bang Tamil, Nadu, Ấn Độ. Ảnh:Hindu.com
Một trong những hướng quan trọng để giải bài toán này được nhiều nước lựa chọn là phát triển năng lượng hạt nhân. Hiện các nước trên thế giới đang có kế hoạch xây dựng 56 lò phản ứng điện hạt nhân mới. Dự báo đến năm 2030, sẽ có thêm khoảng 450 lò phản ứng điện hạt nhân, trị giá hàng trăm tỷ USD được xây dựng.
Mới đây, Tổng thống Mỹ B.Obama tuyên bố rằng, chính quyền liên bang sẽ đứng ra bảo lãnh để giúp Công ty điện lực Phương Nam của Mỹ có trụ sở ở bang Atlanta vay 8,3 tỷ USD để xây dựng hai lò phản ứng điện hạt nhân mới, có công suất 1.100 MW nhằm mở rộng nhà máy điện hạt nhân (NMÐHN) hiện nay ở gần O-gu-xta, bang Giê-oóc-gia. Hai lò phản ứng này sẽ giúp làm giảm 16 triệu tấn khí thải CO2 gây ô nhiễm mỗi năm, và có thể cung ứng điện cho 550.000 hộ gia đình hoặc gần 1,5 triệu người dân. Dự án cũng sẽ tạo ra 3.000 công ăn việc làm trong lĩnh vực xây dựng và khoảng 850 nhân viên vận hành nhà máy. Tổng thống Obama nhấn mạnh, đây chỉ là sự bắt đầu và chính quyền của ông sẽ tiếp tục bảo đảm tài chính cho những dự án năng lượng sạch khác khắp nước Mỹ. Theo đó, Nhà trắng cho biết, trong tài khóa 2011 sẽ tăng gấp ba lần số tiền bảo lãnh (lên hơn 54 tỷ USD) để xây dựng các NMÐHN.
Như vậy, sau hơn 30 năm không xây thêm NMÐHN nào, kể từ sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại NMÐHN "Ðảo ba dặm" ở bang Pensinvania năm 1979, nước Mỹ đã cho khởi động xây dựng NMÐHN mới. Việc Mỹ quay trở lại con đường tiếp tục phát triển điện hạt nhân được Tổng thống Obama giải thích rằng, quyết định này có "quan hệ đến nền kinh tế, an ninh, và tương lai trái đất". Trước hết, Mỹ đang đứng trước "nhu cầu lớn về điện năng". Hiện Mỹ có số lò phản ứng điện hạt nhân nhiều nhất trên thế giới, với 104 lò hoạt động ở 31 tiểu bang, bảo đảm 20% sản lượng điện của nước này. Ðể đáp ứng nhu cầu điện năng gia tăng, Mỹ có kế hoạch từ nay đến năm 2050, sẽ tăng tỷ trọng điện hạt nhân từ 20% lên 50% trong sơ đồ tổng điện năng quốc gia. Và lý do quan trọng tiếp theo là áp lực giảm phát thải khí "nhà kính" CO2 nhằm ngăn ngừa hậu quả to lớn của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong đó, Mỹ là quốc gia đứng hàng đầu về lượng phát thải khí CO2, chủ yếu bởi các nhà máy nhiệt điện đốt bằng nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu... Với những lý do kể trên, Tổng thống Mỹ Obama khẳng định: "Ðể đáp ứng nhu cầu gia tăng điện năng và ngăn ngừa hậu quả tệ hại của biến đổi khí hậu, nước Mỹ cần tăng thêm nguồn điện hạt nhân. Chân lý này rất đơn giản".
Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA), châu Á là khu vực dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển năng lượng hạt nhân. Tại các nước và vùng lãnh thổ ở Ðông và Nam Á, hiện có 111 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, 21 lò đang xây dựng và theo kế hoạch sẽ xây dựng tiếp khoảng 150 lò. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ và nhiều nước châu Á khác đều đang đẩy mạnh các chương trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân.
Tại Trung Quốc, nhu cầu về điện năng tăng hơn 8%/năm. Trung Quốc hiện có 11 tổ máy phát điện hạt nhân đang vận hành, tổng công suất lắp đặt là 9.000.000 KW. Trung Quốc đã đề ra kế hoạch tăng sản lượng điện lên mức 50 GW vào năm 2020, như vậy mỗi năm cần bổ sung trung bình 3.500 MW. Mục tiêu dài hạn là đạt 240 GW vào năm 2050. Ðể thực hiện kế hoạch này, Trung Quốc đã đưa nhiều dự án điện hạt nhân vào danh sách những công trình trọng điểm cấp quốc gia. Năm 2009, Trung Quốc khởi công xây dựng NMÐHN Tam Môn (tỉnh Chiết Giang), với vốn đầu tư hơn 40 tỷ nhân dân tệ. Ðây là dự án hợp tác năng lượng lớn nhất giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhà máy sử dụng công nghệ AP-1000 sản xuất điện hạt nhân thế hệ ba, được coi là công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Dự tính tổ máy phát điện đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tổ máy thứ hai dự tính đến năm 2014 sẽ cho xây dựng trạm phát điện, công suất phát điện của hai tổ máy đầu là 1,25 triệu KW. Nhà máy điện Tam Môn sẽ gồm sáu tổ máy.
Tại Nhật Bản, hiện có 55 NMÐHN đang hoạt động với sản lượng đạt 48 GW, hai NMÐHN đang được xây dựng và dự kiến có 11 NMÐHN tiếp theo với công suất đạt 17 GW sẽ được xây dựng. Theo kế hoạch dài hạn, công suất điện hạt nhân của Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Tại Hàn Quốc và Ấn Ðộ, mỗi nước đều có khoảng 20 NMÐHN đang hoạt động và cùng có thêm nhiều NMÐHN khác đang được xây dựng. Mới đây, một nhóm các công ty Hàn Quốc đã được trao hợp đồng trị giá tới 40 tỷ USD để xây dựng bốn NMÐHN ở Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE). Bốn NMÐHN này dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2020, khi đó nhu cầu điện năng của UAE sẽ tăng gấp hai lần hiện nay. Nhiều nước ở khu vực Ðông-Nam Á, trong đó có Việt Nam, cũng đang xúc tiến kế hoạch xây dựng NMÐHN trong những năm tới.
Trước sự quan tâm ngày càng lớn của các nước về việc phát triển năng lượng hạt nhân, mới đây, tại Paris (Pháp), đã diễn ra Hội nghị quốc tế về vấn đề phát triển hạt nhân dân sự, với sự tham dự của đại diện 65 quốc gia và tổ chức quốc tế. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Tổng thống Pháp N.Sarkozy, tân Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Y.Amano và Tổng Thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) A.Curria đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của điện hạt nhân đối với sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đấu tranh chống lại tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên hóa thạch trên thế giới. Nhân dịp này, Tổng thống Pháp kêu gọi "hướng tới một sự hợp tác và đoàn kết giữa các quốc gia vì một nền kinh tế thế giới mạnh mẽ hơn, sạch hơn và đúng đắn hơn". Ông cho rằng, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo là những giải pháp cho phép con người giới hạn thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ðể đạt được mục tiêu đó, cộng đồng quốc tế cần có sự hỗ trợ của các định chế tài chính đa quốc gia. Ông Sarkozy kêu gọi Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Âu (EDB), và nhiều định chế tài chính đa quốc gia khác đóng góp cho việc phổ biến các công trình hạt nhân dân sự. Tổng thống Sarkozy nêu rõ, Pháp mong muốn hợp tác với các quốc gia muốn sử dụng hạt nhân vào mục đích hòa bình và tin rằng việc chia sẻ các kỹ thuật hạt nhân trong mục tiêu hòa bình là một yếu tố tất yếu để bảo vệ môi trường, để các nước trên thế giới cùng chia sẻ tài nguyên của trái đất.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước phát triển nguồn điện hạt nhân để bảo đảm an ninh năng lượng trong thế kỷ 21, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, nhu cầu lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới cũng như các chu trình nhiên liệu hạt nhân liên quan đang gia tăng. IAEA cho rằng, thế hệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới (thế hệ thứ tư) và các chu trình nhiên liệu hạt nhân với các công nghệ mới phải được phát triển và ứng dụng trên phạm vi toàn cầu để đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững, tăng cường an toàn và chống phổ biến hạt nhân. IAEA đang đóng vai trò quyết định trong nỗ lực phát triển này. Dự án quốc tế về đổi mới các lò phản ứng hạt nhân và các chu trình nhiên liệu (INPRO) sẽ tập hợp các nước chủ công nghệ hạt nhân và các nước sử dụng công nghệ này để phối hợp các nỗ lực quốc gia và quốc tế nhằm đổi mới các lò phản ứng, các chu trình nhiên liệu và các thể chế liên quan. INPRO sẽ song hành với các sáng kiến khác như Diễn đàn quốc tế lò phản ứng thế hệ thứ tư (GIF) để mở ra các cơ hội hợp tác mới. Trong khi GIF tập trung vào các công nghệ lò phản ứng, INPRO quan tâm đến nhu cầu hạ tầng cơ sở và thể chế để thực hiện đổi mới công nghệ nhằm giảm chi phí, tăng độ an toàn và chống phổ biến hạt nhân hiệu quả.
Tổng giám đốc IAEA Y.Amano khẳng định, IAEA có vị thế tốt nhất để tư vấn và hỗ trợ các nước đang phát triển chia sẻ lợi ích của công nghệ điện hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích hòa bình. Ông Amano cho rằng, năng lượng hạt nhân ngày nay được coi là nguồn năng lượng sạch và ổn định, có thể giúp nhân loại giảm ít nhất tác động của biến đổi khí hậu. Hiện nay, IAEA đang tham gia các dự án điện hạt nhân tại 58 nước thành viên và khoảng 10 đến 25 nước không phải thành viên IAEA, dự kiến những nước này sẽ bắt đầu sử dụng điện hạt nhân vào năm 2030.