Thi công hotline giảm tối đa thời gian cắt điện

Thứ sáu, 15/1/2021 | 14:12 GMT+7
Năm 2020, đội hotline của Công ty Điện lực Tây Ninh đã thực hiện được 298 lượt sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế, đấu nối các thiết bị trên lưới điện áp 22kV.
Công ty Điện lực Tây Ninh sửa chữa điện trên đường dây điện áp 22kV. Ảnh minh họa: Đức Dũng/TTXVN
 
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty điện lực Tây Ninh cho biết, Đội thi công sửa chữa điện nóng (hotline) thực hiện sửa chữa điện không cần ngắt điện của Công ty triển khai cho thấy, việc thực hiện theo phương án này đã góp phần giảm thiểu tối đa được thời gian cắt điện khi thi công lắp mới, sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế, đấu nối các thiết bị trên lưới điện.
 
Theo đó, năm 2020, đội hotline đã thực hiện được 298 lượt sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế, đấu nối các thiết bị trên lưới điện áp 22kV, SAIDI giảm được do không phải cắt điện là khoảng 938 phút, với sản lượng điện phân phối liên tục không giảm đạt khoảng 6,4 triệu kWh và triển khai các dịch vụ thi công hotline đạt trên 5,4 tỷ đồng.
 
Anh Hồ Xuân Huy, Phó Phụ trách đội hotline - Công ty điện lực Tây Ninh cho biết, phương pháp thi công điện đặc thù này là công nhân sửa chữa điện phải tiếp xúc trực tiếp với đường dây đang có điện, nên ngoài việc phải trang bị bảo hộ cá nhân như những công nhân điện bình thường khác, các công nhân hotline còn phải mang vải áo cao su cách điện, găng tay cao su cách điện trong suốt quá trình làm việc.
 
Do đó công nhân sẽ có nhiều khó khăn hơn như: cơ thể sẽ nóng hơn, không gian làm việc trên các thùng gàu chật hẹp (1,2m vuông/2 người), nhiệt độ ngoài trời nắng nóng, đường dây đang mang điện áp đến 22kV, nên công nhân hotline rất dễ mất sức và căng thẳng, do phải tập trung cao độ. Bởi vậy, mỗi lượt công nhân lên gàu sửa điện hotline sẽ không được quá 2 giờ mỗi lượt.
 
“Trước đây, khi thi công sửa chữa thay thế vật tư thiết bị, đấu nối các công trình điện trên lưới điện 22kV, các đơn vị điện lực phải cắt điện, làm việc trên hệ thống không mang điện để đảm bảo an toàn cho công nhân. Việc này làm mất điện toàn bộ khách hàng trên tuyến đường dây đó, ảnh hưởng đến việc sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của khách hàng và gây không ít phiền hà đến người dân”, anh Hồ Xuân Huy cho biết thêm.
 
Giám đốc Công ty điện lực Tây Ninh cũng cho biết, với kết quả đạt được của việc thi công hotline trong năm 2020, Công ty Điện lực Tây Ninh định hướng năm 2021 sẽ tiếp tục tuyển chọn, cử đi đào tạo thêm nhân sự, trang bị các phương tiện, dụng cụ hotline để đủ điều kiện thành lập thêm 1 tổ thi công hotline vào năm 2022 và đến năm 2025 phải có ít nhất 3 tổ thi công hotline.
 
Theo Công ty Điện lực Tây Ninh, năm 2020, ngành điện của tỉnh bán điện thương phẩm đạt 4.707 triệu kWh, tăng 14,6% so với cùng kỳ (tăng cao nhất trong 21 tỉnh thành phía Nam), với doanh thu đạt được là 7.969 tỷ đồng. Độ tin cậy cung cấp điện SAIDI đạt 281,4 phút/khách hàng/năm.
Theo: BNews