Tin thế giới

Thị trường điện Ba Lan điểm mạnh và điểm yếu

Thứ năm, 23/10/2008 | 09:36 GMT+7
Ba Lan đã bắt đầu tự do   thị trường năng lượng từ cách đây hơn mười năm, và trong thời gian đó, đặc biệt là thị trường điện đã có nhiều thay đổi. Với việc gần đây cơ quan điều tiết năng lượng nước này đề xuất các bước đẩy mạnh tự do hoá hơn nữa, tác giả điểm lại tình hình phát triển của thị trường phát triển này, và nêu một số vấn đề cần được giải quyết.

Nhà máy điện Pruszkow (Ba Lan ) 

Tháng 4/2008, cơ quan điều tiết năng lượng Ba Lan (Urzad Regulacji Energetyki - URE) đề xuất một lộ trình trong đó nêu các bước tiếp theo sẽ được tiến hành vào cuối năm 2008 để tiếp tục quá trình tự do hoá thị trường điện ở nước này.

Mặc dù các chi tiết về đề xuất này không được đưa ra, nhưng theo báo cáo, người đứng đầu cơ quan URE là ông Mariusz Swora đã nói rằng mục tiêu cơ bản của các đề xuất đó là bảo vệ lợi ích người tiêu thụ, đồng thời tạo các điều kiện khả thi cho quá trình mở rộng tự do hoá thị trường điện.

Mặc dù thực tế là từ tháng 7/2007, tất cả các hộ tiêu thụ năng lượng ở Châu Âu đều có thể chọn nhà cung cấp điện và khí, nhưng ở Ba Lan vẫn tồn tại những hạn chế nghiêm trọng trong việc chuyển đổi nhà cung cấp điện, mà tình hình này cũng xảy ra ở nhiều quốc gia thành viên khác của Liên minh Châu Âu (EU).

Ba Lan bắt đầu quá trình tự do hoá bằng việc thông qua Luật Năng lượng năm 1997, dẫn tới việc cơ cấu lại một bước quan trọng trong ngành điện. Trước hết, đó là việc tách ngành điện ra thành các ngành sản xuất, truyền tải và phân phối, mặc dầu ngành điện vẫn thuộc quyền kiểm soát chủ yếu của Nhà nước.

Năm 2003, khi sắp trở thành thành viên của EU, Nhà nước Ba Lan đã sửa đổi Luật năng lượng với mục đích hài hoà ngành năng lượng quốc gia với thị trường Châu Âu rộng lớn, và chuẩn bị hướng tới tư nhân hoá ngành điện. Mục tiêu chính của chính sách này là hợp nhất theo chiều ngang, sáp nhập các nhà máy điện với nhau, nhưng ngăn chặn mọi sự liên kết theo chiều dọc, tức là liên kết giữa các cơ sở sản xuất điện với các công ty phân phối điện.

Trong ngành sản xuất điện, sự hợp nhất đã tạo ra hai công ty điện lớn là BOT Gornictwo i Energetyka và Poludniowy Koncern Energetyczny SA (PKE).

Việc cải tổ lại các ngành truyền tải và phân phối điện cũng đã xảy ra. Sự tiến triển quan trọng nhất là việc tách đơn vị vận hành hệ thống truyền tải ra khỏi Công ty Lưới điện Ba Lan (Polskie Sieci Elektroenergetyczne - PSE SA), để thành lập một công ty riêng PSE-Operator SA. Trong khi đó trong ngành phân phối điện, các công ty phân phối trong nước được sáp nhập lại thành một số không nhiều các đơn vị phân phối điện được tổ chức theo địa lý.

Nhà máy kết hợp nhiệt và điện Belchatow (Ba Lan) 

Tuy nhiên, một vấn đề khiến người ta lo ngại đó là kết cấu bằng phẳng này đặt ngành điện Ba Lan vào thế yếu trong cạnh tranh với thị trường mở Châu Âu, và năm 2005, chính phủ do Liên minh Dân chủ Cánh tả cầm quyền thời đó đã quyết định tiến hành hợp nhất theo chiều dọc, điều này sau đó đã được thực hiện bởi Luật pháp và Tư pháp.

Bốn công ty địa phương thuộc sở hữu nhà nước đã được thành lập, trong đó Polska Grupa Energetyczna (PGE) là công ty lớn nhất với việc sáp nhập các hoạt động của PSE SA với đơn vị sản xuất điện BOT và tám công ty phân phối điện. Công ty điện lớn thứ hai là Energetyka Poludnie, được thành lập cuối năm 2006 và bao gồm tất cả các hoạt động của PKE, hai công ty phân phối điện và công ty Elektrownia Stalowa Wola.

Ngành điện Ba Lan là thị trường lớn nhất ở miền Trung và Đông Âu, có công suất nguồn lắp đặt trên 35 GW, và cũng như Pháp, là một trong số ít nước thuộc Liên minh Châu Âu xuất khẩu điện ròng. Tuy nhiên trong 30 năm qua, việc xây dựng nguồn điện mới không được đều đặn, đã vậy lại thiếu kinh phí cho các dự án bảo trì và hiện đại hoá đã khiến cho hệ thống điện nước này bị xuống cấp và trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Theo ông Katarzyna Rozenfeld, giám đốc năng lượng của công ty PricewaterhouseCoopers, công suất dự phòng ở Ba Lan giảm từ 46 % vào năm 2002 xuống còn 32 % vào năm 2007. Vào mùa hè năm 2007, đã có lúc công suất dự phòng đã tụt xuống mức báo động, chỉ còn là 6%.

Rõ ràng vấn đề cấp bách hiện nay là Ba Lan phải bắt đầu đầu tư đáng kể vào công suất nguồn. Một số công trình đầu tư đang chuẩn bị được triển khai, cụ thể là PGE hiện đang xây dựng một tổ máy công suất 833 MW ở khu liên hợp điện Belchatow. Tuy nhiên, ông Pawl Urbanski, chủ tịch PGE, đã thừa nhận cần có khoản đầu tư lớn hơn.

Một vấn đề nữa mà ngành điện phải đối mặt đã trở thành vấn đề thời sự vào cuối tháng 10 năm ngoái khi mà Cơ quan điều tiết năng lượng Ba Lan (URE) có ý đồ phi điều tiết giá điện kể từ ngày 1/1/2008. Giá điện ở Ba Lan thấp hơn nhiều so với giá trung bình của Châu Âu, và nhiều nhà phân tích đã tiên đoán rằng quyết định đột ngột này sẽ gây tăng giá đột biến từ 10 % đến 15%. Tuy nhiên, người đứng đầu URE đã bị cách chức chỉ 10 ngày sau khi ông đưa ra quyết định, và người kế nhiệm đã nhanh chóng thông báo sẽ thu hồi quyết định này.

Rõ ràng, ngành điện Ba Lan đã đi được một chặng đường dài so với thời nhà nước quản lý điều hành trước đây và tiếp tục hướng tới tương lai. Nhưng, với việc thiếu vốn đầu tư cho các công trình nguồn mới cũng như hiện có đã bắt đầu tác oai tác quái và việc tiếp tục trợ giá điện, xem ra cung cách làm ăn cũ vẫn còn ăn sâu bám chặt khó bề thay đổi.

Theo QLNĐ số 9/2008